Do mủ cao-su ngày càng có giá trên thị trường, những người đang làm hợp đồng với Vườn quốc gia Lò Gò -Xa Mát có xu hướng không muốn trồng rừng mà thay bằng cây cao-su, trong khi các quy định về rừng đặc dụng không cho phép. Tình trạng trồng cây cao-su lấn đất rừng đến nay vẫn tiếp diễn.
Ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (VQG LG-XM), (Tây Ninh) hiện có hơn 355 ha đất trồng rừng bị người dân bao chiếm trồng cây sai mục đích.
Vì sao người dân không chấp hành ?
Tại Tiểu khu 16 thuộc VQG LG-XM, chị Huỳnh Thị Hạnh (ấp Hòa Ðông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên) cho hay: Chị có bốn ha hợp đồng trồng rừng với VQG, nguồn gốc từ việc sang nhượng lại hợp đồng của người khác từ năm 2001. Những năm trước chị trồng mì (sắn) để cải thiện cuộc sống gia đình. Năm nay, do thấy nhiều người chung quanh trồng cây cao-su nên chị cũng trồng.
Chị Hạnh thừa nhận việc trồng cây cao-su trên đất rừng đặc dụng là sai, nhưng biện bạch rằng, trồng rừng cho VQG không có hiệu quả kinh tế. Khi nhân viên VQG phát hiện, tổ chức nhổ bỏ toàn bộ số cây đã trồng thì chị Hạnh lại cho rằng phải nhổ bỏ tất cả cây cao-su của các hộ khác đã trồng trước đó. Nếu không, sẽ kiện Ban Giám đốc VQG đòi bồi thường, đồng thời sẽ trồng lại cây cao-su và không chấp hành nếu bị xử lý.
Theo anh Ðặng Văn Ðỗ, Ðội phó Ðội Bảo vệ rừng Hòa Hiệp, ban đầu có một số người bao chiếm đất rừng trước năm 2002, sau đó lén lút trồng cây cao-su. Nhân viên trong đội ngăn cản thì bị chống lại, có trường hợp VQG đề nghị xử lý hình sự nhưng vụ việc không được quan tâm. Vì vậy, người dân cứ tiếp tục trồng. Trong Tiểu khu 16 ngang nhiên tồn tại một số vườn cao-su trái phép, có vườn cây đã lớn, đang cho thu hoạch…
Hầu hết các hộ dân đều phản đối khi bị cưỡng chế nhổ bỏ cây cao-su, thậm chí một số hộ dựng nhà ở, đào giếng lấy nước sinh hoạt để cư trú ngay trên đất của VQG. Tổng cộng Tiểu khu 16 có khoảng 20 ha bị bao chiếm trồng cao-su. Nhiều người biết rõ, trồng cao-su trên đất trồng rừng là sai với hợp đồng, nhưng vẫn lén lút trồng xen vào những đám mì (được phép trồng để tăng thu nhập) nhằm tránh sự phát hiện. Khi cây đã lớn, việc xử lý sẽ khó khăn hơn nhiều.
Việc người dân không chấp hành trồng rừng là vì có những điều bất hợp lý, không công bằng khi người trồng sau thì bị nhổ bỏ, người trồng trước thì không. Câu chuyện không dừng ở đây khi có sự so bì giữa những người đã chấp hành trồng cây rừng cho VQG.
Hiện có 11,5 ha rừng trồng năm 2005 bị lén phá bỏ để trồng cao-su. Năm 2006 có sáu hộ bỏ rừng trồng không chăm sóc, khiếu nại đòi trồng cao-su thay vào. Xem ra, áp lực kinh tế từ cây cao-su vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, và thực trạng diện tích đất rừng của VQG vẫn còn bị đe dọa mất dần trong tương lai.
Có phải trì trệ ở khâu xử lý ?
Phó Giám đốc VQG LG-XM Nguyễn Ðình Xuân bức xúc nói: VQG còn vài trăm ha bị bao chiếm trái phép chưa thể xử lý được, trong đó có gần 60 ha đã trồng cây cao-su. Những diện tích lấn chiếm chắc chắn người dân sẽ tìm cách trồng cao-su trong thời gian tới, nếu không có biện pháp giải quyết nhanh và dứt điểm.
Từ năm 2003 đến nay, lực lượng bảo vệ của VQG đã lập biên bản vi phạm 39 trường hợp, với hơn 102 ha (chưa tính đến số diện tích lấn chiếm trước năm 2003). Tuy vậy, khi giao nộp hồ sơ cho chính quyền địa phương xử lý, chỉ xử được có 17 vụ với hơn 49 ha, gồm cấp huyện xử chín vụ, hơn 33 ha; cấp xã bốn vụ, gần 5 ha; số diện tích còn lại Ban quản lý VQG vận động người dân di dời cây trồng sai mục đích hoặc trồng lại rừng. Nhưng sự việc ít chuyển biến và tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng cây cao-su vẫn diễn ra.
Theo anh Nguyễn Ðình Xuân, tiến độ xử lý hồ sơ vi phạm quá chậm, khiến nhiều hồ sơ bị hết thời hiệu xử phạt hành chính, muốn thực hiện phải làm lại từ đầu trong khi hiện trạng rừng đã thay đổi. Cái khó là, VQG không có thẩm quyền xử lý vi phạm về đất đai, dù trực thuộc VQG có cả một hạt kiểm lâm đang hoạt động. Tất cả phải trông chờ chính quyền địa phương can thiệp.
Hiện còn tồn đọng 22 vụ vi phạm, nên từ đầu năm 2007, Ban Giám đốc VQG chủ trương cho nhổ bỏ cây cao-su trồng trên đất quy hoạch trồng rừng. Ðã có 16 ha cao-su mới xuống giống bị nhổ bỏ. Nguyên nhân chủ yếu khiến người dân tiếp tục vi phạm là do khâu xử lý không kịp thời, không dứt điểm từng vụ việc và thiếu kiên quyết, thiếu sự hợp tác của các cấp chính quyền ở những địa phương có rừng. Ðiều khó nhất hiện nay là, số diện tích cây cao-su, cây ăn quả các hộ dân đã trồng trên đất VQG, trong đó nhiều vườn cây đã lớn, đang cho thu hoạch, không ai dám mạnh dạn phá bỏ, dù sự vi phạm đã được xác định rõ ràng.
Giải pháp nào khả thi?
Ðể giải quyết tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng cây cao-su tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo phải kiên quyết nhổ bỏ số cây cao-su trồng sau năm 2003. Riêng diện tích cao-su đã trồng trước đó, do cây đã lớn, có giá trị kinh tế nên cần thận trọng trong xử lý, theo hướng giảm thiệt hại cho người trồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tìm phương án tham mưu cho UBND tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án nào được đưa ra, trong khi nhiều vườn cây cao-su đã cho thu hoạch. Ðây cũng là lý do để những người dân muốn trồng cao-su trên đất trồng rừng vin vào khiếu nại. Do đó, “chủ rừng” luôn gặp khó khăn khi xử lý các vụ việc vi phạm, còn nhiều hộ dân thì cố tình không chấp hành theo hợp đồng trồng rừng, hơn nữa còn lén lút phá cả rừng trồng bằng nguồn vốn Nhà nước đầu tư trong các năm qua.
Cũng đã có giải pháp được đưa ra nhằm tìm cách “cứu” cây cao-su “lỡ” được trồng trên đất rừng. Vì xét cho cùng, số vốn người dân bỏ ra để trồng hàng trăm ha cao-su không phải nhỏ, nếu phá bỏ thì cũng là thiệt hại cho xã hội. Tháng 09/2007, UBND tỉnh Tây Ninh có quyết định phê duyệt bổ sung mô hình trồng rừng mới thuộc dự án rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng, nơi cũng có tình trạng trồng cây cao-su trên đất lâm nghiệp.
Theo đó, mô hình cho phép trồng xen cây sao, dầu với cây cao-su, với mật độ khoảng 726 cây/ha, gồm 396 cây sao, dầu và 330 cây cao-su. Như vậy, các vườn cao-su ở rừng phòng hộ Dầu Tiếng sẽ không bị phá bỏ hoàn toàn, chỉ cần đốn một số cây theo hàng để trồng sao, dầu xen vào. Thế nhưng, một số cán bộ lâm nghiệp không đồng tình với cách làm này vì cho rằng, tâm lý người dân thường chú trọng vào những gì có lợi nhiều hơn, tức sẽ chăm chút cây cao-su và bỏ mặc cây rừng.
Ðó là chưa nói đến cây rừng còn bị hủy hoại bằng nhiều biện pháp, nhằm dành dinh dưỡng trong đất cho cây cao-su. Mục tiêu trồng rừng sẽ khó đạt được trong điều kiện như vậy. Mặt khác, rừng ở VQG LG-XM là loại rừng đặc dụng, cũng là cánh rừng nguyên sinh duy nhất còn lại trong tỉnh, theo quy định không được phép trồng bất kỳ loại cây nào khác ngoài cây rừng trong danh mục. Cho nên, mô hình này không thể áp dụng ở VQG.
Theo các chuyên gia gắn bó nhiều năm với VQG, để giữ được rừng nguyên sinh tồn tại, chỉ có một cách duy nhất là kiên quyết phá bỏ tất cả số diện tích cây cao-su được trồng trên đất rừng. Thay vào đó trồng cây rừng theo chủng loại được duyệt. Biện pháp này thể hiện sự công bằng, thực thi nghiêm túc Luật Bảo vệ rừng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, được nhiều người hợp đồng trồng rừng đồng thuận.