Liên tục nhiều năm nay, cứ mỗi lần xăng tăng giá lại rộ lên những phát kiến, thử nghiệm dùng nhiên liệu sinh học thay thế. Rộ lên rồi lại chìm đi. Ở lần tăng giá xăng quá bất ngờ này, thà muộn hơn không, phải bắt tay nghiêm túc vào hướng đi mà thế giới đang tiến tới…
Theo nghiên cứu của tiến sĩ T.Pearse Lyons (Tập đoàn Alltech- Mỹ), từ lâu, nhiều nước đã xem việc chuyển đổi ngũ cốc (bắp) thành ethanol nhiên liệu thay thế xăng là tâm điểm. EU đặt mục tiêu tới năm 2010 thay thế 5,75% xăng bằng ethanol. Mỹ dự tính vào năm 2010 sẽ thay thế 10% (khoảng 14 triệu gallon) xăng sử dụng tại nước này bằng ethanol nhiên liệu. Tới năm 2030 phải có 30% nhiên liệu là nhiên liệu sinh học. Hơn 2.680 nhà máy dự kiến xây dựng tại Mỹ với mục tiêu trở thành khẩu hiệu “ruộng bắp là giếng dầu”.
Để đối phó với sự thiếu hụt năng lượng, Trung Quốc đã đầu tư lớn để nhiều cơ sở khoa học nghiên cứu về năng lượng sinh học với mục tiêu ethanol nhiên liệu sẽ tăng trên 2 tỉ lít vào năm 2010, khoảng 10 tỉ lít vào năm 2020.
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Ngọc Toản (Tổng GĐ Công ty Phong San – TP.HCM), từ 2005 đặc biệt là năm 2006, khi giá xăng dầu liên tục biến động, đã rộ lên phong trào nghiên cứu, thực nghiệm dùng nhiên liệu khác thay thế xăng.
Đơn cử, Công ty Phong San đã cùng Công ty TNHH Sơn Hà (Bình Định) và các nhà khoa học Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Môi trường Envipro (TP.HCM), đã nghiên cứu thành công 2 loại nhiên liệu mới cho động cơ nổ, ôtô và xe máy từ phế phẩm nông nghiệp.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, hầu hết các chỉ số hoá lý của xăng C95 đều đạt giá trị tương đương với xăng A92, nhưng có ưu thế hơn như: Chỉ số kích nổ (octan) cao; khí thải CO giảm gần 5 lần; nồng độ HC (xăng không cháy hết) giảm 2,2 lần.
Nếu công nghệ sản xuất xăng sinh học được triển khai rộng rãi, sẽ tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…
Theo ông Toản, tại một hội thảo về nhiên liệu sinh học năm 2006, có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào chế biến xăng sinh học. Ai cũng nhìn thấy tiềm năng.
Vì vậy, việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu đến 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật sản xuất trong nước sẽ đạt 250 nghìn tấn, đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước và đến 2025, công nghệ sản xuất năng lượng sinh học ở nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới đã khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Tuy nhiên theo ông Toản, việc triển khai không phải dễ dàng. Ví thử nếu chế biến xăng sinh học, doanh nghiệp không biết dựa theo tiêu chuẩn nào (xăng thông thường như A92, 95 đều có tiêu chuẩn lý hoá cụ thể). Nếu trồng nguyên liệu (mía, bắp) thì còn phụ thuộc vào quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Đưa xăng nhiên liệu vào chạy xe thì phải có sự chấp thuận của Bộ GTVT.
Tóm lại, nếu không có sự phối hợp các bộ ngành cho chương trình cấp quốc gia thì khó thành công.