Cục Cảnh sát Môi trường (CSMT) đang tiến hành điều tra hai vụ nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Theo nhận định của Cục CSMT, có thể số hổ nuôi trái phép bị phát hiện được mua từ nước ngoài.
Nhận được tin tố giác của nhân dân về việc trên địa bàn xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có một số gia đình nuôi nhốt hổ thuộc loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; ngày 30/06, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Thanh Hóa phối hợp Công an tỉnh, chính quyền và công an huyện Thọ Xuân, chính quyền xã Xuân Tín kiểm tra phát hiện tại gia đình ông Nguyễn Mậu Oai và Ðoàn Viết Nha, ở xã Xuân Tín đang nuôi nhốt 10 con hổ. Nguồn gốc số hổ trên do ông Nguyễn Mậu Chiến (con trai ông Oai), sinh năm 1970, công tác tại Công ty Cổ phần hóa dược Việt Nam mua.
Theo lời khai của ông Chiến, số hổ trên được mua vào năm 2006 và đầu năm 2007 của một số người dân khu vực xã Na Mèo, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa bán tại nhà, trọng lượng bình quân mỗi con khi mua khoảng 3 đến 4 kg.
Việc mua, nuôi nhốt số hổ nói trên không có bất cứ một loại thủ tục, giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Ông Chiến còn khai nhận, mặc dù chưa báo cáo bằng văn bản cho chính quyền địa phương nhưng có báo cáo bằng miệng với UBND xã Xuân Tín.
Trước vụ việc vi phạm nghiêm trọng nói trên, CCKL tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC), đồng thời giao lại số hổ nói trên cho ông Chiến tiếp tục nuôi nhốt, chăm sóc trong thời gian chờ xử lý, chịu sự giám sát của cơ quan chức năng.
Ngày 11/077, CCKL có công văn số 416/KL-PC đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Mậu Chiến bằng hình thức phạt tiền ở mức tối đa trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Ðối với mười cá thể hổ, đề nghị UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép ông Chiến tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng trên cơ sở phải bảo đảm có phương án gây nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiêm cấm việc giết mổ, di chuyển, mua bán thêm và kinh doanh vì mục đích thương mại; việc nuôi nhốt hổ của ông Chiến phải đưa vào hệ thống theo dõi, quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Ngày 03/08, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với ông Nguyễn Mậu Chiến về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã”, giao cho ông Chiến tiếp tục nuôi nhốt số hổ nói trên.
Tiếp đó, ngày 10/10, CCKL phối hợp cơ quan chức năng phát hiện tại khu vực cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín có bảy con hổ nuôi nhốt trái phép, trọng lượng mỗi con từ 30 đến 40 kg do ông Nguyễn Văn Tư, trú tại xóm 21, xã Xuân Tín nuôi.
Căn cứ lời khai của ông Tư, bước đầu xác định ông Tư mua bảy con hổ của một số người dân huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) với giá 30 triệu đồng vào tháng 02/2007. Ðợt 1 mua bốn con và đợt 2 mua ba con; trọng lượng khi mua từ 3 đến 4 kg/con.
Khi kiểm tra, ông Tư không xuất trình được bất kỳ thủ tục, giấy tờ nào cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 13/10, CCKL lập biên bản VPHC đối với ông Tư và tạm giao cho ông Tư tiếp tục nuôi nhốt, chờ hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Hổ là loài động vật quý hiếm nằm trong danh mục các loài cực kỳ nguy cấp thuộc Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới. Vấn đề đặt ra là xử lý hai vụ việc trên thế nào cho thấu tình đạt lý, đạt hiệu quả về pháp luật mà vẫn mang tính giáo dục cao. Theo Nghị định 139/2004/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt VPHC trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi vi phạm của ông Chiến phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu toàn bộ số cá thể hổ không có nguồn gốc hợp pháp để giao cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nuôi, chăm sóc vì mục đích bảo tồn.
Tuy nhiên, theo Ðiều 190 của Bộ luật Hình sự, chỉ xem xét xử lý hình sự về hành vi săn bắt, giết, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị cấm (thực tế chỉ xác định có việc mua, nuôi nhốt hổ trái phép từ nhỏ; chưa làm rõ được hành vi buôn bán).
Ngày 16/10, CCKL phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa họp bàn biện pháp xử lý các vụ việc nuôi nhốt hổ trái phép nêu trên, đi đến thống nhất vụ nuôi hổ trái phép phát hiện ngày 30/6 chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự, việc xử lý hành chính đối với ông Chiến là có xem xét đến tính pháp luật, hiệu quả, thực tế xử lý vụ nuôi hổ ở Bình Dương đã xảy ra trước đó.
Tuy nhiên, cần phải tổ chức điều tra, xác minh nguồn gốc việc mua các cá thể hổ. Nếu có cơ sở kết luận được nguồn gốc hổ, đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép thì sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; nếu kết quả xác minh vẫn không làm rõ được nguồn gốc hổ thì sẽ quyết định xử lý vụ nuôi hổ phát hiện ngày 10/10 như đã xử lý với vụ nuôi hổ phát hiện ngày 30/6 trước đó.