Giữa trưa, nắng chang chang. Dòng kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM) thủy triều đang lên. Trôi theo dòng nước đen ngòm, đặc quánh là đủ thứ rác thải: bọc ni lông, xác súc vật, nệm mút,… Gió đưa mùi hôi thối xộc lên tận mũi.
“Tụi tui quen rồi!”
Mon men xuống ca nô đi theo các anh thợ vớt rác, anh Lê Quang Vinh, tổ trưởng tổ vớt rác, cảnh báo: “Giờ này nắng gắt, mùi hôi thối bốc lên dữ lắm. Tụi tui quen rồi, không ngửi thấy nữa; sợ anh chưa quen, chịu không nổi đâu”. Cả tổ 15 người chia nhau xuống những chiếc ca nô chuyên dụng, bắt đầu công việc thường nhật của mình: vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc. Điểm xuất phát là chân cầu Kiệu, cả tổ sẽ chia ra làm hai hướng: một hướng chạy về phía cầu Thị Nghè, một hướng về đoạn cống hộp Tân Bình.
Đoạn kênh cả tổ phụ trách dài khoảng 10 cây số nhưng do phải “quần thảo” tới lui nên mỗi chiếc ca nô phải “ngốn” hơn 60 cây số mỗi ngày. Anh Minh cho biết: “Rác nhiều lắm, không thể đi một chuyến là vớt hết. Trung bình, mỗi chiếc ca nô phải đi tới lui trên kênh 6 lần, mỗi ngày chúng tôi vớt được hơn 6 tấn rác!”.
Tiếng ca nô nổ xành xạch, chạy rề rề. Dòng kênh đen đặc quánh như mực Tàu, lềnh bềnh vô số rác. Anh Hận ngồi phía trước đưa vợt vớt liên hồi. Một cái tủ mục nát đang từ từ trôi tới. Bỏ cây vợt, anh Hận cúi mình xuống lôi “cái của nợ” lên, chép miệng, thở dài: “Cái gì người ta cũng quăng xuống kênh hết. Những thứ này muốn bỏ cho mấy xe rác dân lập trên bờ là phải trả tiền đó”.
Chiếc ca nô bên cạnh, anh Thanh và anh Hội cũng đang hì hục lôi một tấm nệm lên. Tấm nệm ngấm nước nặng, không thể vớt bằng tay, anh Thanh phải buộc sợi dây vào nệm, dùng hết sức mới kéo được nó lên. Chiếc ca nô đang chạy, một mùi hôi thối bỗng bốc lên nồng nặc, xộc thẳng vào mũi.
Anh Hận châm điếu thuốc, bình thản nói: “Chắc một chú chó chết sình đây”. Đúng như anh dự đoán, xác một chú chó đang thời kỳ phân hủy lập lờ trong dòng nước; ruồi nhặng bu đầy xung quanh. Anh Minh cười: “Nhằm nhò gì! Hồi có dịch cúm gia cầm, người dân quăng hết xác gà vịt xuống đây. Hôi thối không chịu nổi. Tụi tui phải đi vớt xác từng con một…”.
Đoạn đường “kinh hoàng” nhất có lẽ là cống hộp Tân Bình. Đây là đoạn cuối cùng của dòng kênh đen nên rác rưởi từ thượng nguồn tập trung nhiều nhất, chưa kể rác và nước thải từ dãy nhà dân san sát bên dòng kênh đổ ra và thứ nước thải ngột thở từ các nhà máy công nghiệp. Các anh, vốn đã quá quen với môi trường này, cần mẫn vớt sạch rác.
Anh Hận cho biết: “Nếu đi hướng cống hộp, anh em mệt nhất chỗ này. Còn đi về phía cầu Thị Nghè thì sợ nhất là khu dân cư nhà sàn Bùi Hữu Nghĩa, cái gì người dân cũng quăng xuống, toa-let của dân cũng làm trên kênh…”.
Chuyến đi vớt rác như ngắn hơn bởi những câu chuyện vui buồn trong nghề của các anh. Có khi đang chạy ca nô dưới gầm cầu Kiệu, cầu Thị Nghè, thì bị “tắm” bằng nước tiểu do một người vô ý thức nào đó xả từ trên cầu; có lúc đã vớt sạch đoạn kênh, quay lại thấy một xe vỏ dừa nổi lềnh bềnh, do một người bán nước dừa vừa đổ xuống;… Anh Hận còn cho biết, hôm nay công việc khá suôn sẻ chứ nhiều hôm, chân vịt ca nô bị vướng rác, các anh phải ngụp cả xuống dòng nước đen ngòm hôi thối ấy mà gỡ rác.
Vớt rác, vớt cả… người
Không hiếm lần các anh đi vớt rác mà thành ra vớt cả người. Đó hầu hết là những gã say xỉn, đi rớt cả xuống kênh, được các anh cứu lên. Anh Minh kể: “Có lần đi vớt rác, thấy một ông đang ngồi ngủ gục bên bờ rồi lăn tòm xuống kênh. Vội nhảy xuống vớt ông lên, không được lời cảm ơn còn bị ăn chửi”.
Cũng không ít lần các anh đã kịp thời cứu những người gặp chuyện bất trắc, buồn đau, muốn trẫm mình xuống dòng kênh để tìm đến cái chết. Cứu người xong, các anh lại vội vã đi vớt rác cho kịp con nước, không cả kịp nhận lời cảm ơn từ người nhà nạn nhân…
Rồi cả chuyện vớt được xác người cũng không hiếm. Anh Vinh bảo, “chuyện thường ngày ở huyện ấy mà”, không thuộc trách nhiệm của các anh, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Hỏi chung một câu: Các anh có ước muốn gì? Cùng nhận được câu trả lời: “Ước dân mình đừng quăng rác xuống kênh nữa”. Cả năm cúi mặt xuống dòng kênh hôi hám, trừ 2 ngày Tết, cứ thủy triều lên là các anh đi. Chỉ mong một ngày ít rác.
Anh Lê Quang Vinh chia sẻ: “Chuyện vớt rác trên kênh chỉ có thể “chữa cháy” phần nào nạn ô nhiễm. Nguyên nhân chính vẫn là do nước thải công nghiệp từ các nhà máy đổ xuống lòng kênh. Hiện nay, các giếng xử lý nước thải đã được xây dựng dọc theo kênh, một số giếng đi vào hoạt động nhưng chỉ là hình thức..”.
Các anh mơ một ngày nào đó “được” thất nghiệp, khi dòng kênh duy nhất nằm vắt ngang thành phố trở nên trong xanh… Ngày ấy chắc còn xa lắm…