Trong năm 2007 này, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tập trung trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng môi trường cảnh quan và rừng ngập mặn, với tổng diện tích 120ha. Trong đó, trồng 15ha rừng phòng hộ ở xã đảo Nhơn Châu, 100ha rừng phòng hộ kết hợp môi trường cảnh quan ở phường Ghềnh Ráng, xã Nhơn Hải, và 5 ha rừng ngập mặn phân tán ven các bờ nuôi trồng thủy sản.
Theo kết quả theo dõi biến động rừng và đất lâm nghiệp năm 2006, TP. Quy Nhơn có 17.362ha, trong đó đất có rừng 8.426ha, chiếm 48,5% và đất chưa có rừng là 8.936ha, độ che phủ rừng 26,3%. Thành phố đã quy hoạch đến 2010 nâng độ che phủ rừng lên 32,2%. Giai đoạn 2007-2010, diện tích rừng của TP Quy Nhơn sẽ giảm 2.137ha do chuyển sang đất phi nông nghiệp. Nhiệm vụ từ nay đến năm 2010, thành phố sẽ trồng thay thế diện tích rừng bị mất do quy hoạch để phát triển thành phố. Tổng diện tích trồng mới cả chu kỳ là 1.000ha; đồng thời phải bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.
Hiện nay, TP. Quy Nhơn đang đẩy mạnh dự án trồng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, nhằm phát huy lợi thế về điều kiện địa hình, phục vụ khai thác tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, đóng góp vào nguồn thu của ngân sách nhà nước, từ đó có nguồn vốn đầu tư lại cho phát triển trồng rừng. Trên cơ sở đó, thành phố đã và đang quan tâm tạo điều kiện giải quyết về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư thuận lợi trong việc triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh sự nỗ lực của các ban ngành chức năng, công tác trồng rừng của TP. Quy Nhơn hiện nay còn gặp những khó khăn nhất định. Bà Lê Thị Kim Mai – Trưởng Phòng NN-PTNT TP. Quy Nhơn, cho biết: Diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp chủ yếu là núi đá, đất rất nghèo dinh dưỡng và thiếu nguồn nước; phần lớn diện đất quy hoạch trồng rừng cảnh quan môi trường trước đây đã giao cho các hộ dân để trồng bạch đàn theo chương trình PAM, nên trong công tác đền bù, thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn và trở ngại nhất định. Điển hình như nhiều hộ dân ở phường Ghềnh Ráng chần chừ, không nhận tiền bồi thường trong kế hoạch quy hoạch trồng rừng năm 2007.
Công tác bảo vệ rừng trồng cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó tình trạng lấn chiếm đất rừng còn diễn ra nhiều, hiện tại TP. Quy Nhơn có hơn 185ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, tập trung ở xã Phước Mỹ và một số địa phương khác.
Bên cạnh đó, tình trạng cháy rừng vẫn còn thường xuyên, mặc dù diện tích rừng trồng thiệt hại không lớn nhưng vẫn ảnh hưởng đến công tác trồng và bảo vệ rừng của thành phố. Tình trạng trâu – bò thả rông trên núi phá hoại rừng trồng diễn ra khá phổ biến…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, hàng năm thành phố đã dành một khoản kinh phí nhất định cho công tác đền bù, thu hồi đất, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch chuẩn bị đất từ cuối năm trước để chủ động trong công tác trồng rừng.
Mặt khác, TP. Quy Nhơn cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu lai tạo và trồng thử nghiệm các loại cây chịu hạn, chịu gió, có tán lá đẹp, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng, nhằm tạo cho cảnh quan môi trường TP. Quy Nhơn ngày càng đẹp hơn.
Thành phố còn chỉ đạo cho các ngành chức năng, hội-đoàn thể và UBND các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong công tác trồng, quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng; đồng thời theo dõi biến động rừng, phát hiện và đề xuất với ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, vi phạm về phòng chống cháy rừng theo quy định của pháp luật.