Những cánh đồng xanh ngút ngàn xen lẫn những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đã dệt nên bức tranh của sự no ấm ở xã Mỹ Châu (Phù Mỹ – Bình Định). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất hàng hóa giúp Mỹ Châu ngày một xanh hơn…
Tận dụng nguồn điện lưới quốc gia, hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, lãnh đạo xã Mỹ Châu đã vận động nhân dân mở rộng diện tích các cây trồng cạn như đậu phộng (lạc), mè (vừng), bắp (ngô), đậu xanh… trên những chân đất cao, gò đồi bạc màu quanh năm thiếu nước.
Tuy chi phí về nước tưới và phân bón có cao hơn, nhưng nhờ đầu tư thâm canh nên năng suất, hiệu quả thu nhập không ngừng tăng. Cây đậu phộng bình quân đạt 120 kg/sào (500m2), hiệu quả cao gấp 1,5 – 2 lần trồng lúa.
Ngay cả diện tích chân ruộng thấp, chỉ độc canh cây lúa trước đây cũng được bà con chuyển sang trồng đậu phộng vụ đông xuân, đưa diện tích đậu phộng hàng hóa lên 450ha, dẫn đầu huyện.
Đặc biệt, nhờ có nguồn nước ngầm khá ổn định, vừa thu hoạch đậu phộng vụ đông xuân, bà con khẩn trương làm đất, tranh thủ xuống giống mè vụ hè thu, với thời gian ngắn, chi phí thấp nhưng cũng cho thu nhập 400 – 500 ngàn đồng/sào.
Làm mè xong, bà con lại trồng bắp lai vụ thu đông. Chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, bắp cho năng suất cao, giá cả ổn định nên diện tích bắp thu đông không ngừng tăng, hiện đã đạt 170ha. Đến nay, toàn xã có hơn 70% số hộ mở rộng diện tích cây trồng cạn với công thức: đậu phộng đông xuân – mè hè thu – bắp hoặc đậu xanh thu đông…
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân ở Mỹ Châu đã trở nên khá – giàu như bà Nguyễn Thị Bằng ở thôn Vạn An; ông Đặng Văn Tường ở thôn Quang Nghiễm.
Năm 2007, toàn xã có 364 hộ nông dân được bình xét đạt danh hiệu sản xuất giỏi các cấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 17% (theo tiêu chí mới), hơn 95% số hộ đã có nhà ngói, gần 100% có điện thắp sáng; bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.