Theo lời người dân ở những làng Kor Trà Sung (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), "bây chừ con khố mới ở đây sợ con người lắm, phải lựa lúc trời mưa gió để vô rừng mới mong thấy được chúng".
Những cái chết thảm thương (Kỳ 1)
Chúng tôi vào rừng và nhận ra một thực trạng xót xa: đàn voọc luôn nơm nớp với nỗi khiếp sợ con người ngay ở chính “vương quốc” của chúng.
Ở “tiểu quốc” Dương Ngang
Núi Dương Ngang nằm sát lưng nóc Ông Tiến. Đường lên núi dựng đứng dốc, cây rừng ken dày, cao chót vót. Sau chừng 40 phút vượt dốc, đến làng cũ của già Tiến ở giữa núi, chúng tôi “cấm khẩu” để bắt đầu cuộc tìm kiếm. Tẻ rừng hố Nghê chỉ chừng mươi lăm phút, may sao đã nghe thấy mùi nước đái voọc – mùi đặc trưng của loài voọc giữa rừng. Anh Thanh – người dân nóc Ông Tiến – dẫn đường chỉ những cành lá héo đọt non cho biết đàn voọc đã ở đây một vài ngày trước.
Tiếp tục lội theo sườn đông hố Nghê đầy ghềnh đá hiểm trở nhưng mãi đến trưa vẫn chưa thấy tăm hơi đàn voọc. Anh Thanh lại dẫn ngược lên hố Cốc để đến hố Cha Lương ở bên trên hố Nghê. Rừng vẫn thâm u. “Trước đây tại chỗ ni có nhiều lắm. Bây giờ chẳng thấy”, anh Thanh nói.
Đến 2 giờ chiều đã nghe thấy tiếng “cộc cộc” – âm thanh duy nhất của loài voọc – vọng tới từ phía trước. Mừng, cùng nhau cố giữ im lặng bước tới, những tiếng “cộc cộc” nghe càng gần hơn. Giữa lúc chúng tôi căng mắt nhìn lên những tán cây cao kín bưng, bỗng đâu như một trận bão lướt ầm ào trên đầu.
Trong “ánh chớp” của chuyển động, hình ảnh quen thuộc của lũ voọc năm màu, từ thân hình, khuôn mặt đến chiếc đuôi dài, trắng vẫn được nhận ra qua những kẽ hở của tán cây. “Chắc chúng đã thấy được tụi mình rồi đó. Bị săn bắn miết nên chúng rất sợ con người, hễ nghi có con người ở dưới là chúng nhảy cành không ngó lại. Chúng nhảy ầm ầm lâu như rứa có ít cũng đến ba chục con”, anh Thanh nói.
Thâm u Dương Bà Dụ
Dương Bà Dụ nằm sát nóc Ông Thông. Cõi rừng riêng của nóc Kor này cũng là “tiểu quốc” voọc với một đàn voọc tách biệt với đàn voọc ở núi Dương Ngang. Dốc vào Dương Bà Dụ cao chớn chở, mưa lũ lại làm xói lở, rừng lại quá âm u nên rất khó đi. “Mình phải lên đỉnh núi để tạt xuống giữa hố Dầu mới mong gặp được voọc. Thời trước chúng còn dạn lắm, thấy người vẫn cứ ngồi im nhìn xuống. Nhưng mươi năm nay chúng cứ nghe hơi người là nhảy trốn. Bởi rứa mình phải ráng giữ im lặng”, anh Thời, con trai của già làng Thông cùng anh Thanh, cho biết.
Phải hơn một giờ vượt dốc mới đến được đỉnh Dương Bà Dụ, nơi tiếp giáp với điệp trùng rừng rậm thuộc thôn 4, xã Trà Kót của huyện Bắc Trà My. Anh Thời và anh Thanh nói rừng Trà Kót tốt như thế nhưng đàn voọc vẫn ít sinh sống ở đó, trái lại chúng chỉ chịu “đóng đô” ở hố Dầu của Dương Bà Dụ.
Cùng nhau len lỏi xuống hố Dầu. Mải miết lùng tìm mới thấy dấu những cành cây bị voọc bẻ ăn xả vương vãi trên đất từ hôm trước. Rừng già âm u, 11g, trên mặt rừng có những cành tươi rơi rớt, bỗng nghe đưa lại mùi nước đái voọc hăng hắc.
Mươi phút sau đã nghe thấy tiếng “cộc cộc” rất khẽ. “Chúng tán tỉnh nhau đó. Đi hái trầu, tụi tui đã gặp cảnh mấy con voọc đực “te ve” đám voọc cái. Những lúc như rứa chúng kêu “cộc cộc” rất nhỏ”, anh Thanh nói thầm. Giữa lúc cùng nhau táo tác vẫn tìm không ra bóng lũ voọc, “cuộc tỏ tình” của chúng vẫn được tiếp tục trên mái rừng kín như bức màn giăng. Chừng hơn mươi phút sau, “cơn bão” nhảy cành lại diễn ra.
Thêm một lần chúng tôi ngẩn ngơ nhìn những màn phi thân của những con vật được xem là đẹp nhất trên tán rừng loáng qua từ những kẽ lá mà bình thường không tài nào con người ở bên dưới có thể phát hiện được chúng. “Đàn voọc ở Dương Bà Dụ có khoảng ba chục con. Ai ở đây cũng đoán là chừng ấy”, anh Thời nói.
Bầy voọc lớn
Từ Dương Bà Dụ, chúng tôi đổ về hướng tây để đến Dương Cây Chai – dãy núi nằm chen giữa Dương Bà Dụ và Dương Ngang cũng có riêng một đàn voọc. Rừng ở đây ít dốc dựng hơn nhưng vẫn dày ken cây lớn nên mặt rừng ẩm thấp, tối tăm. Sau hơn hai giờ dò dẫm vẫn chưa tìm thấy tăm hơi voọc, anh Thanh mở đường về lại phía Dương Cây Chai. Rừng già như mê lộ nhưng nhờ anh Thanh quen hướng nên khỏi phải lòng vòng vì lạc lối.
Hai giờ chiều, chưa đến đỉnh Dương Cây Chai lại thấy được những cành lá voọc ăn xả trên đất với phần ngọn đã héo. “Đàn voọc ni đông lắm, phải cố tìm cho được chúng. Cách đây hai tháng, con trai đầu với đứa em ruột của mình đến đây lấy gỗ làm nhà đã chạm mặt chúng. Cả hai chú cháu trầm trồ là đàn voọc đông đến khoảng 50 con chớ không ít”, anh Thanh thầm thì.
Ba rưỡi chiều, rừng tối mịt, vẫn chưa tìm được dấu đàn voọc. Giữa lúc tưởng không mấy hi vọng cho khả năng thấy đàn voọc ở đây, bỗng nghe những tiếng “cộc cộc” từ phía trước vang lên giòn giã. Lại như những trinh sát vô trận, chúng tôi dò bước, căng tai căng mắt nghe nhìn. Bầy voọc vẫn “cộc cộc” rôm rả như chưa phát hiện được gì bên dưới tán rừng. Đúng là chúng trò chuyện rất sôi nổi, có lẽ con nào cũng lên tiếng. “Cũng giống bầy chim kêu lúc sắp tối, bầy voọc cũng nói chuyện lúc chiều tối. Chắc chúng kể lại chuyện trong ngày, bàn nhau tối nay ngủ chỗ nào hay nói những chuyện tào lao cho vui đó mà. Tụi tui vẫn thường nghe lũ voọc om sòm lúc chiều tối”, anh Thanh nói thầm.
Nhưng lũ voọc dường như đã phát hiện được chúng tôi. Sau màn ồn ã, tán rừng âm u lại ào ào như một cơn lốc bất thần ập đến. Cả một vùng rừng lay động bởi những cú nhảy cành liên tục, mạnh mẽ kéo dài đến mươi lăm phút. Rừng bắt đầu sẫm tối, đàn voọc trên đường chạy trốn, chúng tôi đành phải từ giã rừng xanh để trở về. So với những đàn voọc ở Dương Ngang, Dương Bà Dụ, đàn voọc ở Dương Cây Chai đông hơn. Có điều chúng vẫn luôn sợ sệt và lẩn trốn con người.