Không đem lại hoa lợi gì, các địa phương còn phải tốn công bảo vệ hàng trăm "hố bom" được hình thành từ cả ngàn hécta đất nông nghiệp, mà đáng lý hàng năm nó phải sinh ra hàng chục ngàn tấn lúa, hàng triệu cây mía, cây tràm… phục vụ cuộc sống con người.
Và còn mai kia nữa, nếu thế hệ sau hỏi: Những hố sâu khổng lồ ấy vì sự phát triển bền vững? Thật khó có lời minh giải thoả đáng, bởi đối với tương lai, đó chỉ là những dấu ấn chết…
Lòng dân không an
Theo quy định của tỉnh Long An, DA khai thác đất san lấp phải xác định khối lượng và địa chỉ san lấp. Đất được khai thác ở Long An không được chuyển ra khỏi tỉnh. Nhưng thực tế thì đất “vô tư” vượt biên từ huyện Đức Hoà qua huyện Củ Chi (TPHCM), vì giá đất san lấp ở đó cao gấp rưỡi, gấp đôi so với Long An.
Tại Đức Hoà, giá đất san lấp 15.000 – 20.000đ/m3, chỉ cần vượt kinh Thầy Cai sang Củ Chi cách vài cây số,giá lên đến 30.000 – 35.000đ/m3. Không phải ngẫu nhiên mà trên địa bàn Đức Hoà nơi giáp ranh Củ Chi có khá nhiều DN “chạy” DA khai thác đất như Quảng Thịnh, Thành Hậu, Song Pha…
Nhiều bãi đất san lấp thường xuyên được “tập kết” cặp kinh Thầy Cai. Tất nhiên là xe ben chở đất không thể đi công khai. Nhưng có chi phí “mãi lộ” thêm chút đỉnh, họ vẫn còn lời chán. Thỉnh thoảng “đất chảy máu” cũng bị bắt lập biên bản và phạt vi phạm hành chính… 3 triệu đồng. Đến tháng 08/2007, Thanh tra Sở TNMT Long An cho biết mới chỉ phát hiện và phạt trường hợp Cty Tấn Lộc chuyển đất san lấp ra ngoài tỉnh.
Dọc theo những cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười luôn có những hầm đất rộng nhiều hécta. Nhiều hầm đất này không được khảo sát, thăm dò địa chất, không lập DA khai thác đất san lấp theo quy định. Hiện, những ao đầm này chứa nước phèn trong vắt, nhìn rõ tận đáy ao.
Một kỹ sư ở Trung tâm Khuyến nông Long An giải thích: Đây là vùng đất ẩn chứa phèn tiềm tàng; khi khai thác đất, phèn tiếp xúc không khí và bắt đầu hoạt động, ảnh hưởng cả khu vực xung quanh. Nhiều nông dân có ruộng cạnh các “hố bom” than phiền: Đầu mùa mưa thì thiếu nước làm ruộng do nước rút hết xuống hố, lúc mưa đậm thì nước phèn trong hố tràn ra ảnh hưởng ruộng lúa.
Khoảng 20 hộ dân ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh
Dấu ấn chết
Việc khai thác hầm vượt độ sâu cho phép là nguy cơ tiềm ẩn khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm xâm nhập vào tầng nước ngầm vô giá. Có thể các thế hệ con cháu của người dân Long An mới phải trả giá, vì quá trình ô nhiễm và xâm nhập diễn ra rất chậm.
Tiến sĩ Mai Thành Phụng – Trung tâm Khuyến nông quốc gia – cho rằng, nếu không đắp bờ bao tốt, để nước thải của các cơ sở công nghiệp, nước ruộng rút xuống các hố sâu ấy, kèm theo kim loại nặng, dư lượng nitrat trong phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu… thì chuyện gây tổn hại mạch nước ngầm là điều có thể xảy ra.
Hầm đất bị lở, gây nguy hiểm cho người và gia súc cũng đã gây ra hậu quả “nhãn tiền”. Trong tháng 8 vừa qua, một cháu bé 11 tuổi ở ấp Bình Hữu, xã Đức Hoà Thượng (huyện Đức Hoà) đã chết chìm khi miệng hầm đất bị sạt lở. Trước đó 2 cháu bé khác là anh em ruột ở xã Hiệp Hoà (huyện Đức Hoà) ôm nhau chết chìm dưới một hầm đất không được che chắn đúng quy định.
Một nhà dân ở kế bên hầm đất ở xã Nhơn Thạnh Trung (thị xã Tân An) buộc phải dời đi vì hầm sạt lở. Thạc sĩ Nguyễn Viết Cường – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu TNNN Đồng Tháp Mười (thuộc Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam) – cho rằng, những hầm đất sâu quá mức nằm gần các khu dân cư và đường giao thông ở Long An chắc chắn về lâu, về dài sẽ gây hậu quả do sạt lở.
Theo quy định hiện hành, hầm đất sau khi khai thác xong, được bàn giao cho chính quyền xã quản lý. Còn các xã quản lý để làm gì, thì không ai có câu trả lời. Các kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản cho biết, với những ao hồ có độ sâu như thế, việc nuôi cá không khả thi. Thạc sĩ Nguyễn Viết Cường nhận định: Các hố sâu ấy chỉ có bỏ, không thể sử dụng vào việc gì. Sở KHCN Long An có ý tưởng biến hàng trăm “hố bom” này thành hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt người dân.
Có thể đến lúc nào đó, khi nước ngầm cạn kiệt hoặc bị con người làm nhiễm bẩn không còn xài được (hiện hầu hết dân Long An xài nước ngầm) thì ý tưởng này mới được xem xét. Cũng có đề nghị đầu tư làm các hồ nước thiên nhiên phục vụ du lịch sinh thái, nhưng đã bị bác ngay vì quá viển vông. Các “hố bom” chỉ rộng một vài hécta, nằm ở vị trí heo hút, khó có thể phục vụ du lịch.
Bức tử để phát triển, hay…?
Ngày trước, để san lấp mặt bằng, người ta chở đất đỏ từ miền Đông về, đất “cát giồng” từ miền Tây lên, rồi cát sông, đất mặt ruộng gò… Còn bây giờ là đất hầm. Chi phí đất san lấp từ khai thác đất hầm chỉ bằng khoảng 50-70% so với chi phí san lấp truyền thống. Chủ yếu là nhờ tiền vận chuyển giảm đáng kể do hầm đất luôn gần bên công trình. Khoảng 1.800ha (phần lớn là đất NN) đã chính thức bị “khai tử” cho việc lấy đất san lấp giai đoạn 2006-2010 (chưa kể không biết bao nhiêu hécta đã biến thành”hố bom” những năm trước đó).
Tiến sĩ Mai Thành Phụng – Trung tâm Khuyến nông quốc gia – gợi ý: Nếu không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải khai thác đất hầm cho san lấp, thì tại sao không xây dựng DA phục vụ du lịch song song với DA khai thác đất. Một hồ nước nhân tạo rộng vài chục hécta đến hàng trăm hécta, ở một vị trí thuận lợi cho du lịch, được đầu tư đúng mức cả trên bờ lẫn dưới nước, có thể làm cho đất tiếp tục sinh lợi sau khi “rút ruột” phục vụ cho phát triển công nghiệp. |
Không chỉ dừng lại bấy nhiêu, vì giai đoạn 2010-2020 mới là thời kỳ Long An tăng tốc xây dựng công nghiệp, cần nhiều đất san lấp. Chẳng lẽ cứ sau 5 năm lại có thêm hàng ngàn hécta đất NN ở đây biến thành “hố bom” chết. Có thật sự cần thiết phải hy sinh hàng ngàn hécta đất NN như thế? Những người chủ trương “hy sinh” lập luận rằng đó là cái giá phải trả cho phát triển(!).
Thực ra, có khá nhiều công trình lớn ở Long An đã và đang san lấp bằng nguồn cát sông chở từ miền Tây về. Tất nhiên là chi phí san lấp cao hơn so với khai thác đất tại chỗ, lợi nhuận của nhà đầu tư vì vậy mà cũng giảm theo. Vì vậy mới có tình trạng “chạy” xin dự án khai thác hầm đất. Nếu có một diễn đàn, nhiều nhà khoa học sẽ hiến kế.
Chẳng hạn, việc tận dụng đất cát gò ở An Ninh, Lộc Giang cho nhu cầu san lấp khu vực Đức Hoà, Đức Huệ là khá hiện thực. Một nhà kinh tế trong tỉnh đưa ra phương án: Khoảng một nửa nhu cầu san lấp ở gần đường sông thì cho chở cát từ miền Tây về; một nửa còn lại nằm sâu trong nội địa (đưa cát vào khó khăn) thì cho khai thác đất hầm để san lấp, nhưng chỉ khai thác độ sâu vừa phải để có thể làm ao nuôi cá. Như vậy vừa bảo đảm nhu cầu phát triển công nghiệp, vừa có thêm hàng ngàn hécta mặt nước để phát triển thuỷ sản. Tiến sĩ Mai Thành Phụng nói: “Bất luận vì lý do gì, nếu biến đất nông nghiệp thành đất “chết” thì quá kém, không thể chấp nhận!”.
Hàng ngàn hécta đất đã trở thành “hố bom” và hàng ngàn hécta rồi sẽ chịu chung số phận. Có khả năng “kinh nghiệm” “bức tử” đất ở Long An rồi sẽ được nhiều tỉnh ĐBSCL nhân rộng. Một số tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng đã bắt đầu có những “hố bom” chết đầu tiên. Hãy cùng nhau đánh giá lại vấn đề, nếu chúng ta không muốn có lỗi với các thế hệ cha ông đã dày công khai phá vùng đất này và các thế hệ mai sau sẽ đặt ra câu hỏi lớn khi chứng kiến những “hố bom” của cha ông để lại.