Một tương lai khủng hoảng năng lượng là không còn xa, và việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (như: thủy điện nhỏ, phong điện, năng lượng mặt trời, sinh khối…) để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống (như: than, dầu, khí,… – những nguồn năng lượng vừa có hạn, vừa phát thải khí nhà kính, gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu) là một nhu cầu cấp bách.
Nước ta có rất nhiều điều kiện phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Lợi ích đem lại từ việc này rất lớn. Không chỉ đảm bảo về an ninh năng lượng, giữ sạch được môi trường, việc phát triển năng lượng tái tạo còn đem lại một nguồn lợi mới không nhỏ nghe rất “lạ tai”. Đó là việc ta có thể “xuất khẩu” chỉ tiêu giảm khí phát thải cho các nước công nghiệp phát triển theo “cơ chế phát triển sạch” (CDM: Clean Development Mechanism) đem về nhiều tỷ đồng.
Bàn về vấn đề này, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Nguyên – chuyên viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường (Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam)
Phóng viên (PV): Thưa tiến sĩ, xin ông cho biết hiện trạng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Nguyên (NTN): Nước ta ở vào vị trí có rất nhiều điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng cho tới nay việc sử dụng nguồn này mới chỉ chiếm 1% trong tổng công suất điện cả nước.
Việc đa dạng hóa năng lượng có thể đầu tư tương ứng với từng vùng. Thủy điện nhỏ ở miền núi; phong điện ở các tỉnh duyên hải; năng lượng mặt trời ở Tây Bắc, miền Trung, miền Nam; năng lượng sinh khối (biomass, biogas, bioetanol, biodiezen…) từ các bãi rác, khu chăn nuôi, nhà máy mía đường, nhà máy dầu dừa, cọ, trẩu… dùng để đun nấu, chạy xe thay cho xăng.
Hiện nay công ty taxi cơ khí Ngô Gia Tự và taxi ga Petrolimex đã chuyển đổi được 80 xe ôtô chạy ga. Đại học Đà Nẵng đã tiến hành thử nghiệm sản xuất bộ chuyển đổi xe máy, ô tô chạy ga thành công…
PV: Tiềm năng thực tế của các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam có thể đạt tới chỉ số nào, thưa ông?
NTN: Chúng ta chưa có một chiến lược tổng thể về vấn đề này, hiện nay Bộ Khoa học – Công nghệ mới đang soạn thảo chính sách phát triển năng lượng tái tạo trình Chính phủ. Dự kiến Việt Nam sẽ phấn đấu để tỉ lệ năng lượng tái tạo tới năm 2010 chiếm khoảng 3% tổng công suất năng lượng (tính ra điện) và gấp đôi (6%) cho tới năm 2030. Tỉ lệ này vẫn thấp hơn so với tiềm năng có thể đạt được…
PV: Việc phát triển năng lượng tái tạo đem lại nhiều mối lợi, một trong những mối lợi “tươi sống” là việc bán lại chỉ tiêu giảm khí phát thải cho nước ngoài. Xin ông giải thích kỹ về cơ cấu này?
NTN: Bắt đầu manh nha từ 1997, các nước công nghiệp phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto buộc phải cắt giảm lượng khí phát thải nhất định (CO2). Sau khi Nghị định có hiệu lực (02/2005), từng nước chia đều lượng khí thải phải cắt giảm cho các doanh nghiệp (ở EU, nếu không cắt giảm, sẽ bị phạt 100 euro/tấn CO2, họ làm rất nghiêm). Nhưng ở các nước công nghiệp phát triển, để cắt giảm 1 tấn khí phát thải (CO2) giá rất đắt, khoảng xấp xỉ 50 euro. (Bởi vì công nghệ của họ đã hoàn thiện, đưa vào sản xuất và phát ra khí thải rồi, nếu muốn cắt giảm, họ buộc phải hủy bỏ công nghệ đó đi, cũng có nghĩa là phải đình giảm sản xuất).
Trong khi đó, nếu mua chỉ tiêu giảm khí phát thải ở các nước đang phát triển thì giá rẻ hơn, chỉ khoảng 5 euro, hoặc 7 USD/1tấn. Thế là họ tìm đến các nước đang xây dựng công nghiệp, tìm cách đầu tư vào việc phát triển nguồn năng lượng “sạch”. Sau đó, họ mua lại chỉ tiêu giảm khí phát thải do việc sản xuất năng lượng “sạch” sinh ra để về bù vào số lượng khí thải phải cắt giảm trên thực tế rồi trình cơ quan giám sát việc thực hiện Nghị định. Người mua cũng hời, vì đỡ được tiền cắt giảm công nghệ, người bán thì vừa có tiền, vừa không phải hít khí độc. Hiện nay thị trường buôn bán, môi giới CDM khá sôi động. Khi phát triển đầy đủ, tiền lưu thông hàng năm của thị trường này có thể lên tới khoảng 100 tỷ USD/năm…
“Chỉ tiêu giảm khí phát thải” là gì? Chỉ tiêu giảm khí phát thải được hiểu như sau: Để sản xuất ra một số điện (1 kw.h) bằng than hoặc dầu, thì lượng khí thải CO2 do than và dầu bị đốt sinh ra là khoảng 1kg khí CO2. Nếu số điện này được sản xuất bằng thủy điện, hoặc phong điện, thì sẽ không sinh ra 1kg khí CO2 kia. Vậy có nghĩa là cứ sản xuất ra bao nhiêu số điện “sạch” bằng thủy điện và phong điện, thì giảm được bấy nhiêu kg khí CO2 thải vào không khí. Chỉ tiêu sản xuất ra điện “sạch” cũng tương ứng với chỉ tiêu giảm khí phát thải. Các nước sản xuất điện “sạch” có quyền đem bán chỉ tiêu giảm khí phát thải này (tương ứng với số điện sạch họ đã sản xuất ra) cho một nước khác. Vì Nghị định thư Kyoto cho phép mua 10 – 15% chỉ tiêu giảm khí phát thải ở nơi khác để bù vào lượng khí thải phải cắt giảm thực tế. |
PV: Xin ông cho biết tình hình”cơ chế phát triển sạch” (CDM) của ta và của các nước Châu Á khác hiện nay.
NTN: Trung tâm của tôi hiện nay đang là đại diện duy nhất của Asia Carbon Group, (một tập đoàn các công ty buôn bán, môi giới CDM có văn phòng ở nhiều quốc gia Châu Á). Và hiện tại, Trung tâm cũng là nơi duy nhất có thể đứng ra đại diện để bán chỉ tiêu giảm khí phát thải tại Việt Nam.
Vừa rồi chúng tôi đã ký kết hợp đồng bán chỉ tiêu giảm khí phát thải được cho ba dự án là: Dự án phong điện Phương Mai (Bình Định), thủy điện Sông Côn (Quảng Nam) và thủy điện Ngòi Đường (Lao Cai). Cả 3 sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2008. Tổng số tiền phía đối tác đầu tư vào chi phí phát triển dự án (giống như tiền “đặt cọc”, để khi các nhà máy trên hoạt động thì người đặt cọc có quyền mua chỉ tiêu giảm khí phát thải) của cả ba dự án là khoảng 240.000 USD. Ví dụ, thủy điện Sông Côn có tổng vốn đầu tư xây dựng 1000 tỷ, khi đi vào vận hành thì có thể bán được khoảng 12 tỷ đồng/chỉ tiêu CDM/ năm. Số tiền này tính vào lãi ròng thì rất lớn…
Hiện nay, ở Châu Á, việc buôn bán chỉ tiêu giảm khí phát thải nhộn nhịp nhất ở hai nước Trung Quốc và Ấn Độ. Khu vực Đông Nam Á thì các nước Thái Lan, Malaysia đang đi đầu. Việt Nam ta chỉ mới bắt đầu tham gia vào thị trường này.
PV: Xin ông cho biết lợi – hại của việc buôn bán trong thị trường này?
NTN: Có ba cái lợi: 1. Ta bán được tiền 2. Ta có cơ hội chuyển giao được công nghệ tiên tiến về phát triển năng lượng sạch 3. Là một kênh mới thu hút đầu tư. Còn hại thì tôi chẳng thấy hại gì. Chỉ có điều là thủ tục nó phức tạp, phải có chuyên gia tư vấn mới thực hiện được. Vì thứ “hàng” để đem bán này là thứ không sờ, không thấy, không tồn trữ được, nên cả hai bên mua và bán đều muốn “tâng” nó lên. Nếu việc mua bán không xác thực thì chỉ môi trường thế giới là có hại. Do vậy, quy trình để tính toán và kiểm tra CDM rất phức tạp.
Khi thị trường CDM đi vào hoàn chỉnh, thế giới họ sẽ cử các công ty kiểm định vào Việt Nam để kiểm định chỉ tiêu CDM tính theo số điện sạch đã được sản xuất và cấp chứng chỉ. Chỉ tiêu CDM khi có chứng chỉ sẽ bán được đắt gấp đôi (khoảng 10 euro/tấn CO2) so với việc “bán thô” ngay tại các cơ sở năng lượng. Số tiền bán chỉ tiêu phát thải này sẽ rất lớn, nếu cộng tất cả số điện “sạch” được sản xuất trên cả nước (Chỉ nguyên số điện được sản xuất của thủy điện Hòa Bình đã lên tới 2000 MW/năm. Nếu nhân 1số điện (1kw.h)= 1kg khí thải = 5 euro với 2000 MW, sẽ thấy số tiền thu được có khả năng lớn đến thế nào)
Tuy nhiên, để có chứng chỉ này cũng không phải việc dễ dàng vì quốc tế họ kiểm tra rất chặt quá trình sản xuất năng lượng sạch. Nhưng thực tế, nếu tăng đầu tư vào phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta có thể giàu to vì đi bán tiềm năng “sạch” của chính chúng ta…
1. Thủy điện nhỏ trên cả nước Việt Nam, công suất hiện tại mới chỉ đạt 300 MW. Tiềm năng là 2000 MW (tương đương với công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình) 2. Phong điện: Tại Việt Nam mới chỉ có 1 cột gió tại Bạch Long Vĩ hoạt động với công suất 850 KW, 135 cột gió khác do Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh lắp đặt ở trên 20 tỉnh và 50 cột gió do Pháp hỗ trợ lắp đặt tại Cần Giờ. Tuy nhiên, những cột gió này có công suất thấp, chỉ sử dụng cho hộ gia đình, và ít thành công do không được bảo dưỡng. Hai dự án lớn xây nhà máy phong điện tại Bình Định và Khánh Hòa với tổng công suất 55 MW thì mới đang được thực hiện. Tiềm năng điện gió ở nước ta (tốt nhất Đông Nam Á) có thể đạt hơn 400 MW vào năm 2020. 3. Sinh khối và năng lượng mặt trời: Hiện cả nước có 33 nhà máy sử dụng hệ thống phát nhiệt điện từ bã mía với công suất 130 MW. Nguồn sinh khối chủ yếu ở Việt Nam từ trấu, bã mía, sắn ngô, rỉ đường, quả có dầu, gỗ, phân động vật, rác sinh học đô thị,… có thể lên tới trên 350 MW. Tiềm năng của biogas có thể lên tới 10 tỉ m3/năm (1m3 khí tương đương với nửa cân dầu)… 4.Năng lượng mặt trời: do điện mặt trời còn đắt (khoảng 6000 đ /kw.h) nên chưa được dùng rộng rãi. Hiện nay mới chỉ có các hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời được ứng dụng. Tiềm năng bức xạ mặt trời tính trung bình trên toàn quốc là 4 – 5 kw.h/m2 mỗi ngày. |