ThienNhien.Net – “Trong khi thế giới đã đạt được những bước tiến triển quan trọng giúp người dân có điều kiện tiếp cận với nước sạch tốt hơn thì vấn đề vệ sinh môi trường vẫn đang bị tụt hậu.” Đó là thông điệp mà bà Anna Tibaijuka, giám đốc điều hành về nơi cư trú của Liên Hợp Quốc, gửi đến hội nghị thượng đỉnh về vệ sinh thế giới diễn ra ở New Delhi, Ấn Độ cuối tháng 10 vừa qua. Có một sự thật rằng tỷ lệ dân số đô thị vùng cận Saharan châu Phi, vùng phía Nam và Tây châu Á được tiếp cận với điều kiện vệ sinh mới chỉ là 55 – 69%.
Sự thiếu cơ hội tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản không chỉ vi phạm quyền lợi của người dân nghèo đô thị mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Mối liên hệ giữa tình trạng nghèo đói tại các đô thị và sự suy giảm sức khỏe chính là kết quả của việc sử dụng các thiết bị vệ sinh không phù hợp và cung cấp nước không an toàn.
Vấn đề vệ sinh hiện đã bắt được quan tâm đưa vào các chương trình ưu tiên cấp quốc gia, nhận được sự hỗ trợ về mặt chính sách và được phân bổ ngân sách. Tuy nhiên, bà Anna nhấn mạnh rằng việc huy động vốn đầu tư nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng và dịch vụ nước, nước thải cho bộ phận dân cư đang bị lãng quên này là cực kỳ quan trọng. Việc quản lý các điều kiện về vệ sinh và an toàn nước sạch cho phần đông dân cư, đặc biệt là phụ nữ, bằng công nghệ đơn giản có thể tiết kiệm được một lượng chi phí lớn về thiết bị mà vẫn đảm bảo được công bằng.
“Sự thiếu thốn các trang thiết bị vệ sinh cần thiết là hậu quả trực tiếp và tồi tệ của đói nghèo”, Anna Tibaijuka. |
Vào năm 2000, các nhà lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia đã nhóm họp và cam kết giảm một nửa tỷ lệ dân số chưa được tiếp cận với nước sạch vào năm 2015 (Chiến lược thiên niên kỷ, mục tiêu số 7 và mục tiêu số 10). Năm 2002, nhóm đã bổ sung thêm một mục tiêu – giảm một nửa dân số chưa được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản vào năm 2015.
Liên Hiệp Quốc cũng đã ra tuyên bố rằng năm 2008 sẽ là năm của an toàn vệ sinh quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vệ sinh và tác động của nó đến các mục tiêu phát triển toàn cầu khác.