ThienNhien.Net – Hoà nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước, các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ “mọc” lên như nấm trên khắp các vùng miền tổ quốc từ Bắc vào Nam. Đặc biệt là tại khu vực các tỉnh miền Trung, dọc theo mái núi phía Đông của dãy Trường Sơn và các tỉnh Tây Nguyên. Những dự án thuỷ điện này hứa hẹn đem lại sự phát triển không chỉ riêng của địa phương mà còn góp phần phát triển khu vực cũng như đất nước. Song, những câu chuyện xung quanh nó vẫn nối đuôi nhau dài dằng dặc qua năm tháng, đặc biệt sau những ngày mưa lũ qua đi…
Một phần quang cảnh cánh rừng đại ngàn trên địa bàn xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn thuộc dãy Trường Sơn – Khu vực nằm trong dự án bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn (được thực hiện từ thập niên 90 của thế kỷ 20) đồng thời là nơi đang được điều tra quy hoạch thành khu dự trữ sinh quyển của Quốc gia theo Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định 79/2007/QĐ-TTg) nhưng đây cũng chính là nơi “toạ lạc” của công trình thuỷ điện Hương Sơn (Hà Tĩnh). |
Con đường công vụ dẫn lên thuỷ điện Hương Sơn “giúp” tạo một “mảng màu sáng” giữa khu rừng phòng hộ đầu nguồn đứng song hành cạnh dòng suối Nước Sốt. |
Trên con đường công vụ dẫn vào thuỷ điện Hương Sơn dài 21km có đến mấy chục điểm sạt lở, sau những trận bão lũ nó lại “tạo nên” dòng bùn đất đổ xuống phía vực đè lấp cây cối cũng như theo dòng nước đổ xuống thượng nguồn sông Ngàn Phố gây cản trở cho hệ thống thuỷ lợi của bà con cũng như ô nhiễm nguồn nước hạ nguồn. |
Để xây dựng lòng hồ, hàng ngàn vạn cây rừng đã “ngã xuống”. Sự “đánh đổi” này không thể bàn cãi vì dù sao công trình thuỷ điện Hương Sơn cũng đã được tiến hành nhưng có lẽ cây rừng vẫn “khóc”. Chúng khóc thương cho số phận những cây rừng đã chết cũng như những cây rừng còn lại luôn phải sống trong tâm trạng phấp phổng lo âu: bao giờ lũ về cuốn mình trôi theo? Rừng mất rồi, ai bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ dân dưới hạ nguồn… |
Đã mấy năm trôi qua mà công trình thuỷ điện Hương Sơn vẫn mịt mùng trong sương gió, bão lũ…bao giờ nó mới được hoàn thành? Theo như lời anh Trung lái xe chở vật liệu cho công trường: “Có lẽ 2010 vẫn chẳng thấy mô”. |
Bám trụ cùng công trình vì miếng cơm manh áo, những người công nhân này “chôn vùi” một phần năm tháng cuộc đời của mình tại nơi “rừng thiêng nước độc” trong một điều kiện sống hết sức tạm bợ và cơ cực này. |
Hà Tĩnh – điểm đến của những công trình thuỷ điện vừa và nhỏ? Đó có phải là một sự khẳng định để phát triển tại một tỉnh miền Trung nghèo khó nhưng dường như nắng gió và bão lũ nơi đây không “ủng hộ”. Ghé thăm thuỷ điện Hố Hô (nằm tại vùng ranh giới giữa 2 tỉnh Hà Tình – Quảng Bình). Một công trình lạ: Nước được lấy từ sông Ngàn Sâu thuộc Hà Tĩnh nhưng lại đổ vào đất Quảng Bình. Công trình thuỷ điện chắn một lưu vực 280 km2 thuộc xã Hương Liên, Hương Lâm, Hương Vĩnh (thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Sau sự “càn quét” của cơn bão số 2 và số 5 vừa qua, nham nhở dấu vết sạt lở và sụt lún… đường vào Hố Hô bỗng chia cắt đôi ngả. |
Cả một con đường công vụ dẫn vào thuỷ điện (trước đây là dải chân rừng và đồng màu của người dân) giờ chỉ còn ngổn ngang những đất cát, bùn sau lũ…để làm lại con đường này chắc chắn, kiên cố “vượt lũ” người ta ước tính hàng chục tỷ đồng (một cán bỗ kỹ thuật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc I có mặt tại hiện trường vào ngày 04/11/2007 cho biết). |
Một trong rất nhiều cột điện tại khu vực công trình thuỷ điện đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” |
Theo lời kể của những người dân sống ven đây, từ hồi có công trình thuỷ điện này, sông Ngàn Sâu đã đổi dòng chảy ngay dưới chân công trình thuỷ điện (trước đây, dòng chảy quanh co nằm sát chân núi – phía bên phải bức ảnh, còn bây giờ nó chạy một mạch ra ngoài – phía bên trái bức ảnh) |
Một khoảng bình yên của dòng sông Ngàn Sâu sau những ngày bão lũ. Không thể phủ nhận vai trò và ý nghĩa của những công trình thuỷ điện, đặc biệt tại những vùng sâu xa, khó khăn của tổ quốc, song cần có chiến lược phát triển hợp lý. Sự cố ở công trình thuỷ điện Hố Hô sau mấy cơn bão lũ vừa qua, những bài học đắt giá từ công trình thuỷ điện Hương Sơn có thể sẽ là một “hồi chuông” cảnh tỉnh cho những công trình thuỷ điện mới đang mấp mé “phôi thai” nơi đây? |