Cuộc khủng hoảng dầu trên thế giới hiện nay rất giống với cuộc khủng hỏang nước ngọt đang ló hiện trước mắt, do sự cạn kiệt các nguồn cung cấp, sự phân bố và tiếp cận không đồng đều, và hệ quả sẽ không thể tránh được là sự tăng giá và gia tăng đụng độ xoay quanh vấn đề chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu này.
Giống như dầu mỏ, việc khai thác nước ngọt làm phát sinh món nợ truyền kiếp khó mà trả được. Việc khai thác thiếu kiểm sóat và tham lam đối với dầu mỏ đã đưa lại những hậu quả không mong đợi. Và, nếu như chúng ta vẫn tiếp tục một lộ trình tương tự như thế đối với nước ngọt, thì cuộc khủng hỏang dầu mỏ so với nó xem ra chỉ giống như một trích đoạn của một bộ phim nói về một thảm họa khủng khiếp.
Điều trớ trêu là tình trạng sử dụng vô tội vạ của chúng ta đối với dầu mỏ lại “tiếp sức” cho cuộc khủng hỏang nước ngọt. Việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu, làm tan chảy những lớp băng hà và làm tuyết sớm tan, sẽ gây ra lũ lụt ở những vùng mà khó có thể chịu đựng thêm một gánh nặng nữa đem tới. Và nó cũng có thể làm cho khí hậu thay đổi theo kiểu khiến lượng mưa phân bổ quá nhiều cho một số vùng, trong khi những vùng khác lại bị hạn hán nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc chuyển sang thay thế dầu bằng các nhiên liệu sinh khối sẽ làm gia tăng mức sử dụng nước, vốn dĩ không quá nhiều để đủ duy trì cuộc sống và hành tinh chúng ta, cũng như lối sống của chúng ta
Tất cả những điều vừa nêu ở trên đáng để cho từng người suy nghĩ, vì muốn có sự thay đổi thực sự, thì cần phải bắt đầu bằng sự thay đổi trong ý thức của mỗi cá nhân.
Những thách thức đặt ra là hết sức to lớn. Trước hết, đó là do Trái đất chỉ chứa một lượng nước ngọt nhất định có thể sử dụng, mặc dù nó là một hành tinh xanh tuyệt đẹp. 2,5% lượng nước trên hành tinh có khả năng sử dụng là nằm trong sự cân bằng bấp bênh với băng hà và nguồn nước ngầm vẫn còn nguyên vẹn. Một thách thức nữa, đó là tình trạng sử dụng nước không hiệu quả và không đồng đều. Ngành nông nghiệp sử dụng tới 70% lượng nước của thế giới, phần lớn là để sản xuất lương thực, thực phẩm. Có một tình trạng lãng phí lớn trong các quy trình nông nghiệp của chúng ta, mặc dù thời gian gần đây phần nào đã được cải thiện.
Nhu cầu dùng nước trong mỗi gia đình đã gia tăng rõ rệt trong thế kỷ qua, điều mà một lần nữa buộc ta phải trở lại với câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể làm gì, với tư cách là mỗi cá nhân?”. Nhu cầu nước của các lĩnh vực khác cũng tăng nhanh. Sự cạnh tranh nhu cầu sẽ tạo ra áp lực đối với ngành nông nghiệp, có thể dẫn đến tình trạng những vùng khan hiếm nước sẽ cắt giảm quy mô sản xuất lương thực, làm gia tăng mối lo ngại về an ninh lương thực.
Theo Báo cáo về Phát triển con người của UNDP, thì nghèo đói, năng lượng và bất đồng đều là cốt lõi của vấn đề nước ngọt, chứ không phải là sự khan hiếm.Và ở đây có một điều gây trở ngại. Vì chúng ta đã coi nước là một thứ hiển nhiên, nên chúng ta cần phải đối mặt với tình trạng không đồng đều trong việc gìn giữ nguồn nước.
Hiện có trên 1,5 triệu người không được đáp ứng đủ nước ngọt và vệ sinh. Nếu như nghèo đói là một điều tồi tệ, thì nghèo đói cộng thêm với thiếu nước lại tồi tệ hơn gấp bội. Gần đây, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã cung cấp một khung chuẩn cho các Chính phủ để ưu tiên hóa phương thức phân bổ nước. Tuy nhiên, không có đủ kinh phí và nguồn lực đưa vào ngành này. Toàn thế giới chỉ có 5% khoản tiền trợ cấp quốc tế dành cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh. Chúng ta còn lâu với đạt tới mức tiếp cận phổ biến đối với nước sạch dùng cho sinh họat. Và tình trạng bất bình đẳng này tạo ra sự tranh cãi gay gắt xoay quanh vấn đề nước hiện nay.
Một vấn đề quan trọng nữa đối với ngành nước là nước thải và tình trạng ô nhiễm ao, hồ, sông, suối. Không một ai có thể ước tính được phí tổn để làm sạch các nguồn nước và có bao nhiêu những tổn hại là không thể sửa chữa nổi.
Do vậy, có lẽ đã đến lúc cần phải áp dụng những bài học đã nhận được trong việc quản lý nguồn tài nguyên nước.