Như thể có hàng chục bóng đèn tí hon giấu trong cơ thể, một sinh vật giống cá phát ra những đốm sáng huỳnh quang – khả năng trước kia được xem là chỉ có ở san hô và sứa.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những sinh vật lưỡng tiêm này, còn gọi lancelet, chứa các protein huỳnh quang màu xanh lục có thể hoạt động giống như tấm khiên che nắng hoặc chống đỡ stress, giúp bảo vệ nó khỏi những thay đổi của môi trường.
Phát hiện chứng tỏ hiện tượng huỳnh quang (khác với hiện tượng phát quang sinh học) có thể phổ biến trong thế giới động vật nhiều hơn chúng ta tưởng.
Sự khác nhau giữa huỳnh quang và phát quang sinh học
Mặc dù số loài có thể phát sáng trong giới động vật rất đa dạng, với nhiều mẹo khác nhau, nhưng không phải tất cả trong số chúng đều được xem là phát huỳnh quang.
Chẳng hạn, nhiều con cá sống dưới biển sâu như viperfish và anglerfish có thể phát quang sinh học – kết quả của những phản ứng hoá học khiến con vật giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng.
Một dạng phát sáng khác thường thấy trong vài loại khoáng vật được gọi là lân quang: quá trình mà năng lượng được hấp thụ vào vật chất, và sau đó giải phóng ra từ từ dưới dạng ánh sáng.
Trái lại, huỳnh quang xảy ra khi ánh sáng được hấp thụ ở một bước sóng và sau đó tái phát ra ở một bước sóng khác gần như tức khắc.
Những con lancelet là ví dụ độc đáo về một nhóm sinh vật có khả năng huỳnh quang. Sống trong các vùng ven biển, nhóm sinh vật này vùi mình dưới cát và chỉ nhô đầu lên để tiếp xúc với dòng hải lưu chảy qua.
Dimitri Deheyn từ Viện Hải dương học Scripps ở La Jolla, California, Mỹ đã khám phá ra các protein huỳnh quang này sau khi phân tích các mẫu vật tìm thấy ở bang Florida dưới ánh sáng xanh lơ (ánh sáng chuyên để kích hoạt hiện tượng huỳnh quang).
Các protein này rất giống với những protein tìm thấy ở san hô – nhóm sinh vật đã phân ly khỏi chúng hàng tỷ năm tiến hoá. Phát hiện chứng tỏ khả năng huỳnh quang được bảo tồn và có thể đã đóng vai trò quan trọng nào đó.