Theo cảnh báo của Hiệp hội Phổi quốc tế, đến năm 2030, những bệnh liên quan đến thuốc lá có thể sẽ lấy đi sinh mạng của 10 triệu người/năm, tức tăng gấp đôi con số hiện nay.
Ngày 09/11, ông Judith Longstaff Mackay, quan chức cấp cao của Hiệp hội Phổi quốc tế (WLF) cho biết trong số người chết hàng năm đó, đa số sẽ thuộc về các nước đang phát triển.
Theo ông Mackay, hiện là điều phối viên của chương trình kiểm soát thuốc lá toàn cầu thuộc WLF, mặc dù hiện nay các thị trường thuốc lá đang thu hẹp tại các nước phát triển, nhưng lại được mở rộng tại các nước đang phát triển – nơi mà số người hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày đang tăng lên.
Là cố vấn cao cấp của WHO và cũng là một nhà phê bình về các chính sách liên quan đến công nghiệp thuốc lá, ông Mackay nói: “Hiện có khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm do lao phổi và cũng có đến 5 triệu người chết mỗi năm do các bệnh phát sinh từ thuốc lá, và các con số này đang gia tăng”.
Tại một hội nghị quốc tế gần đây về tình hình bệnh phổi, ông Mackay nhấn mạnh: “Đến năm 2030, con số 5 triệu đó sẽ tăng đến gần 10 triệu, tức là tăng gấp đôi, và sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với các nước đang phát triển”.
WLF hiện đang hợp tác với các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình sức khỏe liên quan đến phổi.
Theo WLF, hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư phổi, họng, bàng quang và các bệnh nghiêm trọng khác.
Theo ông Mackay, dù đã có quá nhiều bằng chứng khoa học về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người, nhưng càng ngày càng có nhiều người hút thuốc. Theo ước tính, số lượng người hút thuốc sẽ tăng lên đến 1,64 tỉ người vào năm 2030 so với 1,3 tỉ hiện nay.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, doanh số của công nghiệp thuốc lá toàn cầu được ước tính ở mức hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Trung Quốc và Hoa Kỳ đang là 2 nước sản xuất thuốc lá lớn nhất trên thế giới.
Hiệp hội này mô tả Trung Quốc như là “một quả bom nổ chậm” với khoảng 320 triệu người đang hút thuốc, trong khi ở Mỹ, cứ 5 trường hợp tử vong thì có gần 1 trường hợp phát sinh từ thuốc lá.
Theo ấn bản năm 2006 của The Tobacco Atlas (tạm dịch: Bản đồ thuốc lá), 4 quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng nam giới hút thuốc lá là Yemen, Djibouti, Cambodia và Trung Quốc.
Ông Mackay nói: “Riêng ở châu Á, cùng với sức mua đang tăng trên thị trường và sự thành công trong kinh doanh ngày càng nhiều, thì người dân ngày càng mua thuốc lá nhiều hơn”.
Tuy nhiên, ông cho rằng bằng cách ban hành lệnh cấm hút thuốc ở nơi công cộng và cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, một số nước đang phát triển đang thu được kết quả tốt trong việc giảm số lượng người hút thuốc.