Trong nhiều thế kỷ qua, Trung Quốc hầu như không đụng đến con sông Mê Kông mênh mông, cứ để cho nước từ thượng nguồn của con sông này chảy thoải mái qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, nước này đã bắt đầu biến con sông dài thứ 12 thế giới thành một xa lộ thương mại của khu vực và cũng thành một nguồn năng lượng thủy điện của họ.
Cuộc sống trên hồ Tông-lê-sáp
Xây đập trên sông Mê Kông – Phát triển hay phá hủy
Đối với hàng chục triệu cư dân ở hạ nguồn sông Mê Kông, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát con sông đang đe dọa nguồn sống cũng như cách sống của họ. Một con số đáng kinh ngạc: khoảng 17% số cá đánh bắt được ở các vùng nước nội thủy trên khắp thế giới là từ con sông này và 90% cư dân của lưu vực sông Mê Kông là người nông dân sống phụ thuộc chủ yếu vào những cánh đồng được cung cấp phù sa màu mỡ bởi sông Mê Kông.
Vậy mà các con đập cùng với những dự án xây dựng của Trung Quốc để các tàu thuyền lớn hơn có thể đi lại trên con sông đã bắt đầu tàn phá sinh thái của con sông do ngăn chặn phù sa và tạo ra những dòng nước phi tự nhiên cản trở việc di cư và đẻ trứng của các đàn cá.
Mạng lưới sông ngòi Đông Nam Á ước tính rằng nguồn cá dự trữ ở khu vực biên giới Thái Lan – Lào đã giảm một nửa do những hoạt động của các dự án từ Trung Quốc. Nông dân ở hạ lưu sông Mê Kông cũng cho biết rằng những đợt lũ cần để nuôi dưỡng các cánh đồng đã bị đảo lộn bởi hai con đập mới của Trung Quốc và một loạt các dự án thủy điện của họ trong tương lai sẽ càng làm cho mọi thứ xấu đi.
Được hay mất?
Quanh co chảy từ khúc sông băng giá của Tây Tạng tới những cánh đồng lúa nhiệt đới hạ nguồn, sông Mê Kông có vai trò huyết mạch đối với 70 triệu người ở sáu nước châu Á.
Thế nhưng, vào năm 2001, các nhóm người Trung Quốc được sự đồng ý của một số chính phủ ở các nước Đông Nam Á vì muốn tăng cường giao thông và thương mại đã bắt đầu cho nổ và nạo vét một quãng của con sông này chảy từ Myanmar và Lào tới Thái Lan, phá bỏ các hòn đảo, các bãi đá ngầm và thác ghềnh đã từng cản trở tàu thuyền đi lại.
Kể từ đó, những cảng sông Đông Nam Á đã biến thành những thành phố phát triển nhanh. Các tàu thuyền từ Trung Quốc liên tục cập bến đổ ra đồ điện tử, hoa quả, rau và tất cả các hàng tiêu dùng bằng nhựa giá rẻ. Giao thông đường sông chạy theo cả hai hướng: vào tháng 12/2006, chuyến tàu chở dầu tinh lọc đầu tiên đã chạy trên sông Mê Kông hướng về Trung Quốc, mở ra một lộ trình đường thủy mới nhằm tránh eo biển Malacca vốn bị cướp biển hoành hành.
Tiếp đó, Trung Quốc đổ vốn đầu tư vào Phnompenh (Campuchia) và Vientiane (Lào). Dòng đầu tư có lẽ sẽ tăng nhiều hơn vào năm tới, khi các công nhân xây dựng của Trung Quốc kết thúc xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Nam – Bangkok dài 1.800km chạy song song với một phần sông Mê Kông.
Một tàu của Trung Quốc đang bốc hàng ở cảng Chiang Saen ở miền Bắc Thái Lan |
Ít nơi nào trên sông Mê Kông thay đổi mạnh mẽ như cảng Chiang Saen ở miền Bắc Thái Lan. Nằm gần Tam giác vàng, địa điểm trên sông Mê Kông nơi Myanmar, Lào và Thái Lan gặp nhau, Chiang Saen trong nhiều thế kỷ là một thành phố đền chùa uể oải. Nhưng khi các kỹ sư Trung Quốc khai phá con sông này bằng việc cho nổ các vỉa đá ngầm thì thương mại đã bùng nổ. Người lao động từ cả ba quốc gia Tam giác vàng đổ về các bến tàu tìm việc làm. Một vài năm trước đây, chỉ những tàu chở dưới 100 tấn hàng mới có thể đi qua quãng sông Mê Kông này nhưng hiện nay, tàu thuyền có thể chở gấp ba lần, thậm chí nhiều hơn.
Tác động gián tiếp của thương mại Trung Quốc cũng rất lớn. Một sòng bạc khổng lồ đã được mở hồi đầu năm ngoái để thỏa mãn những khách du lịch Trung Quốc đổ từ các tàu trên sông Mê Kông vào miền Bắc Thái Lan và các nhà hàng Tứ Xuyên chen chúc trên bờ sông Chiang Saen. Thương mại của Trung Quốc nhộn nhịp đến mức chính quyền Chiang Saen đang xây dựng cảng container trị giá 63 triệu USD, thay thế cho cảng hiện nay dù nó mới chỉ hoạt động được ba năm!
Sâu trong những ngọn núi xanh thẳm của tỉnh Vân Nam, mười ngàn công nhân làm việc quần quật trên một công trường khổng lồ. Tới năm 2010, khu vực xa xôi trên sông Mê Kông này sẽ được biến thành một hồ chứa nước, nhấn chìm những hẻm núi lởm chởm hiện bao bọc con sông này.
Được xây dựng bởi Tập đoàn Hoa Năng – doanh nghiệp sản xuất năng lượng lớn nhất của Trung Quốc, đập Tiểu Loan là dự án năng lượng lớn thứ hai của quốc gia này sau đập Tam Hiệp và là đập lớn nhất trong số tám đập mà Trung Quốc có kế hoạch xây trên đoạn sông Mê Kông chảy qua nước này. Do một nửa lượng nước ở lưu vực sông Mê Kông bắt nguồn trực tiếp từ Trung Quốc trong mùa khô nên các nhà khoa học lo ngại rằng Tiểu Loan sẽ có vai trò như một chiếc nút kiểm soát số phận của hàng chục triệu người ở năm nước Đông Nam Á.
Các nhóm môi trường ước tính rằng 35% phù sa cần thiết để làm màu mỡ cho bãi bồi xuôi về phía Nam có thể bị con đập này ngăn lại, có nghĩa là khu vực hạ nguồn sông Mê Kông sẽ cằn cỗi, không phát triển được.
Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc không quan tâm hoặc không thể hiểu thấu đáo tầm quan trọng của sông Mê Kông đối với các nước vùng hạ nguồn. Hu Tao, một kỹ sư địa chất đã làm việc hai năm tại đập Tiểu Loan nói: “Đây là phần sông của chúng tôi, do vậy chúng tôi có thể làm điều chúng tôi muốn với nó. Những nước khác có thể làm điều mà họ muốn với khu vực sông của họ”.
Khoảng một nửa sông Mê Kông nằm ở Trung Quốc, nhưng hầu hết chiều dài đoạn sông đó nước chảy quá xiết đến mức không thể giúp cho giao thông đường thủy hay đánh cá trên quy mô lớn. Lợi ích lớn nhất con người có thể thu được từ dải sông này là năng lượng thủy điện. Do nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đang tăng cao nên người Trung Quốc quyết định bắt sông Mê Kông phải làm ra điện.
Trớ trêu thay, một ít điện trong số đó sẽ được xuất khẩu sang những nước như Thái Lan, nơi những dự án thủy điện có thể gây tranh cãi và đã bị những công dân có ý thức bảo vệ sinh thái ngăn chặn. Hoa Năng không phải lo ngại về sự can thiệp của công chúng vì công ty thuộc sở hữu nhà nước, được điều hành bởi con trai của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, có quan hệ với nhiều thế lực trong xã hội. Vì được bỏ qua yêu cầu điều tra về tác động môi trường hay nghiên cứu tính khả thi, Hoa Năng hiếm khi công khai chi tiết các kế hoạch của mình trước khi khởi công.
Chính phủ Trung Quốc cũng không cảm thấy nhu cầu phải hỏi ý kiến những nước láng giềng phía Nam của mình. Bắc Kinh đã từ chối tham gia Ủy ban Sông Mê Kông, tổ chức được thành lập 12 năm trước bởi bốn quốc gia ven sông khác (Myanmar cũng không phải là một thành viên).
Ông Middleton thuộc Mạng lưới sông ngòi Quốc tế phát biểu: “Tôi nghĩ Trung Quốc không muốn gia nhập Ủy ban này bởi vì sau đó sẽ có những yêu cầu về môi trường. Nhưng khi nước lớn nhất nằm ở đầu nguồn con sông lại không nằm trong Ủy ban sẽ khiến nhóm này về cơ bản là không có hiệu lực”.
Việc xây dựng đập của Trung Quốc không giới hạn ở dải sông thuộc chủ quyền của nước này. Vào tháng 06/2007, Chính phủ Lào đã phê chuẩn ban đầu cho con đập trị giá 1,7 tỉ USD trên sông Mê Kông do hai công ty năng lượng Trung Quốc xây dựng.
Một công ty Trung Quốc khác đang tiến hành một nghiên cứu tính khả thi của dự án năng lượng sông Mê Kông ở Campuchia, tại một khu vực mà những công ty nước ngoài khác đã miễn cưỡng đầu tư do tác động bất lợi về sinh thái. Vài con đập phụ khác trên sông Mê Kông ở Đông Nam Á sẽ được tài trợ bởi Ngân hàng China Exim – tổ chức tín dụng lớn nhất của Trung Quốc.
Những con đập đó có thể tăng cường sức tăng trưởng kinh tế ở những nước đang phát triển vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng năng lượng. Tuy nhiên, các con đập cũng gây những hậu quả về môi trường nghiêm trọng và lâu dài. Vùng châu thổ sông Mê Kông của Việt Nam, nơi con sông đổ ra biển, là một mạng lưới kênh rạch rộng lớn có vai trò cung cấp một nửa tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam.
Thế nhưng, phần nào do số lượng đập ngày càng tăng làm giảm dòng chảy của con sông, nước mặn từ biển Đông đã bắt đầu tràn vào sông Mê Kông. Tình trạng nước mặn tràn vào trong vài năm qua đã tàn phá các nông trại và các vùng nuôi trồng thủy sản.
Mùa xuân vừa qua, ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre) của vùng châu thổ này, Nguyễn Thị Hồng và chồng chị đã nhìn một cách bất lực khi nước mặn tràn vào vùng nuôi cá và cánh đồng của họ khiến trong mười ngày, cá da trơn đã chết hết và toàn bộ rau mọc dưới nước bị héo. Đàn heo và bò của gia đình chị sau đó cũng lăn ra ốm vì phải uống nước mặn.