Cứu lấy hành tinh: Bây giờ hoặc không bao giờ!

Ngày 25/10, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã đưa ra bản báo cáo mới nhất, dày 570 trang về tình hình môi trường của hành tinh. UNEP đưa ra lời cảnh báo: Cứu lấy hành tinh: Bây giờ hoặc không bao giờ!

Con người đã làm khí hậu Trái Đất thay đổi quá nhanh, khai thác tài nguyên một cách tham lam và “gia tài” để lại cho các thế hệ tương lai có thể chỉ là một hành tinh bị tàn phá nặng nề! Đó là lời cảnh báo được đưa ra ngày 25/10 trong báo cáo mang tên “Viễn cảnh môi trường toàn cầu lần thứ tư” (GEO-4) của UNEP.


“Hy vọng đây là lời kêu gọi cuối cùng!”

Báo cáo dày 570 trang này được thực hiện bởi 390 chuyên gia trên khắp thế giới trong suốt 20 năm qua. Được công bố trong bối cảnh sự thay đổi khí hậu đang là đề tài “nóng” của các phương tiện truyền thông, báo cáo này đã cung cấp những thông tin toàn diện và chi tiết nhất về sự thay đổi của môi trường kể từ năm 1987 cho đến nay.

Trong báo cáo mới nhất này, môi trường đã được đặt vào bản đồ chính trị thế giới. UNEP kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới phải đưa vấn đề môi trường “vào trọng tâm của việc hoạch định các chính sách quốc gia” để vượt qua một cuộc khủng hoảng đang càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

GEO-4 nhấn mạnh: “Vấn đề đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và bây giờ – chứ không phải lúc nào khác – chính là thời điểm mà chúng ta, với những hiểu biết đầy đủ hơn về những thử thách trước mắt, phải hành động ngay để bảo vệ sự tồn tại của chính chúng ta và của cả các thế hệ mai sau nữa”.

Ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành UNEP, phát biểu: “Đã có quá nhiều lời kêu gọi từ khi có báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” (Our Common Future) cách đây 20 năm. Tôi thực sự hy vọng GEO-4 sẽ là lời kêu gọi cuối cùng”.

“Tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra”

Theo GEO-4, khí hậu đang thay đổi nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong 500.000 năm qua. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,74oC trong thế kỷ vừa qua và được dự báo tăng 1,8o – 4oC cho đến năm 2100.

Báo cáo nêu rõ: “Trái Đất đã trải qua 5 cuộc tuyệt chủng lớn trong 450 triệu năm qua, trong đó sự kiện gần nhât xảy ra cách đây 65 triệu năm. Và cuộc tuyệt chủng qui mô lớn lần thứ 6 đang diễn ra – lần này là do chính hành vi của con người gây ra”.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, khả năng hiểu biết và đối phó với những thách thức từ môi trường đã không ngừng gia tăng, nhưng phản ứng toàn cầu nói chung là “kém cỏi một cách tệ hại”.

Ông Steiner nói: “Sự tàn phá có hệ thống đối với những nguồn tài nguyên thiên nhiên và có nguồn gốc từ thiên nhiên đã đạt đến một mức độ gây đe doạ sự tồn tại và phát triển của mọi nền kinh tế, và đó là cái giá mà các thế hệ tương lai có lẽ không thể nào trả nổi”.

Cầu vượt qua cung

Với hơn 6 tỉ người, dân số Trái Đất hiện đã lớn đến mức “lượng tài nguyên cần có theo nhu cầu đã vượt quá xa khả năng cung cấp hiện có của thiên nhiên”. Và dân số này được dự báo sẽ lên đến 8 – 9,7 tỉ người vào năm 2050.

“Tại châu Phi, sự thoái hóa đất đai, thậm chí là sa mạc hóa, đang là mối đe doạ lớn; trong khi mức sản xuất thực phẩm tính theo đầu người ở đây hiện nay đã giảm 12% so với năm 1981”.

GEO-4 cũng báo động về những thực trạng khác trong lĩnh vực tài nguyên và tính đa dạng sinh học của Trái Đất. Mức tiêu thụ cá đã tăng hơn 3 lần trong 40 năm qua nhưng sản lượng đánh bắt đã chững lại hoặc giảm trong 20 năm qua, vì nguồn cá đã không còn phong phú như trước nữa. Trong những nhóm động vật có xương sống đã được thẩm định toàn diện, có hơn 30% động vật lưỡng cư, 23% loài hữu nhũ và 12% loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng. 

Bốn “kịch bản” cho năm 2050

Dù tình hình nói chung là xấu, nhưng UNEP vẫn ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong việc chống lại sự mất mát của tầng ozone và tình trạng ô nhiễm không khí do chất thải hóa học.

GEO-4 cũng xem xét về triển vọng của những xu hướng hiện nay có thể dẫn đến 4 viễn cảnh của thế giới đến năm 2050, đó là: “Thị trường là trên hết”, “Chính sách là trên hết”, “An toàn là trên hết” hoặc “Bền vững là trên hết”.

Theo báo cáo này, “tình hình có thể là không thể đảo ngược được đối với một số vấn đề gây nhức nhối hiện nay. Cách duy nhất để vượt qua thử thách là phải chuyển vấn đề môi trường từ vị trí thứ yếu sang vị trí trung tâm trong việc hoạch định chính sách”.

Báo cáo nhấn mạnh: “Môi trường phục vụ cho sự phát triển, nhưng sự phát triển đó không được gây nguy hại cho môi trường”.