ThienNhien. Net -Khi người dân miền Trung lo lắng theo dõi thông tin về những trận lũ đặc biệt lớn đổ về quê hương, người dân Hà Tĩnh vùng biên giới giáp Lào còn có thêm một mối trăn trở khác: điều gì sẽ xảy ra nếu có thêm nhà máy thuỷ điện khởi công xây dựng tại địa phương? Hiện nay, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có nhà máy thuỷ điện Hương Sơn đang thi công và dự kiến có thể khởi công thêm nhà máy thủy điện Rào Àn 1, Rào Àn 2. Ba nhà máy dự định xây dựng dọc theo suối Rào Àn.
1ha rừng đầu nguồn = 10ha rừng hạ lưu
Người đàn ông tóc bạc, gầy yếu Trần Văn Phượng từng sống ở xóm Vũng Tròn, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cách đây 5 năm. Thế nhưng chỉ một trận lũ quét vào tháng 9/2002, cả xóm ông biến mất. Từ đó, người đàn ông 60 tuổi vĩnh viễn mất nhà và phải chuyển toàn bộ gia đình đến nơi ở mới – xóm Quyết Thắng sinh sống.
Không chỉ xóa sổ một xóm, trận lũ khủng khiếp nhất trong trí nhớ của những người cao tuổi ở xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 còn tạo dòng chảy mới và vét sạch lớp đất màu nông nghiệp ven sông. Người đàn ông có đôi mắt hiền, thong thả tâm sự với chúng tôi: “ Trước đây, bên sông Ngàn Phố có 100 ha đất sản xuất của nhà tôi và hơn 200 hộ khác. Vậy mà, chỉ qua một đêm lũ, đất của chúng tôi phủ đầy cát trắng, gỗ tạp và đá tảng”.
Chủ tịch UBND xã Sơn Kim trước cánh đồng Khe Sú hơn 100ha bị cơn lũ năm 2002 vùi lấp. |
Hơn 5 năm sau, bên sông Ngàn Phố, cát vẫn trắng đục, đá vẫn nằm la liệt, cỏ xanh vẫn lơ thơ. Đứng trên con đường chia đôi hai bờ cát, ông Trần Quốc Việt, chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, nhíu mày ưu tư nói: “Hiện nhà máy thủy điện Hương Sơn mới đang xây mà đã phá mấy trăm ha đất rừng. Giờ mà xây thêm hai nhà máy thì còn biết bao rừng bị phá. Rừng là kho giữ nước, mất kho rồi lũ về e là còn nặng hơn lũ năm 2002. Và mọi thứ có thể tồi tệ hơn chỗ tôi đứng bây giờ”.
Những lo lắng của ông Việt hoàn toàn có cơ sở. Theo cuộc họp lãnh đạo các ban ngành Hương Sơn ngày 17/9/2007, công trình thủy điện Hương Sơn dự kiến khai thác 105ha rừng nhưng đến khi thiết kế chi tiết tăng gấp 2,5 lần (263ha) và đến thời điểm này, diện tích khai thác thực tế gấp 3 lần (trên 300ha). Sự gia tăng nhanh diện tích rừng khai thác ở thủy điện Hương Sơn hoàn toàn có thể lặp lại ở công trình nhà máy thủy điện Rào Àn 1 và Rào Àn 2.
Dự kiến, nhà máy thủy điện Rào Àn 1 cần khai thác 36,37ha diện tích rừng để làm đường. Nhà máy thủy điện Rào Àn 2 cần ít nhất 12,68ha. Song trên thực tế, đây chắc chắn không phải là con số cuối cùng. Vì đường vào hai địa điểm trên không bằng phẳng, núi dựng đứng hai bên, chỉ cần một trận mưa cũng đủ sạt lở đá xuống đường. “Tôi tính đường công vụ từ đây vào đó bình quân mặt đường cả phần đất đá vùi lấp rừng phía dưới cũng hết 30ha rồi, còn đâu 30ha làm thủy điện” – Ông Trần Quốc Việt phân tích.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Vỹ – Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Hà Tĩnh cho rằng việc mất trên 300 ha rừng ở thuỷ điện Hương Sơn và vài chục ha rừng ở Rào Àn 1 và Rào Àn cũng không phải là lớn. “Sau khi chặt rừng làm thủy điện, chỉ 3 đến 5 tháng sau có thể che phủ lại rừng và phải phát quang” – ông Vỹ khẳng định. “Diện tích rừng mất do thuỷ điện không đáng kể so với diện tích rừng hiện có ở Hà Tĩnh”.
Nhưng khi chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Trạch, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về nội dung này, ông Trạch nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: Một ha rừng đầu nguồn bằng 10 ha rừng vùng hạ lưu và “rừng ở huyện Hương Sơn hình thành trên lớp đất đá, nguồn nước hiếm hoi nên không thể phục hồi. Nếu tiếp tục chặt phá có thể gây ra tình trạng sa mạc hóa rừng.” Bởi vậy, diện tích rừng xấp xỉ 50 ha nếu mất đi có thể là con số nhỏ bé so với 10.000 ha rừng nguyên sinh hiện có, tuy nhiên, mất diện tích rừng này đồng nghĩa việc mất vĩnh viễn.
Bật đèn xanh cho lâm tặc
Cụm thủy điện vừa và nhỏ Hương Sơn gồm nhà máy thủy điện Hương Sơn và các công trình thủy điện Rào Àn 1, Rào Àn 2. Thủy điện Hương Sơn khởi công năm 2004 (tuy nhiên việc thi công đã được triển khai từ 2002) và dự kiến năm 2006 sẽ hòa lưới điện quốc gia. Nhưng đến tháng 11/2007, vẫn còn nhiều hạng mục thi công chưa hoàn thành. Các công trình Rào Àn 1 và Rào Àn 2 dự kiến thi công năm 2007 và cấp đện vào năm 2009. Tuy nhiên, theo Trung tâm QT&KT Môi trường Hà Tĩnh các công trình này có nền đất yếu thi công yếu, khó tránh sạt lở và trượt lở |
Theo báo cáo “Một số ý kiến về việc xây dựng hệ thống thuỷ điện vừa và nhỏ của Hương Sơn – Hà Tĩnh” của Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Nhân văn Vùng cao (CHESH), khu vực Sơn Kim có địa hình đồi núi cao với độ dốc >300 và thường có mưa lớn tập trung (lượng mưa trung bình năm cao, từ 2500mm-3500mm). Khi mưa lớn, dòng nước mưa chảy mạnh không bị ngăn lại cản sẽ làm xói lở các sườn dốc, gây ra quá trình sạt lở lũ quét. Báo cáo khẳng định: “Nguy cơ về hiểm hoạ môi trường do sạt lở lũ quét là rất lớn nếu có thêm tác động của những hoạt động của con người vào khu vực đồi núi cao thượng nguồn các hệ thống sông”.
Báo cáo cũng dự đoán: “Khi thi công các bậc thang thuỷ điện Hương Sơn sẽ có các tuyến đường trong phạm vi hẹp đi vào rừng phòng hộ đầu nguồn có nguy cơ sạt lở cao là đường thi công vào nhà máy thuỷ điện Hương Sơn ….. và đường thi công thuỷ điện Rào Àn…”. Nguy cơ trên trở thành hiện thực đối với đoạn đường vào nhà máy thuỷ điện Hương Sơn. Vào đầu tháng 11 năm nay, nhóm phóng viên chúng tôi buộc phải rời chiếc xe Mekong 7 chỗ để cuốc bộ đoạn đường bụi mù đất đá hơn 4km đến nhà máy. Theo báo cáo “Kết quả giám sát việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hương Sơn” của Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh”, “đoạn đường nối Quốc lộ 8A với nhà máy mới đạt 75% kế hoạch”. Ông Nguyễn Minh Đăng, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn giải thích: “Sự chậm trễ trên do địa hình Hương Sơn dốc, khi mưa lớn làm xói lở đất đá, cản trở quá trình thi công”. Từ đó có thể thấy, công trình thuỷ điện Rào Àn 1, Rào Àn 2 cũng dễ gặp phải nguy cơ sạt lở đường.
Khu vực Rào Àn thuộc địa phận Sơn Kim, Hương Sơn chỉ còn sót lại trên 10.000ha rừng nguyên sinh. Theo Quyết định 102/2002/QĐ-TTg, rừng Sơn Kim nằm trong quy hoạch vùng đệm của Vườn quốc gia Vũ Quang và nằm trong dự án bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn (thực hiện từ thập kỷ 90). Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) đánh giá đây là một trong những khu rừng còn lại đẹp nhất Việt |
Bên cạnh đó, việc mở đường vào nhà máy thủy điện khiến đường vào rừng trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, theo chi cục kiểm lâm huyện Hương Sơn, tuy kiểm lâm phải phá đường trong rừng, gây khó khăn cho việc đi lại trong rừng nhưng lâm tặc vẫn theo đường sông đưa gỗ ra ngoài. Khi đã có đường, gỗ hẳn sẽ càng ra khỏi rừng nhanh hơn. Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 Trần Quốc Việt, cho biết: “Nếu chấp nhận cho xây dựng nhà máy thuỷ điện tại lưu vực Rào Àn thì đương nhiên bật đèn xanh cho phép tàn sát 10.000 ha rừng phòng hộ. Điều này không phải xảy ra một lúc mà theo kiểu mưa dầm thấm lâu, cho đến khi nhận biết hết được các dấu hiệu rõ rệt thì rừng đã cạn kiệt”.
Nước nhỏ mong làm thuỷ điện nhỏ
Như vậy, để có thêm hai nhà máy thuỷ điện nhỏ, người dân ở huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung có thể mất 10.000 ha rừng nguyên sinh và chịu thêm nhiều cảnh sạt lở lũ quét trong khi môi trường ở tỉnh có nhiều biến động không thuận lợi.
“Xu hướng lũ mấy năm nay có khác, dịch dần vào phía nam.” – Ông Trần Quang Trung, Phó ban Tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận – “Trước kia, tỉnh chịu ảnh hưởng bão số 6, 7, 8 nhưng giờ bão số 2, 5 cũng vào”. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, riêng thiệt hại lũ lụt do bão số 2 tháng 10.2007 đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng, vượt khoản thu ngân sách của tỉnh năm 2006 (520 tỷ).
Ông Nguyễn Minh Đăng, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết: “Các cơn bão có xu hướng dịch chuyển sớm hơn. Cách đây 3, 4 năm, bão thường xuất hiện từ 15/9 đến 20/9, đến thời điểm này, bão đến trước 1 tháng (từ 20/8) và nhiều hơn.”
Mực nước ngầm ở khu vực Sơn Kim có dấu hiệu suy giảm. Điều này chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua. Ông Phượng cho biết, năm 2006, giếng của hầu hết các hộ gia đình trong xã đều cạn. Riêng giếng của gia đình ông cũng phải đào thêm một mét.
Sự thay đổi mực nước còn diễn ra ở sông Nậm Sốt, nguồn nước chính của thủy điện Hương Sơn. Ông Việt, người đã hơn 50 năm gắn bó với những con sông, suối của huyện, cho biết: “Tôi còn nhớ cách đây năm năm, cứ sáng mưa nước sông đục nhưng đến chiều lại trong. Vậy mà giờ nước đục quanh năm. Năm trước, tôi phải xắn quần lội qua sông Nậm Sốt. Song cùng thời điểm năm nay, nước nhỏ đến nỗi tôi cứ việc bước qua. Tôi muốn hỏi vì sao lúc đầu, nguồn nước ở thủy điện Hương Sơn lớn gấp đôi nguồn nước ở khu vực Rào Àn, nhưng bây giờ, so ra chỉ bằng một nửa? “
Vậy một câu hỏi đặt ra: Nếu xây thêm hai nhà máy thuỷ điện nhỏ với nguy cơ mất rừng và chịu thêm lũ thì đổi lại người dân nơi đây được gì? Theo dự án đầu tư công trình thuỷ điện Rào Àn 2 (hay Giao An 2 – tên trong dự án – PV) do Trung tâm tư vấn và triển khai công nghệ năng lượng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) lập, các xã của huyện Hương Sơn có điện (từ hệ thống truyền tải lưới điện 110kV quốc gia) nhưng sự cố và hạn chế công suất ở giờ cao điểm thường xảy ra… Thuỷ điện Rào Àn 2 có nhiệm vụ chủ yếu phát điện lên lưới điện quốc gia với công suất lắp máy là 11,4MW.
Theo Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thuỷ điện Thăng Long – chủ đầu tư, quản l ý trực tiếp dự án đầu tư công trình thuỷ điện Rào Àn 1 (hay Giao An 1 – tên trong dự án – PV), công trình có nhiệm vụ chủ yếu phát điện lên lưới điện quốc gia với công suất lắp máy là 16MW.
Lượng điện của hai nhà máy trên cùng với nhà máy thuỷ điện Hương Sơn có công suất 33MW dự kiến sẽ hạn chế tình trạng hạn chế công suất điện ở những giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo CHESH, “về hiệu quả khai thác sử dụng công trình, theo tính toán trong các báo cáo nghiên cứu đầu tư thì hiệu quả điện năng không cao (công suất đảm bảo/công suất lắp máy của Rào Àn 1 là 13,68%, Rào Àn 2 là 21,15% trong khi mức trung bình thường > 25%)”. CHESH khẳng định: “Trên thực tế về mùa khô việc cung cấp đủ nước cho phát điện là rất khó, vì các dòng suối sẽ cạn nước do công trình nằm ngay đầu nguồn.” Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư dự định lấy nước từ các nhánh suối khác để tăng công suất phát điện thì “dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và suy giảm nguồn nước không phù hợp với luật bảo vệ môi trường nước.”
Nếu tiếp tục hai dự án thủy điện, nguy cơ thiếu nước có thể thành hiện thực. Ông Trần Tuấn Khanh, chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn cho biết: “Hà Tĩnh chưa phải thiếu điện nghiêm trọng đến mức phải phá rừng nguyên sinh đầu nguồn. Nếu thiếu điện, chúng ta có thể khắc phục được nhưng nếu thiếu nước, con người sẽ chết.”