Kinh hoàng công nghệ sản xuất đũa, tăm, tre

Có một điều ít ai ngờ đến là với những vật dụng nhỏ nhưng không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày như đũa và tăm lại có lắm chuyện để bàn. Và chúng cũng là một trong những tác nhân gây mất an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Tăm, đũa tre … siêu rẻ


Theo chân một cô bạn chuẩn bị mở quán cơm văn phòng, chúng tôi đến một ngõ nhỏ nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Đây là một đầu mối lớn, chuyên cung cấp đũa “sạch” dùng một lần, tăm tre và hộp đựng thức ăn chín cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.


Một người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên của cơ sở sản xuất M., giới thiệu giá cả với chúng tôi tôi: Một hộp đựng cơm nhiều ngăn có giá 350 đồng/chiếc, hộp nhỏ hơn đựng xôi hoặc thức ăn chín có giá 150 đồng/chiếc, tăm tre hương quế 25.000đồng/kg, đũa tre 80đồng/đôi.


Khi tôi hỏi: “Bọn chị mua số lượng lớn cho tiện, nhưng để lâu, tăm và đũa có mốc không em?” Cô trả lời ngay chẳng chút đắn đo: “Chị có thể để đến hết… đời em cũng chẳng mốc. Chúng em đã tẩm ướp và sấy cực cẩn thận rồi”.


Lấy lý do chờ gặp người quản lý cơ sở để “thương lượng giá cả, đặt hàng với số lượng lớn”, chúng tôi lân la ra căn phòng phía ngoài, nơi 6,7 người thợ đang ngồi bệt dưới đất, đóng tăm và đũa vào túi nilông. Một người thợ hồn nhiên cho biết rằng làm ở đây khá lâu rồi nhưng chưa bao giờ nghe ai nói tăm hay đũa bị mốc, phải trả lại.


Nhìn đống tăm và đũa chưa vào bao nằm “trần trụi”, chất đống trên nền nhà lẫn với guốc dép và vô vàn thứ bụi bẩn khác, không hiểu những hậu quả nào sẽ xảy ra khi những đôi đũa, cái tăm ấy rồi sẽ được đưa lên miệng.


Sức khỏe người tiêu dùng đang bị… thả nổi


Đũa tre, tăm tre có mặt trong tất cả các nhà hàng, quán ăn hay trong mỗi gia đình. Nhất là bây giờ khi “công nghệ” ngày càng phát triển, nhiều nhà hàng, quán ăn đã sử dụng đũa tre dùng một lần, được đóng gói từng đôi một trong một vỏ bao nilông trông có vẻ rất sạch sẽ và an toàn.


Tăm tre cũng vậy, được vót nhọn sẵn hai đầu, giúp các “thượng đế” đỡ phần thao tác, tiện dăm bảy đường. Đi sâu tìm hiểu xuất xứ của những đôi đũa, cái tăm ấy, mới giật mình kinh hãi vì công nghệ sản xuất, hấp sấy và bảo quản của chúng…


Sau gần một tiếng chờ đợi và cố gắng thuyết phục cô nhân viên cho chúng tôi xem xưởng sản xuất để “đặt khuôn làm hàng riêng với số lượng cực lớn” nhưng cô này vẫn một mực lắc đầu, kiên quyết chỉ giao dịch tại trụ sở.


Một người thợ nói với chúng tôi rằng không nên tìm đến xưởng sản xuất làm gì bởi ở đó “cực bẩn và không thể thở được vì có rất nhiều hóa chất”. Anh thợ này cũng nói thẳng với chúng tôi rằng chỉ khuất mắt cho qua, chứ nếu đến xưởng, sẽ không bao giờ chúng tôi dám sử dụng tăm tre, đũa tre hay các hộp đựng cơm nữa.


Anh cũng nói thêm rằng nguyên liệu sản xuất ra các thứ “đưa vào miệng” ấy đều rất rẻ, rất bẩn và tất nhiên là cơ cơ sở nào cũng sẽ đặt lợi nhuận lên trên hết nên đừng hỏi đến “sức khỏe người tiêu dùng”, nghe câu này xa lạ và… buồn cười lắm.