Chương trình về Thái độ đối với Chính sách Quốc tế (PIPA) và tổ chức GlobeScan vừa công bố kết quả cuộc điều tra dư luận toàn cầu, theo đó, hàng triệu người trên thế giới sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân, kể cả việc chấp nhận trả phí và thuế cao hơn để giúp khắc chế tình trạng khí hậu trái đất thay đổi.
Kết quả cuộc điều tra, lấy ý kiến 22.000 người ở 21 quốc gia cho thấy, 83% những người được hỏi ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách sống để góp phần cắt giảm khí thải CO2, hiện đang làm khí hậu ấm lên.
Steven Kull, Giám đốc PIPA, cho biết mọi người trên thế giới đều nhận thức rằng để ngăn chặn sự thay đổi khí hậu, con người cần phải thay đổi thái độ và cách ứng xử.
Tại 14 trên tổng số 21 nước, 61% số người được hỏi cho rằng, cần phải tăng giá nhiên liệu để khuyến khích nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2. Theo các nhà khoa học, việc đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện và chạy các phương tiện giao thông vận tải đang thải ra nhiều khí CO2 có hại vào khí quyển – việc sẽ đẩy nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng khoảng 1,8oC – 4oC ở thế kỷ này, gây lụt lội, bão tố và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh nghèo đói, khó khăn.
Có nhiều người đồng tình với đề nghị đánh thuế (chống sự thay đổi) khí hậu hơn so với biện pháp tăng giá nhiên liệu, trừ khi nguồn thu này được sử dụng để tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng hoặc phát triển nguồn năng lượng sạch. Chủ tịch của GlobeScan Doug Miller cho biết, mặc dù số công dân hoan nghênh các mức thuế cao là không nhiều nhưng lãnh đạo các nước có thể thành công trong việc ban hành một loại thuế đánh vào khí CO2 thải ra do sử dụng năng lượng”.
Vấn đề thuế thay đổi khí hậu sẽ được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp về môi trường do Liên Hợp Quốc tổ chức ở đảo Bali (Inđonesia) vào tháng 12 tới, khi nhiều nước thúc giục khởi động cuộc thảo luận về Nghị định thay thế Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải CO2 sẽ hết hạn vào năm 2012.