Gấu là một trong những loài động vật quý hiếm được nuôi nhốt khá nhiều ở nước ta. Mặc dù ở hầu hết các trại nuôi, gấu đã được gắn chíp để quản lý nhưng chúng vẫn đang bị de doạ đến tính mạng bởi tình trạng nuôi nhốt để khai thác mật trái phép. Ít người biết rằng tình cảnh gấu bị nuôi nhốt và khai thác lấy mật vô cùng đáng thương. Nếu ai đã từng nghe tiếng gấu tru lên trong các trại nuôi nhốt hẳn khó có thể nguôi ngoai, một thứ âm thanh kéo dài vừa như gầm rú, vừa như tru tréo, vừa hoang dại lại vừa như tiếng cầu cứu của một con người.
Tiếng tru của gấu
Xã Phụng Thượng (Phúc Thọ – Hà Tây), nơi từ lâu đã nổi tiếng về nghề buôn bán các loại động vật hoang dã. Quốc lộ 32, đoạn đi qua Phụng Thượng có hàng chục tấm biển quảng cáo treo ngay lề đường, nào là trang trại gấu An Cảnh, trại gấu Độ Lượng, trại gấu Thao Tài…
Ghé vào một trại gấu bên đường, thấy có tất cả 6 chuồng thì 4 chuồng bỏ không, 2 chuồng còn lại nhốt 2 con gấu đang nằm sõng xoài vì mệt.
Chị H, chủ trại đon đả mời nước rồi mang ra 2 lọ con được làm lạnh, bên trong chứa dịch nâu nâu. Chị nhanh nhẩu :” Đây là mật rút trực tiếp từ gấu ra đấy, 30.000 đồng /cc, 15.000 đồng /cc.” Chị nói thêm: “Đây chỉ là chỗ giao dịch nên chỉ để có 2 con gấu ngoài này, còn hàng chục con ở trong nhà cũ cơ”.
Được tiếp chuyện cởi mỏ, chị H. bật mí : “ Bây giờ nuôi gấu khó khăn, tốn kém lắm. Riêng tiền mua 1 con gấu đã mấy chục triệu, rồi chi phí chuồng trại, máy siêu âm, máy đóng chai, thức ăn…Bán mật chỉ là hình thức, kinh doanh thịt mới có lãi, bán lẻ thì 300.000 đồng /kg, còn cả con thì 20 triệu đồng. Nhanh thì 2-3 tháng, lâu thì 5 – 6 tháng chị lại thịt một con.”
Nhìn hai con gấu lần nữa, chúng hé mắt rồi lại nhắm nghiền. Chị H. nói tỉnh bơ: “Vừa rút mật nên chúng nó thế đấy, tí nữa hồi ngay ấy mà”. Bên cạnh chuồng là dãy bình rượu chấp chới những cánh tay gấu, có cả những chú gấu con đang gục đầu trong những bình lớn. Thật xót xa.
Nhà quản lý vẫn “tung hứng”
Theo báo cáo của UBND xã Phụng Thượng, toàn xã hiện có 50 hộ nuôi gấu, tổng số 216 con. Theo ông Trần Quang Minh, Chủ tịch UBND xã, hàng năm các hộ đều phải làm cam kết không được mua bán, giết mổ gấu và như tình hình xã nắm được cho đến nay, bầy gấu vẫn được quản lý chặt chẽ, chưa có trường hợp nào chết.
Để tỏ rõ thiện chí, ông Minh cho người dẫn xuống trang trại gấu An Cảnh. Ông chủ trang trại gấu ngăn ngay từ ngoài cửa, kiên quyết không cho chụp ảnh vì lí do gấu đã được gắn chip là tài sản của nhà nước, muốn chụp ảnh, quay phim phải có sự đồng ý của kiểm lâm.
Gọi điện cho Hạt Kiểm lâm huyện Phúc Thọ, mới chỉ nói được một câu về gấu thì đầu dây bên kia đã cúp máy một cách thô bạo. Tìm đến tận trụ sở, một người xưng tên Đào Khắc Trường, sau khi săm soi giấy giới thiệu, chứng minh nhân dân, ông Trường yêu cầu cần có giấy của Chi cục Kiểm lâm Hà Tây.
Dù được đề nghị cần thông tin từ những người trực tiếp quản lý địa bàn, nắm trực tiếp số gấu theo đúng chức năng nhiệm vụ nhưng ông Trường cũng kiên quyết không cung cấp bất cứ thông tin nào.
Trong khi các cơ quan chức năng yên trí về những con gấu đã được gắn chip thì cũng chính từ việc gắn chip đó đã bắt đầu nảy sinh những bất cập. Khi giá mật xuống, một số hộ kinh doanh bị ràng buộc bởi cam kết nên phải ôm lấy gấu chịu lỗ.
Hậu quả là con gấu phải gánh chịu tất cả: bị rút mật liên tục để bù lỗ, suất ăn bị cắt giảm từ 40.000 đồng /ngày xuống còn 10.000 – 15.000 đồng /ngày… Không chỉ vậy, còn có thông tin nói rằng, người ta cố tình bỏ đói cho đến chết để báo cáo rồi… xẻ thịt. Thiết nghĩ, nếu không có những biện pháp mạnh hơn nữa thì nguy cơ tuyệt chủng loài gấu chỉ là chuyện của nay mai.
Theo các chuyên gia, gấu nuôi thường mắc bệnh tụ cầu trùng, xoắn trùng, người dùng mật gấu bệnh cũng rất dễ bị lây nhiễm. Theo thống kê năm 2006, cả nước có khoảng 5.000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Theo điều tra của WWF (Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhên), thì cứ 2 người dân Hà Nội lại có 1 người đã và đang tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã dưới dạng thực phẩm hoặc chữa bệnh. |