Vắt sương lấy… nước

Những năm 1990 ở Chile, trên vùng núi El Tofo, một trong những nơi khô hạn nhất thế giới, làng Chungungo không còn cung cấp đủ nước sạch cho dân, mà phải mua. Các nhà khoa học Chile và Canada đã nảy ra ý tưởng: ‘Vắt nước’ từ sương bị gió biển thổi vào làng.

Trên một diện tích 5.000 m2, họ giăng gần 100 tấm lưới làm từ polypropylene, kích thước 4×12 m. Kết quả thật không ngờ, những hạt nước nhỏ bé trong sương bị “mắc bẫy” trong lưới, chảy xuống hệ thống hứng, cho ra tới… 15.000 lít nước mỗi ngày.


“Cách này cho phép nhận được một lượng nước rất tinh khiết mà ít tốn kém, ở mức độ kỹ thuật rất đơn giản”, ông Robert Schemenauer, Giám đốc tổ chức FogQuest của Canada chuyên nghiên cứu việc thu sương, nói.


“Nhờ những tấm lưới như thế, người ta có thể… làm ra nước ở những vùng sa mạc, nơi nước mưa rất khan hiếm. Điều quan trọng là chọn vị trí thích hợp. Ngoài ra còn cần phải bảo trì thường xuyên để hệ thống làm việc hiệu quả”.


Công nghệ “bắt sương” được nhiều người ở El Tofo tiếp tục nghiên cứu tới năm 2002 với việc thử nghiệm nhiều loại vật liệu và mô hình khác nhau. Đến nay, nó đã được ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện ở 25 nước trên thế giới như Nam Phi, Tanzania, Nepal, Peru… và mới đây là ở Yemen. Nhiều công trình tương tự đang được xây dựng tại Guatemala, Haiti


Làm bể hứng sương trời


Để có hiệu quả cao nhất, nên giăng lưới ở những vị trí thuận lợi trên đỉnh núi cao từ 400 m tới 1.000 m, vuông góc với hướng gió. Trung bình các mắt lưới polypropylene có thể “thu tóm” tới 30% lượng nước trong sương, tức từ 17 lít tới 42 lít nước/m2 mỗi ngày. Dẫu vậy, hiệu suất của hệ thống vẫn có tính thất thường do bị phụ thuộc vào “chuyện mưa nắng của trời”. Không khí ở vùng đặt lưới càng ít bị ô nhiễm càng tốt.Các nhà khoa học không dừng lại ở đó, đối tượng “săn lùng” khác là… những giọt sương đêm, điều con người đã biết từ lâu. Cách phổ biến nhất là thu hồi sương nhờ một thiết bị ngưng tụ.


Ở vùng Gujarat (tây bắc Ấn Độ), một nơi khô hạn, người dân có cách làm thật đơn giản. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Opur của Pháp, trên diện tích 850 m2 họ đào những cái rãnh rồi phủ lên trên một tấm cách nhiệt, bề mặt là một lớp phim tráng sơn màu có khả năng phát tia hồng ngoại giúp làm lạnh tự nhiên. Nhờ vậy, nhiệt độ trên bề mặt tấm phủ được giảm còn 4 đến 10 độ C, giúp sương dễ ngưng tụ.


Nước từ sương đọng lại trong các rãnh được dẫn vào bể chứa và xử lý. Trung bình “bộ ngưng tụ” khổng lồ này cung cấp cho dân làng 350 lít nước một ngày. Khi hoàn tất, “nhà máy nước” Gujarat sẽ có diện tích tới 12.000 m2, hằng đêm cho phép thu hồi 6.000 lít nước, đủ cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt của làng. Nước sương lọc sạch đóng chai được bán với giá chỉ bằng một nửa so với nước do nhà máy nước truyền thống sản xuất. Giá 1 m2 lớp phủ ở châu Âu là 2 euro, trong khi ở Ấn Độ chỉ 0,4 euro.