Tuy kinh tế còn khó khăn song hai năm gần đây, xã Thanh Lâm (huyện Lục Nam, Bắc Giang) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhiều tuyến kênh mới và trạm bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, được đánh giá là xã dẫn đầu toàn huyện về công tác thủy lợi. Có được kết quả đó là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng các công trình thuỷ lợi.
Trước đây, xã có 20km kênh nội đồng, hầu hết hệ thống này được đào đắp từ 30-40 năm trước. Do lòng kênh hẹp, bị bồi lắng nên nguồn nước thường xuyên thất thoát, thời gian dẫn nước tưới kéo dài. Sau nhiều năm, diện tích đất canh tác trên địa bàn được mở rộng so với trước nên mạng lưới kênh cũ không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, một số thôn không có mương đưa nước tới ruộng.
Là địa phương có thể phát triển rau màu thực phẩm nhưng do khó khăn về nước tưới nên khó mở rộng quy mô sản xuất, nhất là vụ đông…
Trước thực tế đó, UBND xã đã lấy ý kiến nhân dân về phương án đầu tư làm mới và cải tạo hệ thống công trình thủy lợi. Sau khi xây dựng kế hoạch, nhiều người dân hồ hởi hưởng ứng nhưng cũng có ý kiến chưa nhất trí vì cho rằng việc huy động số vốn hàng trăm triệu đồng là rất khó và phương án bồi thường giải phóng mặt bằng có bảo đảm quyền lợi cho những hộ bị thu hồi đất hay không?
UBND xã đã đa dạng hình thức huy động vốn, đó là: từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động người dân đóng góp thêm ngày công lao động làm các hạng mục đơn giản. Lãnh đạo xã thường xuyên đến các thôn tổ chức họp dân trong diện phải “giải tỏa”; tuyên truyền sâu rộng cho bà con hiểu tác dụng của hệ thống công trình thủy lợi mang lại; đồng thời miễn giảm phí đóng góp đối với các hộ có diện tích đất bị thu hồi.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên khâu giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng. Trong quá trình thi công, các thôn cử đại diện giám sát về kỹ thuật, tài chính, theo dõi tiến độ thi công…
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, việc huy động vốn đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương khá thuận lợi, chất lượng công trình được bảo đảm. Đến nay, hơn 1,5 km kênh chính và hàng chục km kênh nhánh được làm mới.
Ngoài ra, bằng vốn hỗ trợ của Chi cục HTX và Phát triển nông thôn Thanh Lâm xây mới một trạm bơm tưới với kinh phí 41 triệu đồng. Việc nạo vét, tu bổ các tuyến kênh mương cũ cũng được UBND xã tổ chức thường xuyên. Nhờ cải tạo hệ thống thuỷ lợi, sản xuất nông nghiệp ở Thanh Lâm đã có bước chuyển đáng kể. Diện tích tưới chủ động vụ đông đã tăng 80 ha so với trước. Năm 2005, năng suất lúa bình quân của xã chỉ đạt 170 kg/sào/vụ thì nay đã đạt xấp xỉ 200 kg/sào/vụ.
Chị Trần Thị Lý, thôn Dĩnh Bạn cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào ruộng, trước đây chỉ cấy hai vụ lúa, nhiều năm bị mất mùa bởi khô hạn. Nhờ có tuyến kênh mới không những việc gieo cấy lúa thuận lợi hơn mà còn canh tác thêm được vụ đông”.
Được biết, bước vào mùa khô năm nay, Thanh Lâm tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện và ngân sách xã xây mới một trạm bơm cung cấp nước tưới cho hơn 100 ha đất canh tác thuộc các thôn: Giàng, Buộm, Sơn Đình 1.., đồng thời kiên cố hóa các tuyến kênh đầu mối đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.