Theo kế hoạch đến năm 2010, Hà Nam sẽ có 75% dân số nông dân được dùng nước sạch. Điều này sẽ khó thực hiện được nếu các cơ quan có trách nhiệm không sớm đưa ra các giải pháp cụ thể. Bởi hiện nay các con sông như: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu vẫn bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước ngầm từ các giếng khoan thì có nồng độ asen báo động, nguy cơ ung thư cao.
Ông Đặng Đình Thoảng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam cho biết: Chất lượng nước sinh hoạt ở các vùng nông thôn trong tỉnh rất đáng lo ngại. Nhân dân sử dụng nước chủ yếu trong 3 nguồn: nước bề mặt thuộc hệ thống sông nhưng hiện nay nguồn nước từ sông đã bị ô nhiễm rất nặng do chất thải từ Hà Nội, Hà Tây đổ về nước mặt ao hồ hiện không thể sử dụng được vì các ao hồ nuôi thả thuỷ hải sản nên nhiều người dân dùng phân tươi làm thức ăn cho cá. Đặc biệt, nguồn nước nguồn trong giếng khoan ở những vùng nông thôn của tỉnh Hà Nam có nồng độ asen rất cao, trung bình có tới 70-80% giếng khoan có chứa asen vượt quá qui định của Bộ Y tế.
Riêng nguồn nước mưa là tương đối sạch, chỉ một số vùng ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nguồn nước mưa thường chỉ đủ sinh hoạt vài tháng đến nửa năm. Và rất khó khăn cho các hộ nghèo trong việc xây bể to hứng nước mưa quanh năm, hoặc khoan giếng xây bể lọc đảm bảo theo quy trình.
Trước thực trạng trên, tổ chức UNICEF đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Nam triển khai nhiều biện pháp nhằm can thiệp, giảm thiểu Asen trong nguồn nước sinh hoạt như hoạt động truyền thông giảm thiểu Asen ở 5 xã của huyện Lý Nhân xây dựng mô hình quản lý chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt cho cộng đồng tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục. Tuy nhiên, do khuôn khổ của dự án còn nhỏ hẹp, chưa phát huy được hiệu quả trên diện rộng.