Khuẩn tả có trong nước mặt và rau

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch tiêu chảy cấp đã có phần dịu lắng, nhưng lại nguy hiểm ở chỗ người dân rất chủ quan trong phòng chống dịch, nên vẫn tiếp tục có nhiều ca nhập viện. Đáng lưu tâm nhất là Hà Nội và Hà Tây – địa phương có đông người nhập viện nhất. Hiện tại, trong môi trường, nước mặt và rau vẫn tiếp tục tìm ra khuẩn tả.

Hai ngày qua, trong số 15 ca mắc mới có 12 ca ở Hà Tây, nhập viện sau khi ăn cỗ tập thể, 1 ca dương tính với vi khuẩn tả, 3 người còn lại ở Hà Nội thuộc phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân.


Mặc dù dịch đã bước đầu được khống chế, nhưng ngành Y tế tỏ ra lo ngại trước chiều hướng dịch kéo dài, với số lượng bệnh nhân rải rác. Nếu tình hình này cứ tiếp tục thì sẽ không tránh khỏi trường hợp lây lan dịch bệnh giữa các vùng, miền.


Hôm 20/11, Cục Y tế dự phòng sẽ xuống 3 địa điểm ở Hà Nội để tiến hành kiểm tra việc xử lý các ổ dịch. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội và Hà Tây phải thực hiện triệt để hơn nữa để chấm dứt tình trạng dịch kéo dài. Hiện nay, hướng tập trung quan trọng nhất là các tỉnh vùng ngập lụt.


Theo Ban Chỉ đạo, trước mắt các Tiểu ban cần tập trung vào những nơi nước bắt đầu rút. Những nơi không có điều kiện tẩy trùng rộng, có thể xử lý ở một điểm để người dân xung quanh có thể cùng sử dụng được một nguồn nước sạch. Những nơi không đun nấu được thì hướng dẫn để bà con biết cách sử dụng nước sạch và thức ăn nguội một cách tốt nhất. Theo kết quả khảo sát, hiện tại trong môi trường, nước mặt và rau vẫn tiếp tục tìm ra phẩy khuẩn tả.