ThienNhien.Net – Sáu đập thuỷ điện dọc theo hạ lưu sông Mê kông đã được khởi động lại sau hơn một thập kỉ đề xuất và bị huỷ bỏ nhanh chóng do bị đánh giá là không những quá tốn kém mà còn tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiều người cho rằng sự im lặng của Ủy ban sông Mê Kông đang bật đèn xanh cho các dự án xây đập trên sông này, đồng thời nghi ngờ về trách nhiệm của Ủy ban sông Mê Kông trong vấn đề bảo vệ con sông mà Biên bản ghi nhớ năm 1995 về sông Mê Kông đã đề ra.
Cuộc sống trên hồ Tông-lê Sáp
Đập thủy điện và những nguy cơ đối với nghề cá
Kể từ đầu năm 2006, các công ty của Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc đã được cấp phép tiến hành nghiên cứu khả thi 6 đập nước trên hạ lưu sông Mêkông, bao gồm: Đập Don Sahong (tỉnh Champasak, Lào), các đập Xayabouri và đập Pak Lay (tỉnh Xayabouri, Lào), Đập Pak Beng (tỉnh Oudomxay, Lào), Đập Sambor (tỉnh Kratie, Campuchia) và Đập Ban Koum (tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan)
6 địa điểm xây dựng trên do các nhà tư vấn Canađa và Pháp đề xuất trong một báo cáo do Ban thư kí Mê Kông xuất bản vào năm 1994. Báo cáo này đưa ra đề nghị xây dựng một loạt đập có độ cao từ 30-60m với hệ thống hồ chứa nước kéo dài tổng cộng hơn 600km, trong đó dự kiến sẽ có khoảng 57.000 người phải di cư.
|
Mặc dù báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội của các dự án trên còn chưa được công bố và thậm chí có thể chưa được tiến hành nhưng đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy tác động to lớn của những đập nước này đến các cộng đồng dân cư sống ven sông – những người sống dựa vào nguồn tài nguyên phong phú của sông Mê Kông.
Tháng 05/2007, hơn 30 nhà khoa học đã gửi thư đến các quan chức cấp cao các nước trên lưu vực sông Mêkông cũng như Ủy ban sông Mê Kông thúc giục họ lưu tâm đến các bằng chứng khoa học quan trọng về tác động tiêu cực của đập nước Don Sahong đối với cuộc sống của ngư dân và nghề cá trên sông Mê Kông. Bức thư khẳng định “việc xây dựng đập nước cho nhà máy thuỷ điện công suất 240MW ở địa điểm này là điều cực kỳ bất hợp lý do đây là điểm tập trung luồng cá lớn nhất trên ngư trường cá nước ngọt lớn nhất thế giới”
Tương tự như vậy, đập nước Sambor tại tỉnh Kratie sẽ chặn đường di chuyển của luồng cá từ Biển Hồ ngược lên sông Me Kông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành ngư nghiệp của Campuchia, một ngành có đóng góp tới 12% GDP quốc gia này. Theo Uỷ ban quốc gia Campuchia về sông Mê Kông “thiệt hại một tỉ lệ phần trăm nhỏ của ngư trường này đồng nghĩa với thiệt hại hàng chục nghìn tấn cá có giá trị hàng triệu đô la”.
Báo cáo do Uỷ ban sông Mê Kông ấn hành vào năm 2004 cũng đã cho thấy việc xây dựng đập nước phục vụ cho thuỷ lợi, thuỷ điện và xả lũ “là một mối đe doạ nghiêm trọng đối với tương lai của cá và nghề cá trên sông Mê Kông”. Trái ngược với những lời khẳng định được nhắc đi nhắc lại trong các đề xuất xây dựng nhà máy thuỷ điện rằng nếu được kiểm soát chặt chẽ thì những tác động tiêu cực của đập nước sẽ được giảm bớt, báo cáo này nêu rõ “ Chưa có một ví dụ nào trong khu vực cho thấy những biện pháp hiệu quả có thể ngăn chặn được tác động tiêu cực của đập nước đối với nghề cá”.
Im lặng nghĩa là bật đèn xanh
Mặc dù xuất hiện những hậu quả về kinh tế và sinh thái từ việc xây đập ở hạ lưu sông Mê Kông nhưng Uỷ Ban sông Mê Kông vẫn không hề có một động thái gì. Điều này khiến nhiều người cho rằng Ủy ban này không còn thực thi những nhiệm vụ ban đầu đặt ra là bảo vệ con sông theo như Biên bản ghi nhớ năm 1995 về sông Mê Kông nữa. Được biết, Biên bản ghi nhớ năm 1995 đã thay thế hai thỏa thuận ghi nhớ trước đó là Quy chế năm 1957 đặt nền móng thành lập Uỷ Ban sông Mê Kông cũ và Tuyên bố năm 1975 về các nguyên tắc sử dụng nước ở lưu vực hạ lưu sông Mê Kông.
Tính đa dạng sinh học sông Mê Kông là cơ sở duy trì sinh kế của 55 triệu dân vùng hạ lưu (Ảnh:BBC) |
Trong vòng những năm 1960, 1970, Uỷ Ban sông Mê Kông đã lập ra hai kế hoạch nhằm xây dựng bảy đập nước quy mô lớn ngăn dòng chảy chính tại hạ lưu con sông này. Do một số vấn đề về nhạy cảm và những lo ngại về ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, xã hội, hai kế hoạch này đều không được thực hiện, tuy nhiên Ban thư ký và Uỷ Ban sông Mê Kông vẫn tiếp tục dành hết các nguồn lực quan trọng của mình một mặt cho việc xem xét lại các kế hoạch xây đập của mình, mặt khác tìm ra nơi thích hợp để xây đập trong hơn 200 địa điểm nằm trên phụ lưu của con sông chảy qua Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ý nghĩa của Biên bản ghi nhớ năm 1995 là đánh dấu một cam kết mới về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và quản lý con sông cho một bộ phận cộng đồng. Đây được coi là một bước chuyển quan trọng, từ việc tập trung vào các tài nguyên lưu động tới xây dựng các đập nước quy mô lớn trên sông Mê Kông và các phụ lưu của nó. Mặc dù sự thành lập của Uỷ Ban sông Mê Kông được chờ đón như một bước tiến nhằm đẩy lùi sự phản kháng trước đây ở khu vực này nhưng Uỷ Ban này vẫn bị chi phối bởi những lợi ích quốc gia do các thành viên chính phủ đề ra mà nền tảng là tập trung vào các lợi ích kinh tế, loại trừ tất cả các yếu tố khác.
Cho đến nay, Uỷ Ban sông Mê Kông đã thất bại trong việc duy trì và thực thi Biên bản ghi nhớ năm 1995. Không có bất kỳ tiếng nói bảo vệ nào cho tương lai của con sông và những người dân sống tại đây trước một đợt chạy đua mới để xây dựng các đập nước thuỷ điện. Theo như điều 7 trong Biên bản, Uỷ Ban có nhiệm vụ “ luôn nỗ lực để tránh, hạn chế và giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra với môi trường, đặc biệt là tới trữ lượng và chất lượng nước, tới các điều kiện thuỷ sinh, cân bằng sinh thái của hệ thống sông do sự phát triển và việc sử dụng tài nguyên nước ở lưu vực sông Mê Kông”. Tuy nhiên, những nỗ lực của Ủy ban chỉ có một chút ít ảnh hưởng trong việc khuyến cáo các quốc gia thành viên không nên xây đập tại hạ lưu của dòng chảy chính. Những kiến thức về hệ sinh thái sông và mối quan hệ của nó tới việc đảm bảo sinh kế cho người dân do Ủy ban đưa ra trong vòng một thập kỷ vừa qua cũng không được các quốc gia này nhận thức đầy đủ.
Cũng theo Biên bản ghi nhớ, Ủy ban sông Mê Kông có quyền tiến hành “đánh giá việc bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái ở lưu vực sông Mê Kông” (Điều 24), kiên quyết theo đuổi những tiến trình tư vấn giữa và trong các quốc gia thành viên, đánh giá các đề xuất sử dụng sông Mê Kông về mặt ảnh hưởng tới dòng chảy chính và Biển Hồ (Điều 6)
Tuy nhiên, thay vì việc thực hiện các bước nhằm đảm bảo rằng quá trình ra quyết định cho các dự án được tiến hành một cách công khai và có sự đóng góp ý kiến, phù hợp với Biên bản ghi nhớ năm 1995 thì Ủy ban đã thất bại trong việc thông tin cho cộng đồng về những nguy cơ to lớn mà các dự án phát triển gây ra, đồng thời bị chỉ trích đã kiểm duyệt và giấu nhẹm thông tin.
Sự thất bại của Ủy ban sông Mê Kông trong việc bảo vệ tính toàn vẹn sinh thái sông Mê Kông đã khiến một số nhà tài trợ và các tổ chức xã hội dân sự đặt câu hỏi về sự liên quan và vai trò trong tương lai của Uỷ Ban này.