Theo các nhà khoa học, một cuộc khủng hoảng về đất trồng là điều có khả năng xảy ra, do sự thay đổi khí hậu có thể gây hủy hoại các nguồn cung ứng lương thực toàn cầu và làm tăng nguy cơ bị đói đối với một tỷ người nghèo nhất trong số những người nghèo.
Nam Á và châu Phi sẽ bị tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng, điều này sẽ làm chuyển hướng các vấn đề ưu tiên của thế giới, từ chỗ đẩy mạnh sản lượng lương thực hàng năm chuyển sang chú trọng vào việc nâng cao sự chống chịu của cây trồng để đương đầu với thời tiết ấm hơn.
Lúa, loại nguyên liệu chủ lực đối với hàng tỷ người, sẽ là cây dễ bị tổn thương nhất trước sự nóng lên toàn cầu, theo Dyno Keatinge, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Cây trồng Quốc tế về các vùng Nhiệt đới nửa khô cạn cho biết.
“Đây là loại cây trồng được tiêu thụ nhiều nhất của thế giới và điều đó sẽ làm cho mọi thứ khác đều trở nên kém quan trọng hơn nếu đem ra so sánh”, Keatinge đã phát biểu tại một hội nghị được Viện nghiên cứu của ông tổ chức tại Ấn Độ, thảo luận về tác động của thay đổi khí hậu đối với nghề nông. “Chúng ta có cơ hội để trồng các loại cây khác có sức chịu đựng tốt hơn trước nhiệt độ tăng cao hơn, ví dụ như lúa miến và kê, nhưng việc làm thay đổi tập quán lương thực của mọi người là điều rất khó khăn”, ông nói.
Sản lượng cây lúa có thể sẽ giảm “rất nhanh trong một thế giới ấm hơn”, trừ khi các nhà nghiên cứu tìm ra được các giống cây thay thế hay các phương pháp thay đổi thời kỳ ra hoa của lúa, điều này đòi hỏi các Chính phủ phải rót thêm nhiều tiền để nghiên cứu.
Các nhà hoạt động môi trường và các nhà khoa học nông nghiệp cũng đang chồng chất gánh nặng áp lực lên các Chính phủ, yêu cầu cần hành động gấp nhằm ngăn chặn sự phát xạ cacbon nguyên nhân làm thay đổi khí hậu, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh toàn cầu vào tháng tới tại Bali, Inđônêxia. Họ còn muốn ngân sách lớn hơn dành cho việc chống lại sự hủy hoại đã xảy ra và để đương đầu với những rủi ro trong tương lai.
Theo viện nghiên cứu cây trồng, một tỷ người nghèo nhất trên thế giới là những người dễ bị tổn thương trước tác động của sự thay đổi khí hậu đối với nông nghiệp, từ sự hoang mạc hóa và xói mòn đất cho đến khan hiếm nước và mất đi tính đa dạng sinh học. Ấn Độ chiếm khoảng 26% số dân nghèo nhất này, Trung Quốc có hơn 16% và các nước châu Á khác chiếm 18%, phần còn lại thuộc về châu Phi cận Sahara.
“Sự thay đổi khí hậu sẽ làm giảm tiềm năng sản xuất nói chung và làm tăng nguy cơ bị đói”, Martin Parry, đồng Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Thay đổi Khí hậu, người đã từng được trao Giải Nobel vì hòa bình cùng với Phó Tổng thống Mỹ, Al Gore, phát biểu. “Nơi nào có cây trồng đang tăng trưởng ở nhiệt độ cho phép tối đa và nơi nào có diện tích đất đai khô hạn, không được tưới tiêu đã vượt trội, thách thức của sự thay đổi khí hậu có thể là điều không thể chống lại được, đặc biệt là đối với những người nông dân cần kế sinh nhai”, ông nói. Các nền kinh tế phát triển đã có sẵn các hệ thống để chống lại sức ép căng thẳng đó trong khi các nước nghèo lại không, điều này làm phát sinh nguy cơ mở rộng hơn sự chênh lệch giữa người có và người không.
Parry cho rằng, các nhà nghiên cứu cần tập trung vào các loại cây trồng “chống chịu được hạn hán” và triển khai các giống chịu nhiệt để đối phó với vấn đề này, ông cũng cảnh báo rằng thế giới đang tiến nhanh đến ngưỡng gia tăng nhiệt độ có thể cho phép.
Các chuyên gia đến từ 15 tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế đã tham dự một cuộc thảo luận kéo dài ba ngày tại Hyderabad để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Bali, yêu cầu các Chính phủ cần hành động trước khi quá muộn. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn bắt đầu của cuộc khủng hoảng, xin đứng chần chừ lâu hơn nữa”, Simon Best, Chủ tịch một viện nghiên cứu cây trồng phát biểu.