Hàng loạt cá sấu sổng chuồng – Không thể thờ ơ

ThienNhien.Net – Cơn lũ quét bất ngờ trưa ngày 10/11/2007 chỉ trong vòng 3 giờ đã làm tan tành những bờ tường bao, phá hỏng gần 40 chuồng nuôi cá sấu nước ngọt sinh sản và thương phẩm của trại cá sấu Yang Bay (thuộc Công ty Kinh doanh Đà điểu – Cá sấu, Tổng Công ty Khánh Việt – Khatoco) tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Những mảnh lưới B40 đã không cản nổi hàng loạt cá sấu lớn nhỏ tuôn ra theo dòng nước, “ngao du” khắp sống suối. Số cá sấu thất thoát này nếu không được kiểm soát tốt có thể sẽ tác động đến môi trường và đe dọa tính mạng người dân.

Trại cá sấu Yang Bay nằm ở khu vực đầu nguồn giữa hai sông Cái và sông Cầu, có diện tích quy hoạch khoảng 10 ha, với số lượng cá sấu trước thời điểm lũ quét là hơn 5.000 con, được nuôi nhốt trong 34 hồ nuôi sinh sản, 5 hồ nuôi thương phẩm và 74 hồ nuôi cá con. Đây là một trong những trại nuôi cá sấu có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, đã được CITES Việt Nam thẩm định và cấp giấy phép.

Khắc phục sau sự cố

Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi sự cố xảy ra, Tổng Công ty(TCT) Khánh Việt đã phối hợp với chính quyền và các lực lượng công an, bộ đội, kiểm lâm địa phương nỗ lực rà soát tìm kiếm cá sấu thất thoát. Công ty cũng đã thiết lập đường dây điện thoại nóng 24/24 để tiếp nhận thông tin phát hiện cá sấu, thu mua cá sấu sống hoặc chết do người dân bắt được. Đến nay, công ty đã xác định được vị trí tập trung khá nhiều cá sấu sổng chuồng, đó là vùng suối Đá Trải, cách trại cá sấu Yang Bay hơn 500 mét. Công tác tìm kiếm nhờ vậy cũng sẽ khoanh vùng tập trung và hiệu quả hơn.

Ông Lê Tiến Anh, phó tổng giám đốc – TCT Khánh Việt cho biết : “Tổng thiệt hại mà trận lũ từ thượng nguồn đổ xuống trang trại cá sấu Yang Bay vẫn chưa thể thống kê hết được, ước tính phải thất thoát hàng trăm con cá sấu lớn nhỏ. Hiện công ty đang tập trung gia cố lại chuồng trại, kiểm đếm số lượng cá sấu còn lại và đưa chúng vào nơi an toàn. Đến tối 12/11, trại cá sấu Yang Bay đã hoàn thành việc gia cố toàn bộ hồ nuôi, với hơn 2.000 mét lưới bao B40, đồng thời đã đề ra phương án phòng chống lũ quét. Ngày 13/11, trại tiến hành bơm cạn hồ nước thải để bắt cá sấu vào chuồng, đồng thời kiểm đếm để xác định số cá sấu thất thoát.”

Để ngăn chặn việc vận chuyển cá sấu sổng chuồng ra khỏi địa phương, công an huyện Khánh Vĩnh đã lập chốt kiểm soát. Các Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Nha Trang và Đội Kiểm lâm cơ động số 1 cũng đã tăng cường kiểm tra các hoạt động nhốt, vận chuyển, mua bán cá sấu sổng chuồng từ trại Yang Bay. Vì cá sấu nuôi tại trại Yang Bay là cá sấu nước ngọt, là loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có tên trong Phụ lục I-CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp) nên mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi nhốt, vận chuyển, mua bán không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đều là vi phạm pháp luật.

Một ngày sau sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Lâm Phi, đã chủ trì cuộc họp gồm đại diện các cơ quan liên đới như Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Tổng công ty Khánh Việt…thống nhất các biện pháp khắc phục cấp bách. Các giải pháp trước mắt là phối hợp truy tìm cá sấu, gia cố chuồng trại, kiểm đếm để xác định số lượng thất thoát ra tự nhiên và cảnh báo người dân, nhất là trẻ em tại các xã, phường ven suối Yang Bay, sông Cầu, sông Cái chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang trong vòng một tuần tới cần thận trọng khi ra bờ sông, bờ suối.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Lê Tiến Anh nhận định rằng về lâu dài việc xây dựng trại nuôi cá sấu ở Yang Bay là không phù hợp, do điều kiện thời tiết không thuận lợi cho cá sấu phát triển. Mặt khác, vị trí trại nuôi ngay bên bờ suối, khi có lũ lớn dễ xảy ra sự cố cá sấu thoát ra ngoài, gây nguy hiểm cho người dân. Hơn nữa, hồ nước thải của trại cá sấu lại nằm sát suối đầu nguồn, có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Tổng công ty Khánh Việt đang có kế hoạch chuyển trại nuôi về địa điểm thích hợp trước mùa hè năm 2008.

Cá sấu sổng chuồng: có nguy hiểm?

Theo chúng tôi được biết, trong số cá sấu được nuôi nhốt của trại Yang Bay, ngoài cá sấu xiêm của Việt Nam còn có một số loài cá sấu nước ngọt được nhập nội, trong số lượng thất thoát, tỉ lệ cá sấu chưa trưởng thành chiếm khá lớn. Vì vậy, ngoài những thiệt hại về kinh tế, sự cố có thể để lại nhưng hậu quả khó lường về mặt sinh thái và an toàn đối với người dân nếu loài động vật ăn thịt này phát tán rộng rãi.

ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia về mối quan tâm này và nhận được những ý kiến khác nhau:

Ông Đỗ Quang Tùng, Chánh văn phòng Cites Việt Nam cho rằng: “Cá sấu là loài ăn thịt, sẽ rất nguy hiểm khi chúng thoát ra ngoài sông hồ. Nếu có người xuống tắm hoặc có những hoạt động dưới nước thì không biết sẽ xảy ra những nguy cơ gì. Tại một số nước, xung đột giữa cá sấu và người vẫn xảy ra. Tuy nhiên, nếu là cá sấu thế hệ con sau nuôi nhốt thì khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên sẽ kém.”

Một cán bộ của trại cá sấu Yang Bay: “Cá sấu nuôi ở đây là loài cá sấu nước ngọt. Vì vậy, những con cá sấu sổng chuồng nếu trôi ra biển sẽ không sống được. Do đó, mức độ nguy hiểm đến cộng đồng dân cư cũng sẽ được hạn chế”.

Việt Nam có hai loài cá sấu: cá sấu xiêm/cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis) và cá sấu hoa cà/cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus). Cả hai đều có được xếp trong nhóm IIB Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và phụ lục 1 của Công ước CITES.

Chuyên gia nghiên cứu bò sát – lưỡng cư Hồ Thu Cúc, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật: “Cá sấu nuôi hiện nay chủ yếu là cá sấu xiêm đã được thuần hóa nhiều, ít có khả năng gây nguy hiểm hay tấn công người một cách tự nhiên, nhưng theo tâm lý chung mọi người vẫn lo ngại. Vì vậy, việc để nhiều cá sấu sổng chuồng sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Mặt khác, việc cá sấu thất thoát ra ngoài có lẫn loài ngoại lai thì có thể sẽ gây tuyệt diệt nguồn gen quý của những con cá sấu hoang dã cuối cùng còn sót lại trong khu vực do tạp giao.”

Có thể lường rủi ro?
 
Theo ông Đỗ Quang Tùng, hiện nay tại Việt Nam cá sấu được nuôi rất nhiều, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Cả nước có khoảng 1.000 cơ sở, nuôi nhốt trên 100.000 con cá sấu. Tuy nhiên, chỉ có 20 trại nuôi quy mô lớn, trong đó có Công ty Kinh doanh Đà điểu – Cá sấu, Tổng Công ty Khánh Việt. Thông tin từ cơ quan quản lý CITES và Chi cục kiểm lâm địa phương đều xác nhận trại Yang Bay đã được kiểm duyệt và đảm bảo điều kiện nuôi nhốt.

 

Ông Tùng cho biết :”Sau sự cố này, chúng tôi sẽ kiểm tra và có những biện pháp đảm bảo an toàn đối với những trại ở gần nơi có thiên tai. Cục Kiểm lâm cũng sẽ chỉ đạo các Chi cục tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ trại nuôi xem có phù hợp với quy trình, quy phạm về chuồng trại hay không. Nếu các cơ sở không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường thì trước mắt yêu cầu phải hoàn thiện trại nuôi. Trong thời hạn nào đó mà các cơ sở không hoàn thiện thì sẽ tước giấy phép nuôi và tịch thu cá sấu.”
 
Một cán bộ phòng Pháp chế thuộc Chi cục kiểm lâm Khánh Hòa lại cho rằng: “Thực sự, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng rất đầy đủ, nhưng thực thi rất khó. Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan khác chưa hiệu quả. Một mình kiểm lâm đâu làm nổi. Bởi việc gây nuôi động vật hoang dã mang tính kinh doanh, thương mại, việc tịch thu cá sấu sẽ ảnh hưởng đến người nuôi và sẽ có phản ứng.”
 
Có thể nói rằng đây là sự việc hy hữu xảy ra, tuy nhiên cũng không quá xa vời đến mức không thể lường trước và ngăn ngừa. Những rủi ro tiềm ẩn khi xây dựng một trại cá sấu lớn như vậy tại vùng đầu nguồn nước hoàn toàn có thể nhận ra ngay từ khâu xét duyệt và cấp phép. Với những trại nhân nuôi quy mô lớn như Yang Bay, công tác đảm bảo an toàn chuồng trại và vệ sinh dịch bệnh càng phải được chú ý và thực thi nghiêm túc bởi lỡ xảy ra một sự cố hoặc dịch bệnh, khả năng lây lan và phát tán ra môi trường là rất lớn.

Thiết nghĩ, đối với những trại nuôi nhốt động vật quy mô lớn, nên có những điều khoản quy định cụ thể và yêu cầu nghiêm ngặt hơn về điều kiện chuồng trại cũng như vấn đề vệ sinh phòng dịch đề phòng những biến cố cơ bản có thể xảy ra như lũ quét, dịch bệnh, tránh những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.