ThienNhien.Net – Năng lượng mặt trời đang ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm và đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề giá cả nguồn điện mặt trời hiện nay vẫn là những nỗi lo đeo đẳng 1,6 tỷ dân đang sống thiếu điện.
Mặt trời chỉ cung cấp một phần nhỏ bé trong nhu cầu về điện cho con người – không quá 1/103 nhưng những người ủng hộ năng lượng này tin tưởng kỉ nguyên năng lượng mặt trời chỉ mới bắt đầu và càng ngày được đẩy mạnh khi các quốc gia phát triển thực hiện chiến dịch chống biến đổi khí hậu và hạn chế việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa.
Các Chính Phủ Nhật Bản, Đức, và Hoa Kỳ đang thúc đẩy việc hỗ trợ người dân dần dần từ bỏ các nhiên liệu hoá thạch. Chẳng hạn tại Đức, một gia đình tại Đức có thể được chính phủ hỗ trợ hơn 2.000 euro (khoảng 2.860 USD) để lắp đặt các tấm pin mặt trời. Họ không phải trả bất kì phí nào trong 10 năm và còn được thu lợi trong 10 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ở các nước phát triển việc tuyên truyền sử dụng năng lượng mặt trời lại hạn chế trong chính những nước này càng cần tranh thủ nguồn năng lượng mặt trời nhiều hơn – những quốc gia này có nhiều nắng, và đồng thời có nhiều người hoàn toàn chưa được dùng điện.
Hội Đồng Các Viện Quốc Tế – một tổ chức khoa học tập hợp các viện nghiên cứu khắp thế giới tuần trước đưa ra nhận định các nỗ lực để hạn chế những biến đổi thời tiết cần phải hướng tới đa số những người dân đang thiếu nguồn lượng cơ bản.
Giáo sư Steven Chu, nhà vật lý đã từng được trao giải Nobel thuộc Trường Đại học California, Berkeley, kiêm chủ tịch của tổ chức có trụ sở chính ở Đan Mạch này cho biết “Thật đáng buồn rằng có đến tận 1,6 tỷ dân sống thiếu điện và 2 – 3 tỷ người còn phải sử dụng năng lượng theo cách nguyên thuỷ rất nguy hại đến sức khoẻ.”
Thu nhập thấp
Thu nhập thấp và thiếu trợ cấp có thể biến năng lượng sạch trở thành một dịch vụ miễn cưỡng ở các quốc gia đang phát triển.
Tại bang Karnataka của Ấn Độ, các công ty tư nhân với sự hỗ trợ của ngân sách chính phủ, đang thúc đẩy việc mang năng lượng điện mặt trời đến các gia đình ở các thị trấn và thành phố, giúp cho các hộ gia đình này giảm các hoá đơn tiền điện khi năng lượng mặt trời được sử dụng.
Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa thì lại rất khác biệt, những nơi này đến nay vẫn phải sống phụ thuộc vào dầu lửa hoặc dầu hoả, dùng đèn dầu để thắp sáng và không được tiếp cận với điện.
J.P. Painuly, một nhà hoạch định kế hoạch về năng lượng của Phòng thí nghiệm Quốc gia Đan Mạch Risoe phát biểu: “Nhiên liệu hóa thạch là một gánh nặng cho ngân sách và chỉ có mặt rất hạn chế tại các vùng nông thôn, điều này sẽ giúp cho việc kinh doanh năng lượng điện từ mặt trời dễ dàng hơn.Tuy nhiên, năng lượng mặt trời đến nay vẫn rất đắt, thậm chí hơn cả dầu lửa.”
Trên thế giới hàng năm có khoảng 1,5 triệu người chết do ngộ độc từ chất đốt và nấu nướng trong gia đình. Việc sử dụng năng lượng mặt trời hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cho những người nghèo thay vì phải dùng đèn dầu cho sinh hoạt.
Trong hơn 12 năm qua, Công ty năng lượng mặt trời (SELCO) đã cung cấp năng lượng mặt trời cho 75.000 hộ gia đình tại Ấn Độ, nơi này tỉ lệ không có điện lên đến 60%. Giám đốc điều hành SELCO, Harish Hande cho biết: “Tấm năng lượng mặt trời tiêu chuẩn, thay thế cho 3 đèn dầu lửa đầy khói có giá khoảng $250, bằng với thu nhập 1 năm của các hộ gia đình ở thôn quê. Khác hàng có thể thanh toán đều hàng tuần và trả chậm trong 5 năm”. Tuy nhiên, có điều bất lợi là phần lớn khu vực Karnataka có mùa mưa kéo dài khoảng 4 tháng trong một năm và mọi người thường phàn nàn là hệ thống năng lượng mặt trời tỏ ra không có hiệu quả vào những ngày có nhiều mây.Một vấn đề nữa là với một lợi nhuận thu được thấp thì SELCO không thể cạnh tranh với mức lương mà nền công nghiệp Internet mang lại tại Bangalore cũng như khó có thể phát triển vượt ra khỏi bang Karnataka.
Ở nhiều khu ngoại ô của Karnataka có nhiều khu dân cư sử dụng máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời – là một công nghệ được sử dụng rộng rãi trong việc làm nóng nước nhưng không cung cấp điện năng, hoàn toàn không giống với các tấm năng lượng.
Bùng nổ sản xuất
SELCO cắt giảm giá thành bằng cách chế tạo đèn huỳnh quang và tự thiết kế lấy các tấm năng lượng mặt trời nhưng các tấm này vẫn còn rất đắt so với đèn dầu. Vậy đến khi nào thì giá của nó mới thực sự giảm?
Giáo sư Chu cho biết “Các nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc đang tham gia chế tạo tế bào quang điện bằng silicon, giúp giảm giá thành và các tấm năng lượng được chế tạo với giá rẻ, đơn giản sẽ được sử dụng tại các khu vực nông thôn một cách nhanh chóng.”
Theo ông, các quốc gia đang phát triển nhanh như Trung Quốc đang tham ra vào giai đoạn bùng nổ sản xuất những chiếc điện thoại di động dùng năng lượng mặt trời silicon, và chính điều này giúp giảm bớt giá của công nghệ khác và những thiết bị kinh tế, giản đơn có thể là những món hàng mà thậm chí những người nghèo vùng nông thôn cũng có thể mua được.
Các tế bào quang điện với giá rẻ có thể được sử dụng tại các khu vực chưa có điện lưới để vận hành các thiết bị gia dụng không sử dụng nhiều năng lượng nhưng có thể làm thay đổi cuộc sống như radio, điện thoại di động, thiết bị lọc nước và các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm dùng đi-ốt (LED).
Tháng trước, Ngân hàng thế giới thông báo rằng một công ty tư nhân đã phát minh ra một một nguồn năng lượng carbon thấp cho các hộ gia đình nghèo ở Châu Phi. Đây được coi là ngọn cờ đầu trong thị trường chiếu sáng ở châu Phi.
Một công ty sản xuất các tấm năng lượng mặt trời của Anh là G24 Innovations mới đây cũng đã khởi động sản xuất tấm năng lượng không silicon giá rẻ dự kiến cung cấp cho thị trường đèn LED tại các nước đang phát triển vào năm tới.