Xã Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Tây) phát triển mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) với 2 nghề chính là sản xuất len và chế biến nông sản. Thu nhập kinh tế đem lại từ sản xuất TTCN đã giúp nhiều hộ dân xây được nhà cao tầng kiến trúc hiện đại, mua sắm được các thiết bị đắt tiền như ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh.Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, người dân Cộng Hòa đang phải đối mặt với tác động mặt trái sau quá trình sản xuất gây ra đó là ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải và khí thải.
Xã Cộng Hòa đang có khoảng 30 hộ làm nghề chế biến sắn để sản xuất tinh bột. Hiện nay đang là mùa thu hoạch, chế biến sắn nên tại các hộ chế biến nông sản đẩy nhanh cường độ sản xuất rất nhộn nhịp. Xe ô tô chở sắn từ các nơi chuyển về khá lớn. Trung bình 1 ngày các hộ chế biến khoảng gần 10 tấn sắn. Toàn bộ sắn củ được cạo vỏ, rửa sạch rồi cho vào máy nghiền sau đó cho vào bể lọc, bể lắng 2 lần để thành sản phẩm tinh bột sắn.
Trong quá trình chế biến sắn, tỷ lệ thành phẩm chỉ chiếm 25 – 30%, còn lại 70 – 75% trọng lượng tồn tại dưới dạng chất thải rắn và lỏng. Chất thải rắn chính là vỏ và bã sắn. Đang cao điểm mùa vụ sản xuất trong khi đó do mặt bằng chật hẹp nên nhiều hộ đem bã sắn đắp đống ra ven đường. Bã sắn để lâu phân huỷ bốc mùi khó chịu.
Người địa phương khác đến Cộng Hòa ngay từ xa đã hít phải bầu không khí ni nông bốc lên từ các đống bã sắn. Nhu cầu nước cho sản xuất chế biến sắn ở đây rất lớn, hầu hết các khâu trong sản xuất đều phải dùng đến nước. Nước sau sử dụng ở các công đoạn không qua xử lý chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước.
Cùng với sản xuất, chế biến sắn, người dân Cộng Hòa tận dụng các phụ phẩm để chăn nuôi lợn ngay trong khu sinh hoạt cũng đang gây ô nhiễm không khí, nguồn nước. Toàn bộ lượng nước thải sau sản xuất tinh bột sắn chứa các chất hữu cơ dễ phân hủy kết hợp với nguồn nước thải từ sinh hoạt của nhân dân cộng với nước thải trong chăn nuôi không được xử lý thải trực tiếp ra hệ thống cống rãnh, mương máng rồi đổ thẳng ra sông Đáy gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước sông và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây cá chết trong các ao hồ.
Kết quả phân tích mẫu nước thải đo được tại vị trí sau cống thoát nước của HTX Đoàn Kết có hàm lượng nhu cầu ô xy sinh hoá BOD5 là 397 mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 13 lần; hàm lượng nhu cầu ôxy hoá học COD là 607 mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 18 lần; hàm lượng DO rất thấp chỉ đạt 0,72mg/l; hàm lượng chất rắn lơ lửng là 197 mg/l, vượt TCCP 2,45 lần.
Đặc biệt chất lượng nước ngầm trong khu vực xã Cộng Hòa đang bị ô nhiễm nặng. Hàm lượng Cyanua trong nước giếng đã vượt TCCP theo qui định TCVN 5944 – 1995 là 108 lần, lượng Nitơrat vượt TCCP 1,71 lần, số lượng khuẩn 236 – 241 con/ 100 ml.
Bên cạnh ô nhiễm mùi do bã sắn và ô nhiễm nước thải sau quá trình nghiền lọc tinh bột gây ra, hiện nay việc sản xuất len mút cùng đang gây ô nhiễm môi trường do bụi len.
Xã Cộng Hòa hiện có gần 2.000 đầu máy dệt len mút. Nguyên liệu len mút nhập từ Trung Quốc về được các hộ dân dệt, thiết kế, may ra các sản phẩm áo len, mũ len, quần len, bít tất xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa. Trong quá trình sản xuất bụi len phát tán trong không khí là nguy cơ gây các bệnh về đường hô hấp.
Ô nhiễm môi trường ở Cộng Hòa đã và đang đến mức báo động đang cần có biện pháp giảm thiểu. Người dân địa phương cũng đã nhận biết được tác động xấu do ô nhiễm môi trường làm mất mỹ quan, gây ra nhiều bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Nhiều hộ dân đã mạnh dạn bỏ nghề chế biến sắn truyền thống chuyển sang nghề dệt len mút gây ô nhiễm môi trường ít hơn. Vấn đề xử lý nước thải sau sản xuất tốn kém nhiều kinh phí và phải tập trung vào một khu. Chỉ có thể xây dựng được hệ thống xử lý tập trung khi Cộng Hòa làm được điểm công nghiệp làng nghề tách khu sản xuất tập trung, riêng biệt khỏi nơi sinh hoạt, thì mới mong giảm thiểu ô nhiễm môi trường nơi đây.