Bức xúc với rác nội thành bao nhiêu thì với các huyện ngoại thành rác còn bộn bề gấp nhiều lần. Đi vào các làng, các xã đâu đâu cũng gặp rác. Mà không phải chỉ là chuyện vứt bừa bãi, nó còn được gom thành đống chình ình ngay cổng làng, cổng trường học…!
Rác từ chợ
Không cần phải điều tra xã hội học gì sâu xa, cứ “tham quan” một vòng các huyện: Từ Liêm, Thanh Trì, Sóc Sơn… là thấy. Người dân “sống chung với rác”. Bất kỳ chỗ nào có thể vứt là thấy rác, một khoảng đất trống ở bất kỳ đâu, ngay lập tức nó sẽ trở thành đống lớn. Thậm chí, đến đồ ăn, thực phẩm hàng ngày không dùng hết bị ôi thiu người ta cũng thải ngay ra đường, chỉ cần biết ra khỏi nhà mình là ổn. Khu gần kề nội thành thì có vẻ sáng sủa hơn, người dân cũng có ý thức để rác gọn vào một nơi chờ người đến thu gom nhưng các địa phương như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay.
Bừa bộn nhất phải kể đến rác thải tại các chợ, từ chợ cóc, chợ tạm đến chợ chính, đặc biệt tại các chợ cóc. Rác của hàng rau quả, rác hàng cá, hàng thịt, cộng thêm “món” nước thải của hàng gà, hàng ăn cứ đổ thẳng ra đường. Ruồi nhặng thấy có điều kiện sinh sôi nảy nở cũng kéo nhau về bu đen đỏ. Ai một lần chứng kiến cảnh chợ cóc, chợ tạm tại các huyện ngoại thành tan tầm không khỏi lắc đầu ngán ngẩm. Ngày này qua ngày khác, quanh khu vực chợ cóc hình thành nên vô khối đống rác, đống lớn, đống bé thi nhau bốc mùi.
Chợ cóc Đình làng Mạc – Liên Mạc – Từ Liêm, ngày nào cũng tấp nập người mua kẻ bán từ tờ mờ sáng, nhưng chỉ họp đến 8 giờ là tan. Trước kia chợ họp ngay trên con đường Liên Mạc, nhưng vì người dân phản ánh quá nhiều, vì gây ùn tắc giao thông, làm mất mĩ quan… nên người ta dời xuống khu Đình làng họp.
Dù chỉ cách đó hơn 1km là chợ chính nhưng do thói quen mua bán chợ cóc ngày càng hoạt động náo nhiệt hơn. Đoạn đường làng khoảng gần 1km bị chiếm dụng làm chợ, trời không mưa mà nước lênh láng, rồi người ta thải ra đủ các loại rác: rau úa, rau sâu, vỏ cam, vỏ mía… quanh mấy hàng bán cá, một thứ nước đỏ nhờ nhờ với mùi tanh nồng. Khách hàng vào mua cá phải kéo cao ống quần, nhón chân lên bước từng bước thận trọng như sợ đường trơn. Hơn 8 giờ sáng, chợ tan người hết, cả đoạn đường ngập lên những rác là rác, chẳng ai quét dọn.
Khu gầm Cầu Thăng Long, khoảng 3-4 giờ chiều hình thành một chợ cóc. Chợ cóc này tập hợp những hàng mà người ta bán không hết từ sáng, trên đường về, qua đây dừng lại bán và cứ thế thành cái chợ. ở đây cũng bán đủ thứ, từ thịt, cá đến rau quả…và người mua cũng rất nhộn nhịp.
Đoạn đường này lượng xe lưu thông khá đông, đặc biệt là xe tải, mỗi khi qua, còi rú ầm ĩ, lại thấy cảnh người bê mẹt, người bê bàn chạy tạt vào lề đường, xe qua lại chạy ra ngồi bán tiếp. Và kết thúc buổi họp chợ, vẫn là cảnh rác rưởi la liệt. Dù đoạn đường này cũng đã có người đi quét dọn rác nhưng lại… không vào giờ chợ tan. Thành thử, rác cứ theo bánh ôtô vào thành phố.
Rác về nơi cư trú
Thải rác bừa bãi tại các chợ đã đi một lẽ, đằng này, quanh khu vực sinh sống cũng vẫn vô tư xả rác. Ngoài đường làng, trong ngõ, lối vào đập vào mắt là những đống rác chình ình, có khi nó không thành đống mà rải rác khắp dọc đường. Con đường 70 chạy qua xã Đại Mỗ – Từ Liêm một đoạn ngắn chừng 1,5km nhưng có đến 3-4 đống rác ngay lề đường. Đầu đường vào đã ngợp vì rác, túi nilon, đồ xốp bọc hoa quả… trắng đường, mỗi khi có xe ôtô hay một trận gió đến thổi bay tứ tung.
Đi thêm một đoạn, lại một đống rác, mấy chị công nhân môi trường đô thị nai lưng đẩy những xe rác đầy có ngọn về đổ. Mà không hiểu sao, xã lại bố trí bãi rác ngay sát đường giao thông, có lẽ để tận thu dùng rác san lấp ao hồ. Còn mùi thì không cần phải nói, vì những đống rác đó không hề được xử lý theo bất kỳ một quy trình nào, cứ thu gom rồi mang đổ tập trung lại.
Xã Hữu Hòa – Thanh Trì, hai xóm Tả Thanh Oai và xóm Cầu dọc theo con sông Nhuệ ngập những rác hai bên triền sông. Khổ một nỗi, con sông Nhuệ nước vốn đã ô nhiễm, đen sánh như nhớt thải xe môtô, mới chạm đầu làng đã thấy mùi thum thủm. Thêm vào đó, xã Hữu Hòa còn có nghề làm miến, nước thải cũng chảy luôn vào sông Nhuệ. Dù người dân ở đây cho biết, xã cũng có đội ngũ thu dọn rác, nhưng do người dân không có thói quen mang rác để tập trung, cứ ra sông mà vứt, nước lên lại trôi đi.
Song nước sông Nhuệ không đủ sức trôi hết rác, thành thử rác ứ đọng lại thành từng mảng, dật dờ nổi trên mặt sông đen ngòm, khiến cho bầu không khí càng trở nên ngột ngạt đến khó thở. Không những vậy, người dân nơi đây còn mang theo cả thói quen sống chung với rác ấy trong sản xuất thực phẩm.
Do không có chỗ phơi, người ta tận dụng cả bờ sông, mặt sông Nhuệ làm nơi phơi. Bắc giàn như giàn bầu, giàn mướp rồi cho miến, bánh đa lên đó phơi. Thói quen xả rác bừa bãi thật khó mà thay đổi. Chẳng nơi đâu mà người dân không vứt rác, thậm chí nhiều nơi là bộ mặt của cơ quan, đơn vị cũng rác thành đống bừa bãi.
Cổng trường THCS Tây Tựu – Từ Liêm hết đống rác lớn đến đống rác bé, không hiểu là rác của người dân xung quanh thấy đất khu cổng trường rộng rãi lại chẳng thuộc của ai nên cứ đấy mà đổ, hay rác từ trong trường thải ra. Ngay cổng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng tồn tại một đống rác cạnh điểm chờ xe buýt. Giờ bình thường không sao, giờ cao điểm sinh viên tan trường, kẻ chen, người lấn đứng cả lên đống rác mà chờ xe.