ThienNhien.Net – Theo quy hoạch của Bộ Công nghiệp về các dự án thủy điện (DATĐ) vừa và nhỏ toàn quốc, các nhà đầu tư đang và sắp tiến hành nhiều DATĐ qui mô vừa và nhỏ tại nhiều địa phương. Hà Tĩnh có DATĐ Hương Sơn đang thi công, Rào Àn 1 và 2, Ngàn Trươi chuẩn bị triển khai…Thủy điện (TĐ) được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Nếu như TĐ “ chỉ làm mất một ít đất rừng” và đem lại “ rất nhiều lợi ích” như nhà đầu tư nói, tại sao chính quyền và nhân dân xã Sơn Kim lại “phản đối quyết liệt” và có văn bản kiến nghị không nên thực thi các DATĐ?
Thủy điện ở Hà Tĩnh: Cảnh báo thảm họa môi trường (Kỳ 1)
Thủy điện ở Hà Tĩnh: Đánh giá ĐTM thiếu chính xác (Kỳ 2)
Tất cả các dòng sông đều cạn!
Mất rừng và thảm thực vật, mất tầng đất ngậm nước, nước ngầm giảm sút, nắng nóng khiến nước bốc hơi mạnh hơn, khí hậu đang thay đổi, thiên tai ngày càng nhiều và khốc liệt hơn. Các nhà khoa học và chuyên gia về môi trường đã khẳng định “ Khí hậu bất thường 90% là do con người gây ra”. Người ta cảnh báo nguy cơ lũ lụt, hạn hán, thiếu nước mà hàng tỷ người sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Khi tôi đặt chân đến Đà Lạt đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thông reo vi vu và những cánh rừng rất đẹp. Khí hậu thật tuyệt vời, một ngày có 4 mùa rõ rệt – sáng Xuân, trưa Hạ, chiều Thu và tối là Đông, lãng mạn vô cùng. Sau đó người ta “ làm thịt” đồi Cù, chặt thông để làm sân golf; đào tung Hòn Bồ tìm quặng thiếc… Bây giờ xứ sương mù khí hậu đã thay đổi rất nhiều, dĩ nhiên là tồi tệ hơn trước!
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon vừa tới thăm Bắc Cực, nhằm thu hút sự chú ý về các vấn đề môi trường của thế giới và nói môi trường đang là vấn đề khẩn cấp. Ông Ban Ki Moon cũng sẽ là chủ tọa một hội nghị về khí hậu tại Bali, Indonesia vào tháng 12 tới.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những mùa đông ấm áp và những mùa hè đổ lửa, hạn hán khốc liệt trên diện rộng. Mùa hè năm 2006 hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng, đến mùa đông thì ấm áp bất thường. Đầu năm 2007 đã có nắng nóng gay gắt, đến mùa hè vừa qua thì khô hạn, cây chè rất chịu hạn, thế mà những đồi chè ở Hương Khê cũng bị ông mặt trời đốt cháy! Nắng nóng, khô hạn gay gắt, thiếu nước trầm trọng. Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Qủang Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, cho tới Bắc Giang…đều thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều sông suối và ao hồ cạn kiệt, trơ cả đáy, trẻ em đá bóng trong lòng hồ. Mùa hè vừa qua có nơi như ở huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) giá nước sinh hoạt lên đến 20.000 – 40.000đồng /m3! Tây Nguyên cũng khô hạn ghê gớm, nước ngầm cạn kiệt, cây cà phê không đủ nước tưới; đồng bằng sông Cửu Long cũng khô hạn, nhiễm mặn. Hạn hán chưa chấm dứt thì lũ lụt liên tục trút xuống, ở miền Bắc và miền Trung thì lũ, triều cường ở T.P Hồ Chí Minh.
Những hệ lụy này chủ yếu do bàn tay con người gây nên. Người ta đã lạm dụng, làm cạn kiệt nguồn nước, gây hạn hán và thiếu nước ngày càng khốc liệt, sau đó là lũ lụt. Miền Trung và Tây Nguyên mấy năm gần đây hết đối mặt với hạn hán lại đến mưa lũ khủng khiếp. Những ngày này, miền Trung đang liên tiếp hứng chịu những đợt lũ chồng lũ, bốn cơn lũ lớn trong thời gian chưa đầy một tháng, gây thiệt hại nặng nề.
Năm 2006 và 2007 chúng ta đã chứng kiến những đợt hạn hán khốc liệt, làm thiếu nước nghiêm trọng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phát điện. Mực nước các sông xuống đến mức thấp nhất, hàng trăm ngàn ha lúa bị khô cháy, sông Hồng cạn dòng có thể lội qua, tàu bè mắc cạn, có những dòng sông trơ cả đáy…
Khai thác gỗ ở đặc khu Xay Xổm Bun, Lào (Ảnh: Phan Đăng Hòe) |
Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ mất “một ít” rừng thì không sao. Suy nghĩ như thế rất nguy hiểm! Bài học từ Lào khiến chúng ta không thể không suy nghĩ. Cách đây hơn 10 năm, người ta đổ xô lên Lào để khai thác và mua bán gỗ. Năm 1993, khi tôi qua Lào lần đầu thì đất nước này còn rất nhiều cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp. Đến năm 2002, những cánh rừng bạt ngàn đó chỉ còn rất ít ở những nơi xa xôi, khó mở đường khai thác và còn Phỉ hoạt động. Lúc đó cánh rừng vùng Thà Viêng, đặc khu Xay Xổm Bun là vẫn chưa có đấu chân người. Nhưng chỉ không đầy 2 năm sau, người ta đã khai thác cạn kiệt. Hầu như lúc đó nhiều người Lào nghĩ chặt “một ít” cây rừng không ảnh hưởng gì. Còn những người buôn gỗ, lâm tặc thì không bao giờ bận tâm điều gì, ngoài túi tiền nặng trĩu mà họ thu được. Người Việt, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… ùn ùn đến Lào mua gỗ, xưởng xẻ gỗ đặt ngay bìa rừng, hàng đoàn xe nối đuôi nhau chở đầy gỗ rời nước Lào, và túi tiền của họ lại nặng trĩu hơn! Đến bây giờ dường như người Lào bừng tỉnh, thì rừng đã cạn kiệt, khí hậu thay đổi và họ phải hứng chịu những hậu quả rất đáng buồn. Mùa khô vừa qua người Lào bị thiếu nước nghiêm trọng. Rất khó khăn mới có nước cho lễ hội Bun Hốt Nậm (Tết Xối nước vào ngày 15/4 hàng năm ). Tôi nghỉ ở khách sạn Xẻng Ta Văn, thị xã Phonsavan, tỉnh Xiêng Khoảng vào đầu tháng 4. Mỗi phòng chỉ được phát một xô nước. Ông chủ khách sạn than vãn: “Khó khăn còn hơn một tháng nữa. Tết Xối nước không biết lấy gì mà xối đây”. Ngày Tết Xối nước, từ trong rừng ra phố không có nước, tôi nghĩ ra một cách để gội đầu: dấp nước lên tóc đủ ướt, xoa dầu gội và cứ để thế đi ra phố cho thiên hạ xối nước! Người Lào tin rằng ai xối nước được nhiều sẽ gặp may mắn. Nhưng vì thiếu nước nên người ta xối rất tiết kiệm, không đủ để gội sạch đầu. Một bà cụ lom khom đứng trước nhà, xin tôi cúi xuống cho cụ xối nước lên đầu. Chỉ được một gáo nhỏ mà thôi. Tôi xin cụ xối thật nhiều vào, cụ cười nói: “ Mất nậm leo”(hết nước rồi)!
Thời tiết nóng lên rất nhiều. Phonsavan, thủ phủ tỉnh Xiêng Khoảng, có khí hậu như Sa Pa và Đà Lạt của Việt Nam. Anh Khonsavanh nhà cạnh Bưu điện kêu: “ Nóng quá. Rừng mất hết rồi, trời nóng lại thiếu nước!”.
Bà Nguyễn Thị Quế, 57 tuổi,Việt Kiều sinh sống ở Xiêng Khoảng từ nhỏ cho biết: “Hơn 10 năm trước, khí hậu ở đây rất lạnh, khi nào cũng phải đắp chăn, kể cả buổi trưa mùa Hè; còn mùa Đông thì nhiều khi nước đóng băng, thỉnh thoảng có tuyết rơi. Nhưng khoảng 8 năm trở lại đây thì thời tiết đã thay đổi nhiều, nhất là từ năm 2003, không hề có tuyết, không còn nước đóng băng. Mùa hè rất nóng, phải dùng quạt điện, trước đây Phonsavan không hề bán quạt, bây giờ bán đầy phố. Nước sinh hoạt thì càng ngày càng khó khăn do nước suối trong rừng cạn hết”.
Nếu ai đó nói khi có TĐ sẽ cải thiện, điều hòa nguồn nước và làm cho khí hậu mát mẻ hơn, thì nhầm to! Vào TĐ Long Xán, cách Pắc Xan khoảng 70km, từ Viêng Chăn đi Bolikhamxay rẽ ở ngã ba Thà Bốc, bạn sẽ thấy khí hậu không dễ chịu chút nào, nhất là sau khi TĐ được xây dựng. Hỏi những cụ già sống ở đây từ nhỏ, họ đều trả lời: “ Hon, hon lãi” (nóng, nóng nhiều). Báo cáo ĐTM của TĐHS nói: “ Do có hồ chứa nên tiểu khí hậu vùng được cải thiện rất nhiều nhờ môi trường trong sạch nên so với khi chưa có công trình nhìn chung về điều kiện khí hậu tốt hơn nhiều so với trước”.
Nếu bạn vào TĐ Trị An ở Đồng Nai hỏi dân sống trong vùng, họ sẽ cho bạn biết khí hậu tốt hơn hay tệ hơn sau khi làm TĐ. Ở Ấp 2, Hiếu Liêm, Mã Đà cho tới La Ngà, tôi chưa gặp ai nói là khí hậu tốt hơn sau khi xây dựng TĐ Trị An. Báo cáo ĐTM của TĐ Hương Sơn còn nói sau khi thực hiện DA hầu như chỉ có tác động tích cực đến môi trường và kinh tế xã hội, như nước ngầm tăng, tiểu khí hậu tốt hơn,v,v…là điều khiến dân Sơn Kim 1 và ông chủ tịch xã ngạc nhiên. Ông Việt cho hay: “Khi họp với Giám đốc TĐ Hương Sơn ở huyện, tôi nói rằng rừng bị phá rồi sẽ không đủ nước mà chạy máy. Ông ta bảo thiếu nước thì ngày tích nước, đêm chạy máy”.
Ngành điện đã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì thiếu nước chạy máy phát điện trong 2 năm vừa qua chắc hiểu rõ điều đó hơn ai hết!
Lời cảnh báo
Thiếu ý thức bảo vệ rừng và lạm dụng cạn kiệt nguồn nước là thách thức lớn đối với các giá trị đa dạng sinh học và thay đổi khí hậu, gây ra những hậu quả tồi tệ cho môi trường sống của chúng ta. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo để ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra trong tương lai gần.
Ai cũng biết điện rất cần thiết cho cuộc sống. Việc xây dựng các nhà máy TĐ chỉ đem lại những lợi ích như các nhà đầu tư nói, thì chẳng có vấn đề gì khiến người dân và các chuyên gia về môi trường phải lo ngại.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Nhân văn Vùng cao (CHESH), các DATĐ ở Hương Sơn có thể mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài không thể bù đắp được những thiệt hại về giá trị của môi trường tự nhiên, hậu quả về kinh tế xã hội không những cho cộng đồng dân cư huyện Hương Sơn mà còn ảnh hưởng đến cả vùng dân cư rộng lớn của các huyện hạ lưu sông Ngàn Phố.
Mặc dù chính quyền địa phương và nhân dân xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 không đồng tình, phản đối quyết liệt, cho rằng xây dựng TĐ Rào Àn 1 va Rào Àn 2 là không có lợi, phá hủy tài nguyên rừng, đề nghị cơ quan thẩm quyền không phê duyệt DA, nhưng ý kiến và mong muốn của họ có được xem xét?
Không ai khác chính chúng ta đang đục thủng tấm áo choàng bảo vệ quý giá do thiên nhiên ban tặng. (Ảnh: SPERI) |
Trước khi ký quyết định khai tử một cây xanh hay cả cánh rừng, xin hãy nhớ rằng môi trường bị phá hủy, thảm thực vật bị mất, đa dạng sinh học bị sụp đổ, sẽ khiến con người phải đối mặt với nhiều hậu quả tồi tệ. Và chúng ta nên nhớ bảo vệ môi trường không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ai, mà là của tất cả mọi người, của toàn xã hội. Mỗi người nên có ý thức tiết kiệm, giảm sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất, bằng cách giảm bớt các thiết bị điện, bớt dùng xe máy, ô tô, máy lạnh… Ngành điện luôn kêu gọi mọi người tiết kiệm điện, trong khi đó đèn đường ở những vùng sâu vùng xa như Hắc Dịch, Châu Pha, Tóc Tiên huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn sáng suốt ngày đêm trong mùa khô thiếu điện! Không lo xa ắt phải buồn gần! Chúng ta đang khai thác cạn kiệt nguồn lực có hạn!