Người làm xanh lại miền rừng

Đang làm giám đốc lâm trường Lập Thạch (Vĩnh Phúc) – một doanh nghiệp trồng và khai thác lâm sản được coi là “ăn nên làm ra” trong ngành lâm nghiệp, tháng 07/2005, ông Trịnh Quốc Long được Tổng công ty giấy Việt Nam điều động vào Tây Nguyên giữ chức Giám đốc Công ty nguyên liệu giấy miền Nam đứng chân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đây là thời điểm rừng nguyên liệu giấy Kon Tum đang trong tình cảnh “sống dở chết dở” với những khó khăn chồng chất: Gần 15.000ha rừng trồng trong thời kỳ chăm sóc, bảo vệ có nguy cơ bị bỏ rơi vì không có vốn với nhiều nguyên nhân; mùa khô 2004-2005, trên 1.600ha rừng bị thiêu rụi ở những điểm nóng: Sa Thầy, Đak Tô, Ngọc Hồi…

Hơn 8 tháng ở công ty này, cán bộ công nhân không có lương. Trên 100 người trong tổng số 232 cán bộ, công nhân của công ty xin chuyển công tác, trong đó có gần 40 kỹ sư lâm nghiệp và cán bộ kỹ thuật ra đi… Ông Tống Hữu Chân, Phó giám đốc công ty nhớ lại, đây là thời điểm cực kỳ khó khăn của những người giữ rừng nguyên liệu giấy Kon Tum. Nếu muốn giữ được gần 15.000ha rừng nguyên liệu giấy còn lại trên đất Kon Tum, có nhiều người lúc ấy cho rằng, phải là một “cuộc cách mạng” từ tổ chức bộ máy đến cơ chế chính sách quản lí và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, một số người được Tổng công ty “gợi ý” làm giám đốc nhưng lại không dám nhận. Ông Trịnh Quốc Long đã bao năm gắn bó với đất rừng Tây Bắc và chưa vào Tây Nguyên bao giờ, nay được “tổng” điều thẳng vào “điểm nóng” với trên 1.600ha rừng trồng vừa bị giặc lửa tàn phá và gần 15.000ha còn lại cũng đang ở tình trạng báo động.

Thế là bỏ lại gia đình ở quê Vĩnh Phúc, ông khăn gói vào Kon Tum nhận chức giám đốc với nhiều tâm trạng đan xen và nỗi lo luôn canh cánh. Nhiều người lúc ấy cho rằng, ông Long nhận trách nhiệm về rừng Kon Tum là “hơi bị” liều. Những ngày đầu, dù tiền đổ vào để cứu vùng nguyên liệu vẫn chưa có, lương công nhân thì không, tư tưởng mỗi người một hướng nhưng hướng… ngãng ra thì nhiều, nhưng ông Long vẫn cùng ban lãnh đạo lội hết tận hang cùng ngõ hẽm ở những nơi xa nhất trong núi cao, vực sâu như: Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi… để đánh giá, khảo sát thực trạng của rừng, phân bổ lại cơ cấu khoán hợp lí, để cho người nhận rừng có trách nhiệm, gắn bó với rừng.

Mặt khác, ông giao cho các bộ phận liên hệ với các ngành trung ương để lo tiền đầu tư tiếp cho rừng, đồng thời kêu gọi anh em giữ lấy rừng. Thấy giám đốc lăn xả, “băm bổ” với công việc, mọi người đã sáng lên hy vọng và ủng hộ cùng với giám đốc mới tiếp tục bám rừng, lo liệu mọi việc còn ngổn ngang, bề bộn của công ty.

Với sự say mê, nhiệt tâm của mình cộng với những ý nghĩ, cách làm sáng tạo, chỉ sau gần 1 năm chỉ huy giữ rừng trên đất Kon Tum, hiệu quả thu về hết sức khả quan. Nếu như năm 2004, diện tích rừng cháy trên 1.600ha thì mùa khô 2005-2006 chỉ có 158ha bị cháy nhưng đã phục hồi được 132ha và tính đến 30/05/2007 (thời điểm đã chuyển sang mùa mưa, tức là rừng sẽ không còn bị cháy), rừng nguyên liệu giấy Kon Tum mới chỉ có 138ha bị thiệt hại bởi lửa rừng với mức thiệt hại chỉ khoảng 30%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị trong chuyến thị sát rừng nguyên liệu giấy Kon Tum mới đây đã biểu dương công sức của những người giữ rừng trên vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này.

Ông Long tâm sự : “Để có được gần 14.600ha rừng còn lại trong tổng số 17.000ha đã trồng, những người lao động của công ty đã phải trải qua bao thăng trầm, dâu bể để trồng và giữ rừng. Không chỉ hàng trăm tỉ đồng đã đổ vào đất rừng này mà còn đau xót hơn bởi đã có 23 người mãi mãi nằm lại với đất rừng Tây Nguyên vì sự nghiệp trồng rừng do bom mìn của chiến tranh để lại, do nước lũ, mưa nguồn, do muỗi rừng…”.

Hình ảnh giám đốc Trịnh Quốc Long đi dập lửa rừng với anh em công nhân vẫn còn in dấu sâu đậm trong nhiều người lao động ở đây. Mới hai năm mà người giám đốc này đã đen đúa, sạm màu nắng gió bởi luôn phải đối mặt với lửa rừng những tháng mùa khô; hai năm vào lãnh ấn tiên phong ở điểm nóng này là cả 2 cái Tết cổ truyền ông xa gia đình ở Vĩnh Phúc. Ông ở lại cả 2 cái Tết và cùng ăn Tết với anh em trực phòng chống cháy trong rừng.

Những gian khó của rừng nguyên liệu giấy Kon Tum đã được “thủ lĩnh” mới của công ty “hóa giải” bằng cách xốc lại đội ngũ, tất tả ngược xuôi ra Bắc vào Nam lo liệu vốn liếng. Ông dám “gõ cửa” các bộ ngành ở trung ương để “kêu” vốn tiếp sức cho rừng. Công sức ấy đã được ủng hộ bằng việc Bộ công nghiệp duyệt dự án phòng chống cháy cho rừng nguyên liệu giấy Kon Tum đến năm 2010 với kinh phí trên 27 tỉ đồng. Hiện dự án đang triển khai với việc xây dựng 400 bể nước, 20 lán trại trực phòng chống cháy, rà ủi khoảng 700km đường cơ giới, đường ranh cản lửa, đường bao lô, mua sắm công cụ, phương tiện, ống nước, dựng chòi canh lửa…

Và như lời giám đốc Trịnh Quốc Long khẳng định: Dù khó khăn bao nhiêu, chúng tôi cũng quyết tâm, siết chặt đội ngũ để giữ lấy rừng này. Ông cũng đang cùng với công ty và UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng nhà máy bột giấy ở Kon Tum như kế hoạch trước đây nhằm giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu đã chuẩn bị cho khai thác. Đồng thời đề nghị cho công ty tiếp tục trồng mới, mở rộng vùng nguyên liệu để hình thành chiến lược phát triển đất rừng và vốn rừng trên vùng đất cực Bắc Tây Nguyên.

Rừng nguyên liệu giấy Kon Tum từ chỗ có nguy cơ bị tàn phá bởi lửa rừng và không có người chăm sóc vì thiếu vốn thì nay đã hồi sinh với màu xanh bạt ngàn, xanh thẳm từ Kon Plong, Sa Thầy, Đak Tô đến Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đak Hà… đang như được tiếp thêm sức mạnh với những gắng gỏi của con người.

Công sức ấy thuộc về tập thể công ty, nhưng công lao của giám đốc Trịnh Quốc Long thật không nhỏ. Một mùa mưa nữa lại về. Những người giữ rừng nguyên liệu giấy Kon Tum tạm gác lại những âu lo bởi lửa rừng. Theo năm tháng, tấm lòng của người giám đốc này đối với rừng và đất Tây Nguyên đang tròn đầy, ấm nóng…