Những năm gần đây, cùng với chủ trương di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đô thị, các cơ sở sản xuất mới được đưa ra ngoại thành. Tuy nhiên, việc buông lỏng khâu hậu kiểm cùng với ý thức chưa tốt của một số chủ doanh nghiệp khiến môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp.
Môi trường nông thôn: Ô nhiễm từ chất thải công nghiệp
Có mặt tại thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân (Thuỷ Nguyên), cảm nhận được những bức xúc của người dân ở đây bởi khói bụi ở mọi ngóc ngách trong thôn : trên cây cối, đồng ruộng quanh làng, đâu đâu cũng thấy bụi phủ trắng. Bụi cản trở các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chui vào bể nước ăn… vào từng gia đình, làm xáo trộn cuộc sống ở một vùng quê vốn yên bình.
Được biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Pháp Cổ do hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Hoàng Xuân diễn ra từ nhiều năm nay ảnh hưởng nặng đến đời sống, khiến người dân ở đây nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng.
Công ty TNHH Hoàng Xuân chuyên sản xuất xi- măng và tấm lợp phi-brô xi- măng với quy mô tương đối lớn. Đi vào sản xuất từ năm 2001, nhưng 6 năm qua, công ty chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như cam kết bảo vệ môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải của doanh nghiệp đổ thẳng ra hệ thống kênh thoát nước của thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân.
Nhiều người dân ở đây cho biết, lãnh đạo Công ty Hoàng Xuân từng hứa sẽ lắp đặt hệ thống khử bụi trị giá hàng tỷ đồng từ tháng 04/2007, tuy nhiên quá thời hạn khá lâu, vẫn không thấy động tĩnh gì. Tiếp đó, huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng xã Lại Xuân kiểm tra thực tế và ngày 20/04/2007, huyện ra văn bản yêu cầu công ty phải dừng sản xuất đến khi lắp đặt xong hệ thống xử lý bụi và yêu cầu UBND xã tăng cường kiểm tra, quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn. Tuy nhiên Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra xong mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ”, có chăng tại thời điểm kiểm tra, công ty “tạm dừng sản xuất”. Do vậy, việc sống chung với khói bụi độc hại ở thôn Pháp Cổ do hoạt động sản xuất của Công ty Hoàng Xuân gây ra vẫn chưa có hồi kết.
Cũng ở Thuỷ Nguyên, Công ty đất đèn và hoá chất Tràng Kênh (nay là Công ty kỹ nghệ hơi và que hàn) là đơn vị sản xuất hoá chất với các sản phẩm chủ yếu là đất đèn, muội a-xê-ty-len, khí a-xê-ty-len, bột nhẹ…, nhưng công ty không có hệ thống xử lý nước thải cũng như hệ thống xử lý khí thải. Nước thải của đơn vị tự lắng rồi chảy ra hệ thống cống rãnh của thị trấn Minh Đức. Kết quả quan trắc mới đây của cơ quan chức năng cho thấy, nồng độ benzen vượt từ 2,7 đến gần 3 lần cho phép; nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải như PH, BOD5, COD, chất rắn lơ lửng, phốt pho tổng… vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,25 lần, riêng coliform vượt 34 lần .
Các huyện An Lão, Kiến Thuỵ, An Dương trong vài năm gần đây cũng phải đối mặt với việc giải quyết đơn thư khiếu kiện của dân về tình trạng các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử huyện Kiến Thụy, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm phải giải quyết 3-4 đơn thư kiến nghị của người dân về việc các nhà máy, xí nghiệp đổ chất thải, nước thải ra kênh mương chung, đồng ruộng, gần khu dân cư gây, ô nhiễm môi trường.
Nhiều đơn kiến nghị 3-4 năm nay chưa thể xử lý dứt điểm. Điển hình là việc Công ty dệt may xuất khẩu Hải Phòng đổ nước thải sinh hoạt ra ruộng làm chết lúa của dân xã Hợp Đức; các nhà máy sản xuất giày da dọc đường Phạm Văn Đồng đổ nước thải ra khu vực cống C1 làm ô nhiễm môi trường nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản của nhân dân các xã Tân Thành, Hải Thành. Huyện An Dương cũng có tình trạng tương tự.
Nhân dân xã An Đồng nhiều năm qua có đơn kiến nghị về tiếng ồn do Công ty TNHH nhựa Ngọc Hải ở chân cầu An Đồng (An Dương) gây ra. Cơ sở này sản xuất đồ nhựa, diện tích hẹp lại gần khu dân cư, quá trình sản xuất máy bơm nước làm mát gây ồn, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân…
Buông lỏng kiểm tra, giám sát
Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát môi trường trong quá trình hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp gần như bị buông lỏng. Nhiều địa phương không thể kiểm tra công tác xử lý môi trường tại các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn, chưa nói đến việc xử lý khi các đơn vị này gây ô nhiễm môi trường. Thường chỉ khi có đơn kiến nghị của dân, địa phương và cơ quan chức năng mới thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào thanh tra, kiểm tra, Tuy nhiên , việc xử lý sau khi kiểm tra ít được quan tâm, nên nhiều doanh nghiệp, nhà máy một thời gian sau lại tiếp tục vi phạm.
Cá biệt, có nhiều nhà máy, xí nghiệp sau khi đánh giá tác động môi trường coi đây như “ cây gậy” pháp lý đối phó với việc kiểm tra của chính quyền địa phương. Nhiều doanh nghiệp khi có kiến nghị của dân, thì đưa đánh giá tác động môi trường làm căn cứ phản biện việc gây ô nhiễm môi trường. Nhiều chính quyền địa phương, người dân do không hiểu rõ, cho rằng doanh nghiệp đã thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường.
Thực chất, việc đánh giá tác động môi trường chỉ được coi là một điều kiện cần và đủ trong quy trình giao đất, cho thuê đất đến cấp phép đầu tư. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp này phải thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, việc giám sát thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiệm vụ hậu kiểm sau khi đánh giá tác động môi trường còn bị buông lỏng. Do đó, việc bảo vệ môi trường công nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự “tự giác” của mỗi doanh nghiệp. Công tác giám sát của các cơ quan quản lý môi trường chưa thường xuyên, nên không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ hiện đại, nhưng việc vận hành các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường chỉ thực hiện cầm chừng, “lơ là”, cốt sao giảm chi phí.
Ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp tại khu vực ngoại thành Hải Phòng đang ở mức đáng báo động. Đã đến lúc, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương từng bước giải quyết tình trạng này.