Một nhóm các nhà khoa học của trường đại học Texas (Mỹ) đã chế tạo thành công một loại vật liệu nhựa mới giống da thật mang tên TR có khả năng phân tách carbon dioxide từ khí tự nhiên và giúp giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Công nghệ mới này có thể ứng dụng để phân tách khí tự nhiên từ rác thải đang phân hủy và để lọc các chất cặn bẩn trong nước.
Vật liệu nhựa TR cho phép carbon dioxide và những phân tử nhỏ khác đi qua những cái lỗ nhỏ giống như đồng hồ cát nhưng giữ phân tử chính của khí tự nhiên là methane ở lại. Nhựa TR có khả năng chịu được nhiệt độ lên đến 316oC và thực sự đã hoạt động tốt hơn ở nhiệt độ cao. Với khả năng chịu nhiệt như vậy, vật liệu mới này sẽ là chọn lựa lý tưởng đối với các nhà máy điện nơi đòi hỏi phải có nhiệt độ cao để phân tách khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ khí tự nhiên.
Để ngăn không cho ống dẫn khí bị rỉ sét, khí tự nhiên được dẫn trong các đường ống có thể chỉ được phép chứa 2% carbon dioxide. Tuy nhiên, khi được khai thác và đưa ra khỏi mặt đất, nó thường có hàm lượng carbon dioxide cao hơn nhiều. Vì vậy, cần phải có một bước phụ là lọc bớt lượng carbon dioxide dư thừa ra khỏi khí tự nhiên.
Theo nhóm nghiên cứu, vật liệu nhựa mới phát minh của họ có lọc nhanh hơn vật liệu lọc truyền thống gấp 100 lần và hiệu quả hơn gấp 4 lần. Nhờ vậy, các nhà máy xử lý khí sẽ tiết kiệm được 500 lần không gian để lắp đặt thiết bị lọc.
Carbon dioxide là thủ phạm gây ra tình trạng trái đất ấm lên. Vì thế, nếu vật liệu nhựa mới được đưa vào sử dụng thì nó sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.