ThienNhien.Net – Theo quy hoạch của Bộ Công nghiệp về các dự án thủy điện(DATĐ) vừa và nhỏ toàn quốc, các nhà đầu tư đang và sắp tiến hành nhiều DATĐ qui ô vừa và nhỏ tại nhiều địa phương. Hà Tĩnh có DATĐ Hương Sơn đang thi công, Rào Àn 1 và 2, Ngàn Trươi chuẩn bị triển khai…Thủy điện (TĐ) được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Nếu như TĐ “ chỉ làm mất một ít đất rừng” và đem lại “ rất nhiều lợi ích” như nhà đầu tư nói, tại sao chính quyền và nhân dân xã Sơn Kim lại “phản đối quyết liệt” và có văn bản kiến nghị không nên thực thi các DATĐ?
Điện năng rất cần thiết, song cái gì cũng có hai mặt. TĐ cung cấp điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế, xã hội, song nó có thể gây nên những thảm họa về môi trường, đặc biệt là khi nhà đầu tư chỉ nghĩ đến lợi ích của họ, không xem xét, đánh giá tác động môi trường(ĐTM) đầy đủ. Đối với người dân Hà Tĩnh, các DATĐ chưa công khai minh bạch, vẫn là điều bí ẩn, họ không biết rõ những nhà đầu tư là ai? Những công ty cổ phần này của ai? Người ta vẫn thường kháo nhau về ông nọ, bà kia có cổ phần trong các DATĐ…
Hà Tĩnh có các hồ chứa như Kẻ Gỗ, Sông Rác, TĐ Hương Sơn, TĐ Hố Hô ( thuộc đất Quảng Bình, giáp ranh huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), sắp thi công hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang và có thể thêm TĐ Rào Àn 1 va Rào Àn 2. Với hệ thống hồ có tổng sức chứa hàng tỷ khối nước, nếu xảy ra sự cố vỡ, điều gì sẽ xảy ra đối với Hà Tĩnh? Anh Nguyễn Khoa Thanh, cán bộ kỹ thuật, BQL Dự án Bồi thường hỗ trợ Tái định cư Công trình Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang cho biết: “ Dung tích hồ Ngàn Trươi 780 triệu mét khối, nếu bị vỡ thì thành phố Hà Tĩnh ngập khoảng 10m”. Những DATĐ “ hạng ruồi’, như Hố Hô: 10MW, Rào Àn: 16MW, Rào Àn 2: 8,1MW, Ngàn Trươi 10MW chưa biết đem lại những lợi ích lớn lao nào cho cộng đồng, nhưng điều chắc chắn là hàng trăm ha rừng sẽ biến mất vĩnh viễn và nguy cơ lũ quét tăng lên rất cao!
Chính quyền và nhân dân ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho rằng việc chuẩn bị và phê duyệt DATĐ Hương Sơn có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường, Bảo vệ rừng, Đất đai, Xây dựng…Quá trình thi công gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng sức khỏe và đời sống nhân dân, như san ủi hàng vạn khối đất đá đổ trực tiếp xuống khe suối thượng nguồn sông Ngàn Phố, xâm hại rừng đầu nguồn
Chính quyền xã và nhân dân không được cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư cho phép tham gia đầy đủ quá trình chuẩn bị thực thi DA theo quy định của pháp luật. Họ đã gửi kiến nghị lên huyện và các cơ quan liên quan, nhưng chưa nhận được phản hồi của cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư. Thường trực HĐND huyện Hương Sơn cũng có văn bản nói có “ nhiều ý kiến phản ánh gay gắt về nội dung này” và “đề nghị Tỉnh cân nhắc, xem xét quyết định không nên thi công công trình TĐ Rào Àn”.
Vùng nhạy cảm
Miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng là dải đất hẹp, địa hình dốc, phía đông là biển, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Độ dốc vùng Hương Sơn tương ứng với cấp nguy hiểm cao nhất 5/5 (theo đánh giá cấp độ dốc trong nghiên cứu của Đại học QG TPHCM). Nắng lắm, mưa nhiều, địa hình dốc và chia cắt mạnh bởi nhiều sông suối, nên hàng năm dải đất “thắt lưng buộc bụng” này hứng chịu rất nhiều mưa bão và lũ lụt, khủng khiếp nhất là lũ quét! Theo điều 10, Luật Xây dựng năm 2003, đây là khu vực có nguy cơ lở đất, lũ quét, cấm xây dựng công trình.
DATĐ Hương Sơn, Rào Àn 1 và 2 đều nằm trong rừng phòng hộ đầu nguồn đặc biệt xung yếu, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang. Điều đáng lưu ý là những vùng này đều được coi là có “nguy cơ cao”, “ rốn lũ quét”! Chưa hết, bên cạnh vùng đệm VQG Vũ Quang còn có DATĐ Hố Hô, thuộc xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, giáp ranh với huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy và đập dâng nước nằm trên đất Quảng Bình, nhưng hồ chứa và vùng xả lũ phần lớn thuộc Hà Tĩnh.
Thủy điện Hương Sơn chưa nên hình hài nhưng đã phá đến 300 ha rừng |
Rừng có khả năng điều tiết nước rất tuyệt vời. Khi mưa, rừng sẽ giữ lại khoảng 80% lượng nước, còn 20% thì chảy về đồng bằng. Nếu mất rừng thì điều vừa nói sẽ đảo ngược. Mất rừng không làm tăng nguy cơ hạn hán và lũ quét rất cao, mà nước dùng cho TĐ cũng không đủ! Những DATĐ này làm biến mất không ít rừng khi thi công và khi tích nước sẽ làm ngập một diện tích không nhỏ rừng tự nhiên, phá vỡ cân bằng và đa dạng sinh thái. Nếu xảy ra sự cố, những hồ chứa hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ mét khối nước nằm vắt vẻo trên độ cao nhiều trăm mét bất thần trút xuống, hậu quả sẽ như thế nào? Chắc chắn là hàng triệu dân Hà Tĩnh sẽ làm “ tôm cá”!
Trận lũ quét ở Đắc Lắc năm 1990, với lượng mưa ở Buôn Ma Thuột gần 400mm, làm vỡ đồng loạt 4 hồ chứa nước nhỏ ở thượng lưu, kéo theo 4 đập ngăn nước ở hạ lưu, làm chết 22 người, trôi 6 cầu, 30 cống và thiệt hại nhiều tài sản khác ước tính khoảng 3,4 tỷ đồng. Có thể nhà đầu tư nghĩ đơn giản, không phải là vấn đề trước mắt, nhưng nguy cơ và rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
Hà Tĩnh đã trải qua những đợt hạn hán khốc liệt, như mùa hè vừa qua gần 3 tháng liền Hương Khê không có một giọt mưa, cây chè chịu hạn rất tốt cũng bị chết cháy! Nước ngầm đang giảm sút rõ rệt, nhiều địa phương không đủ nước cho sinh hoạt, giếng khoan phải tăng thêm độ sâu, giếng đào tăng thêm cống…
Lưu lượng nước trên các sông suối cũng giảm sút nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Hiền ở cạnh suối Nước Sốt, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết dòng nước đã giảm đi rất nhiều so với trước, nhất là sau trận lũ quét 2002. Chị Trần Thị Đào, nhà bên cạnh suối Rào Mắc, xã Sơn Kim 1 cũng nhận xét tương tự. Còn ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch xã Sơn Kim 1 thì có nhận xét bi quan hơn: “ Nguồn nước, lưu lượng đã thay đổi rất nhiều. Khoảng 5 năm về trước, lượng nước của suối Nước Sốt gấp đôi dòng chảy suối Rào Àn, nay thì ngược lại, chỉ bằng một nửa Rào Àn thôi. Hồi đó tui lội qua suối Nước Sốt ngập ngang bụng, nay nước chỉ đến bắp chân. Đây là mùa mưa lũ, nước còn khá, chứ mùa khô thì nước rất yếu, chảy re re mà thôi”.
Mùa mưa lũ ở đây từ tháng 9 đến tháng 11, chiếm 60 – 65% lưu lượng dòng chảy cả năm; tháng 9 và 10 thường có dòng chảy lớn nhất, chiếm 50% lượng dòng chảy năm. Chúng tôi đến đây đầu tháng 11, lẽ ra nước chảy rất mạnh, nhưng điều đáng buồn là cả suối Nước Sốt lẫn Rào Àn đều rất “ hiền hòa”.
Ông Trần Văn Phượng, 60 tuổi, ở thôn Quyết Thắng, xã Sơn Kim 2 cho biết: “ Nước ngầm giảm nhiều lắm. Trước đây giếng nhà tui sâu 5m mà không khi mô cạn, bi chừ phải đào thêm một cống 80cm nữa mới có dùng”. Giếng nhà ông Việt sâu 7m, năm ngoái phải đào thêm 80cm mới đủ nước sinh hoạt.
Rất nhiều nơi đang thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Báo cáo ĐMT của Trung tâm Quan trắc & Kỹ thuật Môi trường Hà Tĩnh nói DATĐ Rào Àn điều tiết dòng chảy của các dòng suối trong khu vực, từ đó hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt trong mùa mưa, tăng lưu lượng dòng chảy về mùa khô. Nếu tuyệt vời như thế tại sao dân Sơn Kim vẫn lo ngại? Nếu không đúng như nhận định trên thì ai sẽ chịu trách nhiệm với dân Hương Sơn? Nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo ĐTM thuỷ điện Rào Àn thì nhân dân Hương Sơn sẽ có nhiều lý do để lo sợ!
“ Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, câu nói đó có vẻ như các nhà đầu tư và quản lý đã thuộc lòng, nhưng e rằng lời nói không đi đôi với việc làm. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý nên xem xét kỹ khi quyết định một vấn đề nào đó, phải đặt lợi ích của cộng đồng, của số đông người dân trên lợi ích của một nhóm nhỏ.
TĐ Hương Sơn công suất 30MW, tổng mức đầu tư 537,98 tỷ đồng, dự định xây dựng trong 3 năm, tuổi thọ dự án 75 năm, cung cấp 133 triệu KWh/năm. Đây là DATĐ đầu tiên của Hà Tĩnh, xây dựng đầu nguồn suối Nước Sốt, thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. TĐ Hương Sơn được xây dựng ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, được coi là rừng đại ngàn nguyên sinh giàu tài nguyên nhất miền Bắc, gần sát biên giới Việt Lào, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 17 km. Nơi đây tỉnh đang có dự định xây dựng khu dự trữ sinh quyển.
Vùng đất này được coi là “rốn lũ quét”, do địa hình hẹp và dốc, chia cắt mạnh, lượng mưa lớn. Theo các nghiên cứu, lượng mưa trên 150mm/ngày có nguy cơ gây lũ quét; lượng mưa ở vùng này trung bình hàng năm 2500mm – 3500mm. Lũ quét tháng 09/2002 có lượng mưa khoảng 750mm, ngày mưa lớn nhất 350mm. Đây thuộc vùng đệm VQG Vũ Quang và Dự án bảo tồn, phát triển Đa dạng sinh thái Bắc Trường Sơn. Nơi đây được đánh giá rất cao về giá trị đa dạng sinh học, có nhiều loại động, thực vật quý hiếm như sao la, mang lớn, chà vá chân nâu, vượn má vàng, pơ mu, hoàng đàn, cẩm lai, thông tre; hơn 10 loài chim và 16 loài bò sát quý hiếm có trong sách Đỏ Việt Nam, có nguy cơ bị tuyệt chủng và rất cần được bảo vệ.
Thiên nhiên phẫn nộ
Cảnh tan hoang sau cơn lũ năm 2002. |
Cơn cuồng nộ của “Bố già Thiên nhiên” đã cướp đi nhiều sinh mạng, gây thiệt hại ghê gớm và để lại nỗi kinh hoàng cho nhân dân. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của lũ quét tháng 09/2002. Nhiều người dân Hương Sơn vẫn thất kinh khi nhắc đến cơn lũ lịch sử này. Ông Việt nói về lũ quét 2002: “ Rất là gớm! Nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của người dân Sơn Kim!”
Hồi đó Sơn Kim chưa tách làm 2 xã như bây giờ. Tôi gặp ông Việt với vẻ mặt bơ phờ, áo quần sũng nước sau khi lũ đã rút. Lũ cuốn phăng nhiều ngôi nhà ở đội 9 Nước Sốt, làng Tròn, Kim An; cuốn trôi mồ mả, chỉ để lại bùn đất và sỏi đá ngoài đường, trong nhà. Cây rừng lao vun vút như mũi tên trên dòng nước đục ngầu sôi sùng sục. Nước đổ như thác, núi lở ầm ầm. Phố Châu, Sơn Bằng la liệt những cây cổ thụ bị lũ cuốn cả cành lẫn gốc rễ từ rừng về! Quốc lộ 8A từ ngã ba Bãi Vọt (thị xã Hồng Lĩnh) lên cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sang Lào, năm 1999 được tặng danh hiệu “Con đường đẹp nhất Việt Nam” bị băm nát nhiều đoạn, bùn dày cả thước. Phía trên cầu Nước Sốt cả quả núi đổ sập vùi lấp vĩnh viễn 5 người, đến nay vẫn không tìm được xác! Nhiều cây cầu bị lũ vặt trụi lan can.
Tất cả người dân Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh và Vũ Quang vẫn in đậm dấu ấn kinh hoàng về cơn lũ quét lịch sử này: 77 người chết, hàng trăm người bị thương, 70694 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng. Đê hữu sông Lam bị vỡ 2 đoạn dài 20m, sâu 3m. Hơn 700 tỷ đồng thiệt hại! Thiệt hại về lâu dài thì khó mà ước tính. Như cát và sỏi đá phủ kín dày cả thước hơn 100ha đất canh tác màu mỡ nhất của cánh đồng Khe Sú.
Xóm làng đã biến mất sau cơn lũ 2002. |
Cánh đồng này là “ vựa thóc” của Sơn Kim, nguồn sống chủ yếu của 1.115 hộ, 4.700 nhân khẩu trong toàn xã. Nay hơn 100 ha đất này vẫn là sa mạc! Toàn xã đất canh tác còn 70ha, trong đó 20ha chỉ xản xuất được một vụ, vì thiếu nước. Ông Việt than thở: “ Hiện nay mỗi người dân Sơn Kim 1 chỉ có 100m2 đất nông nghiệp, dân thiếu đất sản xuất trầm trọng, không biết mần chi mà ăn!”. Hồi đó Sơn Kim chết 6 người, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, 40 ngôi nhà bị trôi theo dòng nước lũ! Lở đất buộc 39 hộ ở thôn Kim An phải di dời.
Bão số 2 hồi tháng 8/2007 gây lũ lụt và thiệt hại lớn cho Hương Khê, cả Hà Tĩnh thiệt hại khoảng 700 tỷ. Tiếp theo là bão số 5 thiệt hại khoảng 350 tỷ đồng trong khi tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh khoảng 500 tỷ đồng/năm. Hạn hán, lũ lụt ngày càng gia tăng và tàn khốc hơn. Bức tranh về thiên tai ngày càng ảm đạm.
TĐ Hố Hô đang dang dở, nước lũ cuốn phăng cả đoạn đường dài phía dưới đập, cuốn trôi mất tích một cỗ máy ủi! Nó còn mở một dòng chảy mới ngay phía dưới đập nước. Hương Khê chìm trong biển nước, trụ sở UBND huyện ngập đến mặt bàn. Chỉ mới cách đó ít ngày đồng ruộng còn khát, những đồi chè khô cháy!