Từ ngày 27/10/2007 đến nay, 82 cán bộ công nhân viên Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn phải ứng trực 24/24h với 100% quân số để làm nhiệm vụ ngăn chặn hàng trăm lâm tặc tấn công dữ dội vào vườn để săn lùng gỗ trắc…
Lâm tặc tấn công dữ dội vườn quốc gia Yok Đôn
Có thể nói ở huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc vào những ngày cuối tháng 10/2007 bắt đầu xuất hiện một cơn “đại dịch” săn lùng gỗ trắc. “Thợ săn” chính là hàng trăm người dân ở trên địa bàn. Bởi đi săn trắc thu lợi rất cao. Một ngày, một người đi săn trắc có thể kiếm được từ 50 – 100kg (gỗ cành, nhánh, rê).
Mỗi kilôgam trắc bán 10.000 đồng. Một ngày đi săn trắc có thể bỏ túi 500.000 – 1.000.000 đồng. Vì thế mà tạo ra một làn sóng rầm rộ, nhà nhà săn trắc, người người săn trắc, bỏ bê việc đồng áng, nương rẫy để đi săn trắc bất kể ngày đêm, bằng đủ thứ phương tiện: Xe máy, xe đạp, gùi, vác trên vai cuốc bộ. Và Vườn quốc gia Yok Đôn chính là mục tiêu tấn công của họ, bởi không ở đâu trên địa bàn huyện Buôn Đôn còn nhiều gỗ trắc như nơi đây.
Đó cũng là lý do buộc 82 cán bộ nhân viên Hạt kiểm lâm của vườn phải cơ cực gồng mình chống trả để bảo vệ vườn.
Một nhân viên của Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho biết : “Gần đây, phong trào” toàn dân đi săn trắc mới xuất hiện trên địa bàn, sau khi tỉnh có chủ trương cho Công ty TNHH Quang Phát được phép thu mua gốc, rễ, cành, nhánh gỗ trắc khô và huyện Buôn Đôn có văn bản giao cho Phòng Kinh tế của huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai chủ trương…”
Từ sự “bật mí” của anh nhân viên kiểm lâm huyện, chúng tôi đã tìm được 2 văn bản của tỉnh Đắc Lắc và huyện Buôn Đôn có liên quan đến “đại dịch” săn trắc. Văn bản 4027/UBND-NL, ngày 22/10/2007 của UBND tỉnh Đắc Lắc có ghi rõ “đồng ý chủ trương Công ty TNHH Quang Phát được thu mua gốc, rễ, cành nhánh khô gỗ trắc có nguồn gốc trên nương rẫy, vườn của người dân (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và trụ tiêu khô là gỗ trắc đã sử dụng lâu năm (trên 15 năm).
Hạt kiểm lâm sở tại phải xác minh rõ nguồn gốc gỗ, lập biên bản xác định khối lượng chủng loại gỗ thuộc đối tượng được phép tận thu, mua bán làm cơ sở lập hồ sơ, lý lịch gỗ để thu thuế tài nguyên và cấp giấy phép vận chuyển, chế biến…”. Nếu chỉ xét trên phương diện văn bản không thôi, thì nội dung văn bản như vậy là khá chặt chẽ, đúng với các quy định hiện hành, nhưng lại có những điều “không đúng với thực tế và rất khó kiểm tra, kiểm soát để thực hiện được đúng tinh thần của văn bản”.
Không đúng với thực tế ở chỗ: Thứ nhất, gỗ trắc còn lại trên nương rẫy (mà là nương rẫy đã được cấp sổ đỏ) là cực hiếm, hiếm như vàng; thứ hai, lấy phương tiện nào, cơ sở nào để xác định gỗ trắc đã khô trên 15 năm; thứ ba, những trường hợp gian dối đưa gỗ trắc từ rừng về để trên nương rẫy đã được cấp sổ đỏ, sau đó báo với cơ quan kiểm lâm đến xác minh là gỗ trắc trên nương rẫy (điều này chắc chắn sẽ xảy ra), liệu kiểm lâm và các ngành chức năng khác có đủ lực lượng để kiểm tra kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn được hay không?
Đây chính là những kẽ hở lớn để lâm tặc lợi dụng, đồng thời rất dễ phát sinh tiêu cực trong khâu xác minh làm lý lịch gỗ. Việc người dân ồ ạt vào rừng săn gỗ trắc để bán, có kẻ đứng mua, chính là dựa vào những kẽ hở nói trên.
Nghiên cứu văn bản 434/UBND-VP, ngày 29/10/2007 của UBND huyện Buôn Đôn, cũng phát hiện được những điều trái với các quy định hiện hành và trái với tinh thần văn bản 4027, ngày 22/10/2007 của UBND tỉnh Đắc Lắc, tạo kẽ hở phát sinh “phong trào toàn dân đi săn gỗ trắc”.
Văn bản này ghi “giao cho Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với Vườn quốc gia Yok Đôn, Ban quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan để tận thu, sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật nguồn gỗ trắc (cành, nhánh khô, gốc rễ) có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn nằm rải rác trên nương rẫy, vườn nhà và tại rừng, tạo nguồn thu cho ngân sách”.
Cái sai thứ nhất của văn bản này là cho tận thu gỗ trắc trong Vườn quốc gia Yok Đôn, trong khi thẩm quyền cho phép tận thu gỗ trong các vườn quốc gia là của Chính phủ. Cái sai thứ hai là: Trong khi văn bản của tỉnh chỉ cho phép tận thu gỗ trắc trên nương rẫy đã được cấp sổ đỏ, thì huyện lại cho phép tận thu cả gỗ trắc trong rừng…
Mấy lời đề nghị
Qua nghiên cứu 2 văn bản nói trên và qua đi thực tế tại huyện Buôn Đôn, có thể thấy Vườn quốc gia Yok Đôn và cả những diện tích rừng trên địa bàn huyện không thuộc vườn quản lý, đang bị tấn công dữ dội bởi người săn lùng gỗ trắc, không chỉ trắc khô, trắc cành, nhánh, rễ mà cả cây trắc cũng bị đốn hạ.
Vì thế, nếu tỉnh Đắc Lắc, Bộ NN&PTNT không nhanh chóng xem xét, điều chỉnh lại các văn bản nói trên thì “dịch” săn lùng gỗ trắc sẽ càng lan rộng, càng rầm rộ và phức tạp hơn, tất yếu rừng của Đắc Lắc cũng sẽ bị tàn phá nhiều hơn. Lúc ấy, việc giữ rừng sẽ càng gian khổ và tốn kém hơn. Tốt nhất là tỉnh nên đình chỉ việc tận thu gỗ trắc như nhiều tỉnh khác đã làm.