Những bước đột phá công nghệ đã cho phép các nhà khoa học Anh lần đầu tiên nhân bản được 12 cái phôi từ những con khỉ trưởng thành. Công trình nghiên cứu này do Shoukhrat Mitalipov, một nhà khoa học gốc Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Động vật Linh trưởng Quốc gia Oregon – tại Beaverton, Anh, chủ trì.
Phôi linh trưởng nhân bản đầu tiên
TS. Mitalipov đã tiên phong trong việc tìm ra một phương cách mới điều khiển trứng của loài linh trưởng trong suốt quá trình nhân bản. Quá trình này liên quan đến kết hợp trứng với nhân được tách ra từ một tế bào da của một con linh trưởng trưởng thành.
Mọi nỗ lực trong nhân bản phôi để phục vụ cho nghiên cứu đã bị kìm hãm bởi các vấn đề về công nghệ và các cuộc tranh luận về những kết quả nghiên cứu dối trá và đạo đức. Nhưng kỹ thuật mới của nhóm Oregon hứa hẹn một cuộc cách mạng hóa.
Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học có thể tạo ra những phôi nhân bản tồn tại độc lập từ một con linh trưởng trưởng thành. Trong trường hợp này, họ đã sử dụng loài khỉ nâu đực 10 tuổi (rhesus macaque monkey). Kết quả nghiên cứu sẽ được nhóm nghiên cứu báo cáo vào cuối tháng 11.
Nhóm nghiên cứu cũng chứng minh được rằng họ có thể chiết tách những tế bào gốc từ những cái phôi nhân bản này. Ở môi trường phòng thí nghiệm, họ có thể điều khiển và làm cho các tế bào phôi phát triển trong tế bào tim trưởng thành hay các tế bào thần kinh.
Theo giới chuyên môn, đây là đột phá mà họ đang mong đợi. Cho đến bây giờ, người ta vẫn cảm giác có khá nhiều rào chắn không thể vượt qua được trong việc tạo thành những phôi thai nhân bản từ các con linh trưởng trưởng thành – bao gồm cả con người.
Kết quả nghiên cứu mới này không phải luôn được các tổ chức chào đón. Nhiều tổ chức đối lập về nhân bản cho rằng kỹ thuật mới trong việc thao túng trứng của loài linh trưởng sẽ dẫn đến tình trạng tạo mới – và phá vỡ – các phôi người nhân bản nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Tại Anh, việc cấy bất cứ một phôi nhân bản nào vào tử cung của người phụ nữ đều bất hợp pháp. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo sợ rằng việc thành công trong nhân bản từ tế bào da của người trưởng thành sẽ làm gia tăng cơ hội có con bằng phương pháp nhân bản vô tính.
Năm 2004, Hàn Quốc công bố các nhà khoa học nước này đã thành công trong việc tạo ra phôi người nhân bản đầu tiên. Nhưng đến 2006, kết quả nghiên cứu này bị bác bỏ khi chủ nhiệm đề tài, ông Hwang Woo-suk, bị kết tội gian lận.
Chỉ có duy nhất một trường hợp nữa về phôi người nhân bản được ghi lại trên giấy tờ, nhưng cái phôi này đã chết sau vài giờ và không tạo ra được các tế bào gốc.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu linh trưởng này đã đem cấy 100 phôi nhân bản vào tử cung của khoảng 50 con khỉ nâu cái. Tuy nhiên, chưa một chú khỉ con nào chào đời.
Một nhà khoa học cao cấp trong nhóm nghiên cứu này nói rằng, đó chỉ đơn thuần là chưa gặp may. Để tạo ra cừu Dolly, nhân bản vô tính động vật đầu tiên trên thế giới, người ta cũng phải cần đến 277 lần như thế.
TS. Mitalipov cho biết, ông không thể đưa ra bất cứ một lời bình luận nào cho tới khi nghiên cứu này được công bố trên tạp chí chuyên ngành Nature.
Nhưng trong một cuộc họp mặt đồng nghiệp mới đây, ông đã tiết lộ ông đã tạo ra hai “mẻ” tế bào gốc từ 20 phôi nhân bản và các phương pháp kiểm tra chứng tỏ rằng nó thật sự là từ nhân bản vô tính.
TS. Alan Trounson của ĐH Monash – Úc nói những phát hiện của TS.Mitalipov đã đại diện cho các bước đột phá sau nhiều năm dài chờ đợi.
Bất chấp rất nhiều cố gắng nhưng chưa một nhà khoa học nào có thể tạo ra phôi linh trưởng nhân bản từ các tế bào trưởng thành, trong khi việc nhân bản vô tính hàng tá các loài động vật khác đã thành công.
Theo TS. Don Wolf, nguyên chủ nhiệm phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Oregon, kỹ thuật mới này dựa trên công nghệ hiển vi siêu nhỏ, không dùng ánh sáng của tia cực tím và nhuộm màu. Những công nghệ này có thể làm hư trứng của loài linh trưởng.
“Những ngày đầu tiên, chúng tôi thử dùng tất cả các công nghệ này trên khỉ và hoàn toàn không biết cái nào phá huỷ trứng. Do đó, một trong những chìa khoá thành công là bỏ bớt từng bước của quá trình nghiên cứu.
Hiện nay, chúng tôi có thể nhân bản vô tính phôi khỉ thường xuyên hơn, hay ít ra chúng tôi đã tạo ra một quy trình thường quy… để nghiên cứu nhân bản loài linh trưởng,” TS. Wolf phát biểu.
Lịch sử nhân bản vô tính
Công nghệ nhân bản vô tính khỉ về cơ bản cũng có chung một quy trình tương tự như nhân bản cừu Dolly. Nhân của quả trứng khỏe mạnh, chưa được thụ tinh được thay bằnng một cái nhân khác từ tế bào da trưởng thành của một loài động vật.
Với cách tính toán thời điểm một cách cẩn thận và sử dụng các loại xung điện, một phôi thai có thể được tạo ra. Phôi thai nay mang gene di truyền của người hiến da. Người ta có thể cấy những cái phôi được tạo ra bằng cách này vào tử cung của động vật để tạo ra những dòng nhân bản vô tính.
“Nhân bản vô tính người” được coi là bất hợp pháp ở Anh và nhiều nước khác. Tuy nhiên, phương pháp nhân bản này đã áp dụng trên một số loài động vật. Nhiều gia súc đã được nhân bản thành công. Nỗ lực đầu tiên của các nhà nhân bản học là nhân bản vô tính một loài bò rừng sắp bị tiệt chủng, tên là Noah. Noah đã được nhân bản tại Mỹ vào năm 2001, nhưng đã chết sau khi chào đời 48 giờ.
Trước đó, các nhà khoa học đã nhân bản được chuột. Cumulina là một loại chuột nhà màu nâu quen thuộc. Cumulina được nhân bản vô tính từ những tế bào trưởng thành tại ĐH Hawaii vào năm 1997. Cô chuột mẹ đã sống đến trưởng thành, sinh thêm hai chú chuột con, trước khi lìa đời vào tháng 05/2000.
Chú ngựa tên Prometea, phiên bản nhân bản vô tính đầu tiên của loài ngựa được sinh ra tại Ý vào tháng 05/2003. Còn chú mèo nhân bản CopyCat đã chào đời vào năm 2002, tại Texas. Với một chú mèo đực bình thường, CopyCat đã làm mẹ của ba chú mèo khác vào tháng 09/2006.
Còn chú chó Snuppy, đã được nhân bản tại Hàn Quốc. Những hoài nghi về tính xác thực của chú chó Snuppy đã được xua tan sau khi có những kết quả kiểm tra gene di truyền ADN.
Cũng nhóm nghiên cứu này đã tạo ra được hai con sói con nhân bản, gọi là Snuwolf and Snuwolffy. Nói về chó, người ta còn nhân bản được ba con chó giống chó săn Afgan, tên là Bona, Peace và Hope.