Nghề nấu chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm – Hưng Yên) đã giúp bao gia đình trở nên khấm khá, mở mày mở mặt, nhiều gia đình xây được nhà, mua xe máy, ô tô… Thế nhưng, có bao nhiêu hộ nấu chì thì có bấy nhiêu hộ “nấu cả cuộc đời” trong đó, bởi nghề này, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ…
Sống trong ô nhiễm
Làng Đông Mai vốn có nghề đúc đồng truyền thống, nhưng kể từ khi nghề này bị mai một, người dân trong làng đã “đổ xô” theo nghề nấu, tái chế chì từ các loại phế liệu, bình ắc quy hỏng… Nghề nấu kẽm, chì ở Đông Mai rộ nhất vào đầu những năm 1990, sản phẩm làm ra được cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất ắc quy, mạ kẽm… Nhưng hầu hết người dân làng nghề nấu chì, kẽm chủ yếu bằng phương pháp thủ công, nấu một “hẩy” chì, kẽm cần 15 – 20 lao động.
Để có được những thỏi chì dẻo, đạt chất lượng cao, người làm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ lấy chì nguyên chất ở bình ắc quy hỏng, gột chì, kẽm, sau đó cho vào nấu ở nhiệt độ khoảng 800 độ C rồi đổ ra khuôn. Khói, bụi… trong quá trình nấu chì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Chỉ Đạo, xã hiện có trên 100 lò nấu chì, kẽm, tập trung chủ yếu ở làng Đông Mai, thu hút khoảng 1.500 lao động. Trung bình một gia đình theo nghề thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt mà người dân không ý thức được sự nguy hiểm, độc hại do chì gây nên. Trong quá trình nấu, chì có lẫn trong khói, bụi, phế phẩm thường xuyên thải ra từ hệ thống lò đốt, trong khi đó người dân không hề có những phương pháp tự bảo vệ.
Do diện tích mặt bằng chật hẹp, nhiều hộ dân đã xây lò nấu chì ngay tại nhà, vì vậy, trong sinh hoạt hàng ngày luôn phải tiếp xúc, hít thở với bụi chì, kẽm.
Theo anh Bùi Quang Trọng, Trưởng trạm y tế xã, có tới 80% dân trong làng nghề nấu chì mắc các loại bệnh viêm phổi, viêm não, viêm loét hành tá tràng…, thậm chí cả các loại bệnh liên quan đến ung thư. Trong đó có tới 60% là trẻ em, thanh thiếu niên, con số này ngày càng tăng mỗi năm.
Một lần đến Đông Mai và được tận mắt chứng kiến mương máng, cống rãnh, ao hồ… đâu cũng thấy một màu nước đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu. Ngay đầu làng là vùng ngập nước xú uế, rác thải và bụi. Nước thải đen, bùn sủi lên với những loại hoá chất tẩy rửa chì, kẽm. Hầu hết các sinh vật trong ao làng đã chết vì nước quá bẩn.
Có thể nói ô nhiễm môi trường ở đây đã đến mức báo động, sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Trịnh Đức Chiến, một người dân làm nghề nấu chì, kẽm lâu năm cho biết: “Trước đây, người dân làng Đông Mai chỉ sản xuất nhỏ lẻ, nhưng đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đời sống ngày càng khấm khá, các sản phẩm từ chì được nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp về tận nơi đặt mua, ký kết hợp đồng cung cấp. Để có đủ nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, một số người dân địa phương đi thu mua ắc quy hỏng, chì nguyên chất, tạp chất ở các tỉnh như: Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai, Hà Nội… về tái chế, mỗi lần hàng về thường mấy xe ô tô tải, họ bán buôn cho các gia đình làm nghề. Và cứ như vậy, cả làng Đông Mai chẳng khác nào một xưởng chuyên tái chế, nấu chì lớn trong vùng, mọi sinh hoạt của cả làng cùng với những lò nấu chì…”.
Theo số liệu khảo sát, đầu năm 2007 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, nồng độ chì trong không khí tại một số điểm đo vượt quá tiêu chuẩn cho phép tới 4,6 lần, nồng độ khí SO2 vượt 3,5 lần. Nồng độ bụi chì vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2,03 đến 4,06 lần.
Đặc biệt, tại các ao đãi chì và khu vực để xỉ thì hàm lượng chì trong nước, đất, hơi khí độc có tới 15 chỉ tiêu. Trong đất, khói, bụi lơ lửng và nguồn nước thải ở Đông Mai đều có chứa các chất SO2, CO, NO2, Pb… và đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép tới 1,82 lần.
Mang bệnh cả đời
Đông Mai đã có hàng chục trường hợp được đưa vào bệnh viện tẩy chì, một vài người đã tử vong. Anh Trọng cho biết: “Đã có 97 trẻ em trong làng, hầu hết là con em những gia đình làm nghề ở Đông Mai bị viêm phổi, da xanh, thể trạng yếu”.
Nghiêm trọng hơn, không ít trẻ em bị dị tật bẩm sinh mà nguyên nhân là do cha mẹ bị nhiễm độc chì. Điều này được thể hiện rất rõ ở gia đình anh Nhinh, chị Thuỷ, hai vợ chồng theo nghề này chì từ năm 1985, khi sinh bé Hường đã bị khiếm thính. Vài năm sau đó, sinh tiếp cháu Huyền và đặt nhiều hy vọng vào cháu, nhưng số phận không mỉm cười với anh chị, vì khi mới chào đời Huyền cũng bị dị tật như chị và trí tuệ kém phát triển.
Chị Thuỷ kể mà không dấu nổi thất vọng: “Bao nhiêu tiền của tích góp từ nghề nấu chì chúng tôi chạy chữa hết cho 2 cháu, nhưng kết quả chẳng thay đổi, giờ đây thì lực bất tòng tâm rồi!”.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã đề nghị UBND huyện Văn Lâm có kế hoạch sớm di chuyển, tháo rỡ, chấm dứt tái chế chì theo Quyết định số 64/QĐ – TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương quy hoạch làng nghề tái chế chì để các hộ sản xuất, tái chế có công nghệ xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, dự án này vẫn nằm trên “giấy”. Hơn 80 triệu đồng mà huyện đầu tư để trang bị công nghệ nấu chì cải tiến, hạn chế khói độc nhưng công suất chỉ đạt 2 – 3 tạ/ngày đêm, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân làm nghề.
Người dân Đông Mai không thể một sớm một chiều bỏ được nghề nấu chì đã ăn vào “máu thịt” từ nhiều đời nay. Vì vậy, bên cạnh việc chờ đợi một dự án thiết thực, chính quyền xã Chỉ Đạo cần có những biện pháp trước mắt để người dân theo nghề nấu chì, kẽm tự ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường và tránh được tác động xấu đến sức khoẻ.