Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Đề án “Hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy” nhằm giảm thiểu các nguyên nhân trực tiếp của tình trạng phá rừng trái phép, cháy rừng, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân miền núi.
Đề án nhằm mục tiêu đảm bảo quản lý và sử dụng có hiệu quả 1,2 triệu ha đất nương rẫy trên cả nước, từng bước hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân thay đổi tập quán canh tác du canh, quảng canh bằng thâm canh tăng năng suất trên đất nương rẫy và phát triển nghề rừng, tạo việc làm và tăng thu nhập từ nông- lâm nghiệp cho người dân vùng núi.
Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nương rẫy gấp 1,5 đến 2 lần bằng các mô hình canh tác trên đất dốc, bao gồm một số loài cây trồng nông lâm nghiệp, cây công nghiệp có năng suất sản lượng và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng chức năng phòng hộ.
Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ chuyển đổi khoảng 360.000 ha nương rẫy trên núi đá, tầng đất mỏng, thuộc khu vực phòng hộ đầu nguồn sang trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ trên cơ sở thiết kế hệ canh tác rừng – rẫy luân canh; khoảng 840.000 ha sẽ được chuyển dần sang phương thức canh tác nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng thâm canh, kết hợp trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Đề án sẽ được thực hiện trong 5 năm (2008 – 2012), trong đó tập trung vào 34 tỉnh trọng điểm lâm nghiệp trên 6 vùng sinh thái cả nước.
Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn ngân sách trên 3.000 tỷ đồng và 310.500 tấn gạo đầu tư cho đề án sẽ được sử dụng để hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thuỷ lợi đảm bảo điều kiện tưới tiêu cho diện tích canh tác lúa nước và hoa mầu ổn định.
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước có khoảng 1,2 triệu ha nương rẫy, được canh tác theo phương thức truyền thống, năng suất, hiệu quả thấp và thiếu bền vững. Canh tác nương rẫy là nguyên nhân gây ra 60% – 70% số vụ cháy rừng và khoảng 60% tổng diện tích rừng bị chặt phá trái phép hàng năm./.