Chưa đầy 10 năm (từ 1993-2003), gần 1.500 ha rừng ngập mặn nguyên sinh xung quanh xã đảo Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh (được xếp vào diện độc đáo nhất miền Bắc), bị phá sạch, để nhường chỗ cho các vuông nuôi tôm… với những hứa hẹn về sự đổi đời cho cả một vùng đất. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, những chủ đầm ở Đồng Rui liên tiếp thất bại khi con tôm không thể sinh lời ở những bãi triều này. Bên cạnh đó, đời sống của đa số nhân dân trong xã cũng bị ảnh hưởng rất lớn vì bãi triều này vốn là nguồn sống của bà con, nay bị “ngăn sông cấm chợ”.
Sau bài học thấm thía này, chưa bao giờ người dân xã Đồng Rui nhận thấy rừng ngập mặn quý đến thế. Đến Đồng Rui hôm nay, nhận thấy người dân giữ gìn rừng của xã như giữ của nhà mình.
“Xẻ thịt” rừng
Không ít người e dè khi nhắc lại “cuộc cách mạng bãi triều” vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Khi ấy, sự say mê làm giàu chính đáng từ nuôi tôm khiến những người vốn yêu rừng ngập mặn nhất của xã, của huyện cũng không còn gay gắt bảo vệ khi thấy người ta phá rừng. Cả xã đảo vốn yên bình là thế bỗng rộn lên như một công trường khi người ta quai đê, đắp đầm, “xẻ thịt” những khu rừng ngập mặn. Nhà nào ít thì ngăn được gần 1 ha rừng. Những “đại gia” nhiều vốn đến từ Hải Phòng sở hữu đến vài trăm ha rừng.
Thời gian đầu, nhiều nông dân của xã cảm thấy hẫng hụt. Những bãi triều, những khu rừng ngập mặn gắn bó bao đời với nguồn lợi hải sản vô tận, nay bỗng bị “ngăn sông cấm chợ” vì rừng được giao cho các chủ đầm. Đời sống nhân dân, nhất là những hộ khó càng khó hơn. Cuộc “cách mạng” nuôi tôm bắt đầu thất bát dần từ những năm đầu thế kỷ này vì môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, tôm không thể sống được.
Đến mùa mưa bão năm 2005, những cơn sóng từ ngoài khơi không có rừng ngập mặn chặn lại mặc sức đánh tan những bờ bao đầm. Hàng tỉ đồng trôi ra biển. Từ đó đến nay, diện tích nuôi tôm ở xã Đồng Rui liên tục sụt giảm.
Năm 2006, chỉ còn 342 ha, chưa bằng một nửa so với năm 2005; tổng sản lượng tôm nuôi chỉ được 11 tấn, bằng 11,3% cùng kỳ năm 2005, và bằng với sản lượng tôm mà bà con trong xã khai thác được từ nguồn lợi tự nhiên ven bờ. 5 năm trước, tổng diện tích thả tôm của xã là hơn 1.500 ha, đến năm 2007 chỉ còn 20 hộ dân và 5 chủ đầu tư nuôi thả tôm, với diện tích 286 ha.
Theo lãnh đạo xã, sở dĩ những hộ này còn nuôi thả tôm là do tiếc vốn bỏ ra, cố vớt vát, dù hiệu quả rất thấp. Hiện có nhiều hộ nuôi tôm nợ ngân hàng với số tiền lớn, khó có khả năng chi trả.
Ngày mùa của bà con
Trong khi các chủ đầm thì buồn, nhưng bà con nông dân của Đồng Rui lại vui. Lý do là đầm không nuôi được tôm thì bà con lại có đất trồng rừng ngập mặn để khai thác thuỷ sản bền vững như bao đời nay.
Vào mùa nước cạn, cũng có nghĩa là “ngày mùa” của bà con ở xã. Một tháng có hai con nước cạn, hầu hết bà con trong xã ra rừng ngập mặn để khai thác hải sản. Mà toàn những loại giá trị cao như ngán (55.000đồng/kg), ruốc (290.000đồng/kg), ốc đĩa (180.000đồng/kg)… bán ngay tại xã. Hầu như tất cả hộ dân ở xã, hộ nào cũng đi khai thác hải sản trong rừng ngập mặn, thu nhập gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp.
Ông Trịnh Xuân Thật, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, vào mùa lấy ruốc có nhà thu tới hơn 1 triệu đồng/ngày. Bình quân thu từ ngán, ốc, vạng, cua… hơn 100.000/ngày/hộ. Chỉ hơn 1 giờ, Tằng Quay Chắn, một đứa trẻ trong xóm đã thu được 4,5 lạng ngán (24.000 đồng).
Anh Lý Quay Sằn, người Dao ở xã Đại Dực về Đồng Rui ở mới được hơn 1 năm, nhưngbắt ốc, ngán đã thành thục lắm. Mỗi ngày, trung bình anh kiếm được 40.000 đồng, đủ để cả nhàsinh sống ổn định. Chị Phạm Thị Kiền, người chuyên thu mua hải sản trong xã để bán các nơi cho biết: Mỗi ngày chị thu mua được hàng tạ ngán, ốc. Vào mùa ruốc, cảnh đi khai thác rộn ràng, tấp nập hơn nhiều.
Cả xã bảo vệ rừng
Từ năm 2003, xã Đồng Rui có chủ trương bảo vệ rừng ngập mặn, được thể hiện trong nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND, trong chương trình công tác của UBND và 4 thôn trong xã. Xã thành lập Ban quản lý rừng ngập mặn, 4 thôn có 4 ban quản lý. Mỗi ban có quy chế làm việc rõ ràng, được quy định tới từng thành viên.
Đặc biệt, quy chế khuyến khích bà con tích cực tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn. Người nào phát hiện ra có kẻ phá rừngbáo ban quản lý của thôn,được hưởng 50% số tiền mà kẻ phá rừng phải nộp phạt. Những kẻ phá rừng, ngoài nộp phạt còn bị “bêu” tên trên hệ thống loa truyền thanh của xã.
Ngoài ra, từ khi Đồng Rui được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ quản lý bền vững rừng nhiệt đới Việt Nam (EC/UNDP) tài trợ, với mục tiêu xây dựng hình thức quản lý dựa vào cộng đồng để bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện hệ sinh thái, môi trường, nhằm cung cấp nguồn lợi thuỷ hải sản tự nhiên, chống xói mòn, giữ đất phù sa, tạo nguồn thu nhập ổn định dưới tán cây rừng thì việc bảo vệ rừng ngập mặn càng được nhân dân trong xã tham gia tích cực. Bước đầu, dự án giao cho xã hơn 200 triệu đồng để duy trì 4 đội làm than tổ ong (để tránh lấy cây trong rừng làm củi đun) và cho bà con vay phân bón ruộng. Số lãi có được từ làm than và vay phân bón trả chậm được đầu tư trở lại cho hoạt động bảo vệ rừng.
Xã cũng đã kiến nghị với huyện thu hồi được 200 ha đầm nuôi tôm đã bị bỏ để giao lại cho nhân dân trồng rừng ngập mặn. Từ năm 2003 đến nay, nhân dân xã Đồng Rui đã trồng được hơn 300 ha rừng mới, trong đó có hơn 7 hado nhân dân tự ươm giống, tự trồng, không thuộc dự án.
Rừng trồng mới ngày càng cung cấp nguồn lợi lớn về khai thác hải sản. Đồng chí Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguyện vọng hàng đầu của bà con xã bây giờ là muốn huyện thu hồi lại số bãi triều đã giao nuôi tôm nhưng không sử dụng để nhân dân trồng, khôi phục lại rừng như xưa.Năm 2006, Đồng Rui khai thác được 350 tấn hải sản, trị giá hơn 2 tỷ đồng, mỗi hộ hàng chục triệu đồng. Số hộ nghèo của xã hiện chỉ chiếm 4%, thấp hơn mức trung bình của tỉnh tới 6%.
Chuyện ở Đồng Rui là một bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng ngập mặn.