Từ khi cửa sông Cầu Cốc thường xuyên bị đóng âu ngăn nước vào, khu vực này thành nơi ứ đọng chất thải và vứt rác, chợ tre luồng trên sông càng bốc mùi xú uế. Không gian quánh đặc mùi tre luồng ngâm khiến người qua đây phải nín thở.
“Ao tù”… trên sông
Sông Cầu Cốc thuộc hệ thống sông Nhà Lê, có chiều dài chảy qua địa phận TP.Thanh Hoá khoảng 18 km, trong đó 3 km thuộc các phường: Lam Sơn, Đông Sơn và xã Đông Hưng đang trở thành “ao tù” ngâm tre luồng và ném, xả chất thải vô tội vạ.
Trước đây mực nước sông Cầu Cốc thường xuyên được lưu thông, nước sông lên xuống theo mực nước biển nên nước thải được cuốn theo thuỷ triều, không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của người dân ven sông. Kể từ khi cửa sông Cầu Cốc thường xuyên bị đóng âu (ngăn cửa sông không cho nước ra vào thường xuyên) khiến cho dòng chảy của sông không thể lưu thông được, nên chất thải ứ đọng trên sông ngày càng nhiều.
Tại TP.Thanh Hóa, đứng từ trên Cầu Cốc nhìn xuống dưới sông, thấy hàng triệu cây tre, luồng được người dân mua từ các huyện miền núi đưa về, thả bè ngâm rồi trải dài bán buôn trên khắp mặt sông. Đây được xem là chợ lâm sản duy nhất của TP.Thanh Hoá. Mùi hôi thối nồng nặc từ nước sông bốc lên khiến người qua sông phải nín thở, lấy tay che miệng.
Ông Nguyễn Công Bình, trưởng phố 18, phường Lam Sơn – nhà ngay cạnh sông than phiền: “Con sông trước đây vốn là dòng chảy lên xuống theo thuỷ triều của nước biển. Gần chục năm nay cửa sông thường xuyên bị đóng âu, nước tù đọng trở thành nơi ngâm tre luồng khiến, nước sông đổi màu đen quánh, bốc mùi nồng nặc rất khó chịu”.
Ven theo hai bên bờ sông ô nhiễm, một cảnh tượng đập vào mắt người qua đường là những bịch rác thải được người dân ném xuống sông nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chị Hoa, một hộ dân sống ven bến sông thuộc phường Lam Sơn nói: “Mấy hôm nay như thế này là còn đỡ đấy! Vào mùa dịch gia súc, gia cầm, chó, gà, vịt chết bị vứt xuống sông bốc mùi khủng khiếp. Chúng tôi không thể chịu nổi nên đành phải tự bỏ tiền thuê người vớt lên đem đi nơi khác chôn”.
Một nguyên nhân nữa khiến sông Cầu Cốc ngày càng ô nhiễm nặng, là do con sông này hứng gần hết lượng nước thải từ hệ thống kênh rạch thoát nước của các cụm dân cư ven sông. Tiêu biểu là hệ thống các cống thải: Đường Tống Duy Tân – Cầu Cốc, Ba Lít chảy qua kênh Vinh ra Cầu Cốc, Chi Giang 23 (QL.1A) xuống Cầu Cốc.
Ông Lê Nguyên Hoa, 75 tuổi, xã Đông Hưng – người sống hơn 20 năm ven sông Cầu Cốc cho biết: “Dòng sông vốn đã ô nhiễm do ngâm tre, luồng và rác thải của người dân ném xuống, nay lại bị thêm nước thải từ trong thành phố xả ra ngày càng nhiều nên nước sông đã chuyển màu đen ngòm. Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân ven sông. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền mong được xử lý, khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì”.
Tình trạng ô nhiễm tại sông Cầu Cốc đang gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân xung quanh, nhất là người già và trẻ em. Bà Hoan, 70 tuổi, hàng ngày ngồi bán hàng tạp hoá bên ven sông Cầu Cốc, phường Lam Sơn than phiền: “Tôi tuổi già, nhưng hàng ngày vẫn cứ phải ngửi mùi xú uế từ sông bốc lên nên thường xuyên bị nhức đầu, xổ mũi. Nhiều hôm chỉ ngửi mùi nước ngâm tre, luồng là người tôi nôn nao không chịu được nên đành phải đóng cửa quán…”.
Trên thực tế nguồn nước tại sông Cầu Cốc mỗi tháng vẫn được Công ty Thuỷ nông Thanh Hoá (Sở Nông nghiệp Thanh Hoá) mở âu từ 3 đến 4 lần, nhưng do lượng nước thải ở sông lại quá lớn nên không thể lưu thông hết được, khiến cho nước sông ô nhiễm lại ngày càng ô nhiễm hơn.
Một người dân ven sông phân trần: “Hết ngâm tre luồng, trồng rau muống rồi lại ném, xả rác, nước thải vô tội vạ xuống sông thì làm sao nước thải lưu thông được, trong khi đó một tháng bên thuỷ nông lại chỉ mở âu 3 đến 4 lần”.
Mỏi mòn chờ dự án cải tạo
Qua tìm hiểu và trao đổi với người dân ven sông Cầu Cốc, được phản ánh: Đã nghe có dự án cho di dời chợ lâm sản đi nơi khác để nạo vét, kè hai bên bờ sông, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì.
Ông Lê Quang Vân, Chủ tịch UBND Phường Lam Sơn cho biết: “Trước tình hình ô nhiễm tại sông Cầu Cốc, Phường đã nhiều lần kiến nghị lên UBND TP.Thanh Hoá yêu cầu Công ty Thuỷ nông Thanh Hoá cho mở âu thường xuyên để lưu thông dòng nước chảy, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được điều chỉnh. Một tháng sông Cầu Cốc chỉ được mở âu từ 3-4 lần nên không thể làm thay đổi dòng nước ô nhiễm.” Còn việc chợ Lâm sản ngâm tre, luồng dưới sông, ông Vân cho biết thêm, phường cũng đã đề nghị với UBND TP.Thanh Hoá cho di dời đi nới khác nhưng hiện vẫn chưa tìm được chỗ di chuyển hợp lý.
Ông Nguyễn Quang Hải, Chánh văn phòng UBND TP.Thanh Hoá cho biết: Việc chợ Lâm sản (ngâm tre, luồng) tại sông Cầu Cốc gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, TP.Thanh Hoá đã có dự án di dời chợ này đi nơi khác nhưng hiện chưa tìm được nơi di chuyển hợp lý. Hiện tại vẫn phải cho người dân tập kết tre luồng tại sông Cầu Cốc một thời gian nữa, rồi tiến tới thành phố sẽ có phương án di dời cụ thể.
Về dự án kè hai bên bờ sông Cầu Cốc, ông Hải cho biết: “Đây là dự án của Bộ Nông nghiệp, hiện dự án này mới được phê duyệt xong và đang tiến hành thiết kế kỹ thuật. Nếu dự án này được thực hiện, nhanh nhất thì cũng phải đến đầu năm 2008 mới có thể triển khai thi công.”
Ông Hải cũng nhận định việc đóng mở âu của Cty Thuỷ nông Thanh Hoá là chưa hợp lý, UBND Thành phố cũng đã kiến nghị nhiều lần với Công ty Thuỷ nông cần cho mở âu thường xuyên hơn, nhưng họ đưa ra lý do: Phải đóng âu để cân đối, điều hoà mực nước cho đồng ruộng, nên không thể đóng mở âu liên tục được.
Từ thực tại ô nhiễm tại sông Cầu Cốc, thiết nghĩ bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần sớm cho di dời chợ lâm sản và tiến hành kè bao ven sông, thì việc người dân tự nâng cao ý thức, có trách nhiệm bảo vệ môi trường, không đổ và xả rác thải bừa bãi ra sông cũng là việc làm hết sức cần thiết. Có như vậy mới trả lại được sự trong sạch vốn có của sông Cầu Cốc.