Tây Nguyên thú rừng kêu cứu: Cấm – vẫn bán công khai (kỳ 1)

Nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD), nhất là động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắn, sử dụng làm đồ trang trí, trang sức, làm các món ăn tại các nhà hàng, khách sạn…
Nhộn nhịp quán thịt rừng

Nếu đã một lần đặt chân đến những nhà hàng lớn ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk như D.R, T.Đ, B.M…, hẳn thực khách không dưới một lần tận mắt chứng kiến hoặc thưởng thức các món thịt thú rừng. Những món rắn, chồn hoang, nhím, rùa, ba ba… khách có thể tận mắt thấy “hàng tươi” trước khi đem chế biến thành món nhậu!

Mới đây thôi, anh bạn làm nghề buôn gỗ mời đến quán D.R (đường N.T.P). Tôi tận mắt chứng kiến một nhóm nhậu đang “xơi sống” một chú khỉ theo cách lấy óc khỉ sống uống rượu, còn chủ quán thì đang chào khách hàng một con kỳ đà trước khi làm thịt…

Sao người ta lại có thể “xử” những ĐVHDõ một cách tự nhiên, công khai đến thế? Theo tìm hiểu, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định cấm những hoạt động xâm hại đến ĐVHD quý hiếm. Cụ thể, chỉ thị của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 09/05/2003 cũng đã quán triệt các ban, ngành hữu quan, các cấp địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý… Trong đó, đặc biệt có quy định cấm cán bộ, công chức viên chức nhà nước không được ăn, uống các sản phẩm từ ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp…

Vậy mà, cấm cứ cấm, ăn vẫn cứ ăn! Được biết, sau 3 năm thực hiện chỉ thị này, đặc biệt, thực hiện nội dung “cán bộ, công chức, viên chức… không được ăn, uống các món ăn, sản phẩm từ ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp…”, toàn tỉnh đã… chưa phát hiện ra vụ vi phạm nào!

Hàng ngày, tình trạng săn bắt, vận chuyển, sử dụng… thú rừng nói chung vẫn đang diễn biến phức tạp; người ăn, uống các món ăn, sản phẩm từ ĐVHDõ có nguồn gốc hợp pháp và bất hợp pháp gồm đủ các đối tượng, có cả “đại gia”, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lẫn những người dân…

Mua thịt thú rừng về chế biến làm món ăn đối với bất cứ ai cũng không phải là chuyện quá khó. Dễ nhất là mua heo rừng, thịt nai, kỳ đà… rồi đến chồn, thỏ, nhím, rắn, ba ba, khỉ… Nhiều nơi trên địa bàn các huyện, thành phố vẫn có thịt rừng bán khá công khai như: Ngã ba đường Phan Chu Trinh – Tản Đà (TP. Buôn Ma Thuột); xã Yang Mao, Hòa Sơn (Krông Bông); xã Ea Mdroh, Ea H’đing (Cư Mgar); xã Ya Tmốt, thị trấn Ea Súp (Ea Súp)…

Riêng tại quán ngã ba P.C.T- T.Đ bày bán thoải mái thịt nai và heo rừng, còn nếu khách muốn “xài” chồn, kỳ đà, nhím, rắn… chỉ cần “phôn” là có người đem đến.

Hàng cấm… nhưng được sử dụng hợp pháp

Một nhóm người đang làm đồ nhậu. Tôi mục sở thị nhóm nhân viên đang hí hoáy làm thịt kỳ đà, chồn rừng và cắt tiết rắn hổ mang bành. Hùng, một nhân viên cho biết: “Hàng này là của tay D, làm nghề buôn thú ở huyện Ea Súp gửi tặng sếp. Đây là các con thú mua lại nhóm thợ săn”.

Tôi tò mò hỏi: “Thế đem lên bằng cách nào, không ai bắt à?”

“Dễ lắm, đó là nghề của họ. Cậu thích mua con gì tớ bảo tay đó đem lên tận nhà”, Hùng vừa cho tiết rắn chảy vào chai rượu vừa thản nhiên trả lời…

Những lần về các huyện xa như Ea Súp, Ea H’Leo, M’Drak, Krông Bông…, khi được chiêu đãi tại các nhà hàng, quán lớn, chúng tôi thường để ý đến các món thú rừng, loại “thiệt”- thứ hàng cấm – đều sử dụng tự nhiên như là… hợp pháp. Dường như người ta cũng không để ý là đang ăn hàng cấm, coi việc có thịt thú rừng để ăn là đương nhiên! Trong đó, không ít thực khách là cán bộ công chức…

Để biết được các món thịt rừng kia có nguồn gốc hợp pháp hay không quả là một việc không dễ, nhất là với người không thuộc ngành chức năng. Việc buộc các chủ nhà hàng, khách sạn, quán nhậu ký cam kết “không mua bán, sử dụng, chế biến các món ăn từ ĐVHD quý hiếm có nguồn gốc bất hợp pháp” nhiều khi chỉ là… hình thức. Cam kết được lập nhưng việc kiểm tra, xử lý có thường xuyên? Và do việc kiểm tra, quản lý thiếu chặt chẽ, chế tài chưa đủ mạnh nên thú rừng vẫn cứ… lên mâm.

Để ngăn chặn tình trạng trên, ngày 09/05/2003, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Chỉ thị 07/2003/CT-UB nhằm… Tại Mục 7, chỉ thị này nêu rõ: “Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành có trách nhiệm phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân không được tổ chức săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD. Không được ăn, uống các món ăn, sản phẩm từ ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn và các nơi khác. Nếu vi phạm, coi đó như hành vi tiếp tay cho các phần tử săn bắt thú rừng trái phép và sẽ bị xử lý nghiêm. Nếu là cán bộ, công chức sẽ bị kỷ luật và thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm”…