Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển nhiên liệu sinh học và mục tiêu dự kiến đến năm 2025 sẽ sản xuất và đưa vào sử dụng xăng E5 (95% xăng khoáng và 5% ethanol) và dầu B5 (95% diesel khoáng và 5% diessel sinh học) trên phạm vi cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Đó là mục tiêu của đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 dự kiến sẽ được trình Chính phủ vừa được Bộ Công Thương đưa ra khi bàn về tiềm năng, điều kiện phát triển nhiên liệu sinh học cho vận tải do Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức.
Đẩy mạnh phát triển nhiên liệu sinh học là giải pháp thay thế một phần nhiên liệu hoá thạch truyền thống hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Theo lộ trình được TS. Nguyễn Xuân Dinh – Vụ phó Vụ Năng lượng và dầu khí – Bộ Công Thương đưa ra, đến năm 2015 sẽ sử dụng phổ cập toàn quốc xăng E5 và dầu B5, các hệ thống biogas, xuất khẩu E100 và B100. Đến năm 2025, nhiên liệu sinh học sẽ cung cấp 10% nhu cầu nhiên liệu lỏng, sử dụng phổ biến nhiên liệu E10 và B10 trên toàn quốc.
Giải pháp năng lượng trong tương lai
An ninh năng lượng luôn gắn liền với an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và được đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển bền vững. Nhiên liệu sinh học đang được hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam hướng tới sử dụng rộng rãi.
EU đã kêu gọi các quốc gia tăng cường sử dụng bio-fuels tăng lên hơn 5,7% vào năm 2010 và đạt 20% vào năm 2020. Nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học hiện nay đã trở thành xu thế phát triển tất yếu ở nhiều quốc gia để thay thế xăng dầu các thập kỷ tới. Dự báo, cuối thế kỷ 21, năng lượng tái tạo trong đó có nhiên liệu sinh học, sẽ chiếm hơn 50% số năng lượng thương mại.
Nhiều quốc gia trong 2-3 thập kỷ qua đã tập trung nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng/diesel pha ethanol và diesel sinh học), thay thế xăng dầu truyền thống, tiến tới xây dựng ngành “xăng dầu sạch”. Thế giới đã có khoảng 50 nước khai thác và sử dụng nhiên liệu sinh học trong đó đi đầu phải kể đến Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… và các nước châu Âu.
Nếu như năm 2003 thế giới mới chỉ sản xuất được khoảng 38 tỷ lít ethanol thì đến năm 2005 đã sản xuất được 50 tỷ lít (trong đó tới 75% dùng làm nhiên liệu sinh học) và dự kiến đến năm 2012 đạt khoảng 80 tỷ lít. Diesel sinh học nguồn gốc động thực vật sản xuất năm 2005 đạt bốn triệu tấn nhưng dự kiến đến năm 2010 sẽ tăng lên 20 triệu tấn.
Theo các chuyên gia nhận định, lý do để các nước lựa chọn nhiên liệu sinh học bởi nguồn nguyên liệu thực vật tồn tại phong phú và có khả năng tái tạo, cung cấp với số lượng lớn để thay thế khi giá xăng dầu khoáng ngày một cao.
Bên cạnh đó, nó hạn chế gây ô nhiễm môi trường như dầu mỏ, làm giảm hiệu ứng nhà kính và có thể mua bán, chuyển nhượng, thu lợi thông qua các dự án CDM. Ngoài ra, phát triển năng lượng sinh học sẽ góp phần xây dựng ngành kinh tế nông nghiệp ngoài chức năng cung cấp lương thực còn là nguyên liệu đầu vào cho năng lượng.
Từ các dự án thử nghiệm đến quy mô công nghiệp
Tại Việt Nam, trước nhu cầu năng lượng của ngày càng tăng nhanh chóng (khoảng 37 triệu tấn vào năm 2010 và 51 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2020), thì việc nghiên cứu sản xuất nhiên liệu sinh học đã được đề cập, triển khai.
Nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu sạch đã được Petrolimex, Petro VietNam… triển khai và đã có những kết quả. Đại học Bách Khoa TP.HCM đã pha chế, thử nghiệm để chứng minh ethanol có thể thay thế xăng dùng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong.
Viện Nghiên cứu rượu bia NGK cũng đã nghiên cứu và đưa ra các kết quả về sử dụng ethnol làm nhiên liệu thay thế cho một số loại động cơ. Công ty Phụ gia dầu mỏ APP đã pha chế, thử nghiệm sản xuất mỡ bôi trơn từ mỡ thực vật hoá học.
Viện Công nghệ thực phẩm đã và đang nghiên cứu sản xuất ethanol từ phế thải nông nghiệp… Nhiều đơn vị trong đó có APP, Sài Gòn Petro, Công ty Mía đường Lam Sơn… đã lên kế hoạch pha chế thử nghiệm và tiến tới sản xuất ở quy mô phù hợp và đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, theo TS. Đặng Tùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), sang năm 2007, nhiều nhà máy sản xuất cồn công nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học đã được dồn dập triển khai ở Việt Nam.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Cồn sinh học Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn công nghiệp với công suất 66.000 m3/năm tại Đắc Lắc. Để đảm bảo nguyên liệu, công ty đã lên kế hoạch trồng 4.000 ha cây tinh bột Tiboca.
Bên cạnh đó là các dự án hợp tác đầu tư liên doanh liên kết giữa Công ty đường Biên Hoà với Công ty của Singapore ký kết hợp tác tháng 08/2007 đầu tư nhà máy sản xuất cồn sinh học công suất 50.000 tấn/năm; dự án hợp tác Công ty Petrosetco Việt Nam và Itochu Nhật Bản đầu tư khoảng 100 triệu USD để xây nhà máy ethanol công suất 100 triệu lít/năm từ nguyên liệu sắn lát tại Khu công nghiệp Phước Hiệp – TP.HCM. Dự kiến, khoảng 99,8% sản phẩm ethanol sẽ được cung ứng cho thị trường phục vụ sản xuất xăng sinh học.
Như vậy, song song với các dự án nghiên cứu khoa học về năng lượng sinh học, việc triển khai phát triển, sử dụng nhiên liệu sinh học đã được Việt Nam quan tâm đẩy mạnh và hướng đầu tư sản xuất ở quy mô công nghiệp. Mặc dù chưa thực sự phát triển rầm rộ và nhiên liệu sinh học chưa được ứng dụng rộng rãi nhưng việc đầu tư phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam được coi là hướng đi tất yếu.
Khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư
Năm 2025, Việt Nam sẽ phát triển mạnh công nghiệp nhiên liệu sinh học. Đó là mục tiêu chiến lược mà đề án phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025 dự kiến đưa ra. Theo ông Tùng, để thực hiện điều này, Việt Nam cần có lộ trình và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, nỗ lực trong nước và tận dụng tối đa sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức và các quốc gia.
Dự kiến ước cần khoảng 284 tỷ vốn ngân sách Nhà nước để triển khai điều này. Theo đó, lộ trình 2007-2010 chủ yếu xây dựng hành lang pháp lý để khuyến khích sản xuất quy mô công nghiệp và sử dụng nhiên liệu sinh học là nhiên liệu thay thế trong giao thông vận tải và các ngành công nghiệp, tiếp cận công nghệ nhiên liệu sinh học, xây dựng mô hình sử dụng thử nghiệm.
Giai đoạn tiếp theo 2011-2015 sẽ làm chủ và sản xuất được các vật liệu, phụ gia sản xuất nhiên liệu sinh học; từ đó phát triển mạnh mẽ sản xuất và sử dụng thay thế một phần nhiên liệu truyền thống; sản xuất đại trà các giống cây nguyên liệu năng suất cao; xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học trên phạm vi cả nước, đảm bảo đáp ứng 20% nhu cầu xăng dầu cả nước bằng xăng E5 và dầu B5.
Trên cơ sở đó, đến tầm nhìn năm 2025, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Sản lượng ethanol và dầu thực vật đáp ứng đủ 100% nhu cầu xăng dầu của cả nước bằng xăng E5 và dầu B5.
Ông Tùng cũng cho biết, trong giai đoạn 2007-2015, việc sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ cần phải được xếp vào danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học được miễn giảm thuế thu nhập đối với các sản phẩm nhiên liệu sinh học.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ được hưởng các ưu đãi tối đa về thuê đất trong thời gian 20 năm. Các nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, phát triển nhiên liệu sinh học được miễn thuế nhập khẩu; nếu phục vụ sản xuất sẽ được hưởng thuế ở mức thấp nhất…
Các doanh nghiệp được tự công bố tiêu chuẩn cơ sở trên cơ sở viện dẫn tiêu chuẩn các nước G7 trong khi Việt Nam xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhiên liệu sinh học. Cũng trong thời gian này, sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển vào làm ở các cơ sở sản xuất, cơ quan nghiên cứu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.