Các nhà nghiên cứu Mỹ và Nhật Bản đã tạo ra những cây biến đổi gien có khả năng chịu được hạn hán và cần rất ít nước. Phát hiện này có thể tạo thuận lợi cho việc sản xuất cây lương thực, kể cả trong những điều kiện cùng cực.
“Chúng tôi khẳng định có thể tăng tính chịu đựng của cây đối với sức ép của hạn hạn bằng cách làm chậm quá trình lão hoá của lá trong thời gian hạn hán”, hai tác giả nghiên cứu Rosa Rivero (Đại học California, Mỹ) và Mikoko Kojima (Viện Nghiên cứu Riken, Nhật Bản) giải thích trên tạp chí PNAS.
Ở các loài cây, sự lão hoá không phải do sự thoái hoá của tế bào, mà là một quá trình được kiểm soát bởi gien. Một số gien biểu hiện duy nhất vào giai đoạn lão hoá, trong khi một số gien khác trở nên “im lặng”.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng quá trình lão hoá do sự kích hoạt của “chương trình chết” ở một số tế bào. Chương trình này có thể được kích hoạt ở một số loài cây trong mùa khô. Hủy bỏ chương trình này có thể giúp cây chịu được hạn hán.
Dựa vào nghiên cứu ở cây thuốc lá biến đổi gien, các nhà khoa học đã bổ sung gien IPT (isopentenyl transferase) sản xuất enzym tạo hoóc-môn cytokinin (CK). Cytokinin giúp lá giữ màu xanh kể cả trong mùa khô. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ giúp giảm những thiệt hại về mùa màng do hạn hán và cho phép sản xuất lương thực tại các vùng thiếu nước.