Tiêu chảy, đau mắt đỏ rượt dân vùng lũ miền Trung

5 cơn lũ liên tiếp đang làm bùng phát dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành miền Trung. Việc khống chế, dập dịch đang gặp rất nhiều khó khăn!

Đà Nẵng: Bùng phát đủ loại dịch

Ngày 21/11, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho hay, từ sau lũ đến nay, toàn TP đã có 385 ca mắc bệnh tiêu chảy thông thường. Qua phân tích, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều ở dạng nhẹ và nguyên nhân chủ yếu là nguồn nước, thức ăn bị ô nhiễm.

Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cũng cho biết, sau đợt lũ lớn vừa qua, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiếp nhận chữa trị cho 83 trường hợp đau mắt đỏ, 275 người bị viêm da do bị ngâm lâu ngày trong nước nhiễm bẩn. Trên thực tế, số người mắc các bệnh này còn cao hơn nhiều.

Ở các địa phương cũng có trên 95 ca sốt siêu vi, 5 ca viêm phổi, đưa số bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp tăng lên 845 ca, tính từ đầu năm đến nay. Bệnh nhân sốt xuất huyết cũng đã tăng lên 550 ca, tuy nhiên dịch bệnh này đang được kiềm chế. Bởi tính đến ngày 04/11, toàn TP đã có 474 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chỉ trong 2 tuần đầu tháng 11, trên địa bàn Đà Nẵng đã có gần 100 ca mắc sốt xuất huyết, bằng cả tháng 10 là tháng có số ca sốt xuất huyết cao nhất kể từ đầu năm 2007 đến thời điểm đó.

Quảng Nam: Các loại dịch rình rập


Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Phan Nguyễn Cẩn Thạch cho biết, ngay sau lũ rút, toàn bộ nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm do bùn đất, xác chết súc vật… Đây là những nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh. Ngoài việc ô nhiễm nguồn nước, tình trạng thiếu lương thực, kiệt sức sau lũ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh của bà con cũng đang là cơ hội để dịch bệnh tấn công.  


Theo báo cáo nhanh của ngành y tế Quảng Nam, ngay sau khi lũ rút dịch bệnh đã và đang bùng phát mạnh tại các vùng bị ngập lũ. 


Thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh đã hiện có 599 trường hợp bị bệnh tiêu chảy thông thường, chưa có trường hợp tiêu chảy cấp, hơn 2.141 trường hợp bị bệnh mắt đỏ và 89.663 trường hợp bị nước ăn chân do bị ngâm trong nước lũ lâu ngày. 
 
Theo bác sĩ Huỳnh Công Quang, Trung tâm y tế dự phòng Quảng Nam cho biết, đến nay đã xử lý hơn 35.90/46.196 giếng nước bị ngập, ô nhiễm nguồn nước và nhà vệ sinh bị ngập đã được xử lý 71.696/83.939 cái.

Hiện ngành y tế đang tăng cường cán bộ, nhân viên y tế về các địa phương để xử lý nguồn nước, hướng dẫn bà con nhân dân phòng chống dịch bệnh đồng thời phun hoá chất khử trùng. 


Tuy nhiên, do lượng máy bơm phun hoá chất quá thiếu, nên việc phun thuốc khử trùng tại các địa phương vùng lũ không thể thực hiện nhanh được (dù lượng hoá chất không thiếu). 


Đáng ngại nhất, theo lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, dịch sốt xuất huyết tại một số địa phương như Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Phước Sơn, Hiệp Đức và các huyện miền núi vẫn chưa được chặn đứng và hiện có nguy cơ bùng phát. 


Tỉnh Quảng Nam đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của tình trạng thiếu đói diễn ra khắp nơi. 


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Trần Minh Cả khẳng định, dù khó khăn đến mấy, chính quyền và nhân dân Quảng Nam sẽ huy động hết sức mình để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Quảng Ngãi: Muỗi tấn công người


Tại Quảng Ngãi, mưa lũ cũng đã làm ngập hàng chục ngàn giếng nước khiến nguồn nước sạch cho sinh hoạt, ăn uống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Riêng huyện Nghĩa Hành đã có 500 giếng nước ở các xã Hành Minh, Hành Đức và thị trấn Chợ Chùa bị ngập lũ. Tuy ngành y tế huyện đã kịp thời cấp thuốc cho dân xử lý nhưng vẫn có 42 ca bị dịch bệnh tiêu chảy…

Đặc biệt, từ sau lũ đến nay, trên địa bàn TP Quảng Ngãi đã nảy sinh tình trạng muỗi xuất hiện dày đặc. Từ những vũng nước ứ đọng dài ngày, số lượng muỗi tăng đột biến khiến người dân lo lắng về nguy cơ dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, ở Quảng Ngãi đã có hơn 800 ca mắc bệnh này và con số này đang có nguy cơ tăng lên từng ngày. Hiện mỗi tuần riêng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã tiếp nhận cấp cứu khoảng 20 ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

Nỗ lực chống dịch trong khó khăn

Trước tình hình này, trong nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt, các địa phương miền Trung cũng đang tập trung ngăn chặn tình trạng dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm (Trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng) cho hay, UBND TP đã tạm ứng khẩn cấp 250 triệu đồng cho ngành y tế để nhanh chóng xử lý môi trường và điều trị bệnh sau lũ.

Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã cấp thuốc sát trùng Chloramine B cho hơn 70 trường học, 26.000 hộ dân cư để xử lý nguồn nước, đồng thời phun thuốc diệt muỗi cho 300 điểm ngập lụt. Ngoài ra, trung tâm y tế các quận huyện cũng tiến hành xử lý trên 3.000 hố xí bị ngập, khử trùng 15.000 giếng nước.

Bác sĩ Huỳnh Công Quang (Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam) cho biết, Sở Y tế tỉnh đã chi tiền mua và vận chuyển khẩn cấp đến các vùng trọng điểm lũ 6.000kg phèn chua, 50 cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh sau lũ. Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang cũng hỗ trợ cho tỉnh 2.000 viên Chloramine, gần 500kg Chloramine B bột để phục vụ cho nhiệm vụ cấp bách này.

Tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã chi khẩn cấp cho ngành y tế 500 triệu đồng để mua thuốc, hoá chất phục vụ phòng chống dịch tiêu chảy, đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hồ Minh Nên cho biết đang tích cực phun thuốc diệt muỗi ở các vùng ẩm thấp. Đồng thời tăng cường tuyên truyền người dân làm sạch môi trường sống để góp phần cùng cơ quan chức năng phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.

Tuy nhiên, cơ số thuốc đưa về các địa phương vùng lũ vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu, chỉ mới như “đem muối bỏ biển”. Chưa kể, rất nhiều nơi vừa được phun thuốc khử trung tiêu độc sau cơn lũ lịch sử vượt đỉnh lũ năm 1999 (cơn lũ thứ 4 kể từ cuối tháng 10) thì lại bị cơn lũ thứ 5 kéo đến cuốn sạch.

Mặt khác, lũ lớn cũng làm ngập hàng loạt cơ sở y tế. Tại Quảng Nam, chỉ tính riêng đợt lũ thứ 4 đã có 250 trạm y tế, trụ sở UBND xã bị ngập lụt. Tại Quảng Ngãi cũng có 170 cơ sở nằm trong tình trạng tương tự. Ngập lụt kéo dài đã gây hư hỏng nặng nhiều thiết bị y tế khiến công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, theo phản ảnh từ các địa phương, chỉ riêng chuyện thiếu bình phun hoá chất cũng đã khiến việc xử lý môi trường ở nhiều nơi tiến hành rất chậm, trong khi dịch bệnh thì vẫn tăng lên từng ngày.