Chuyện nghiêm trọng ở đâu đó, nhưng quá thường ở Hà Nội. Bầu không khí đặc quánh bụi, sặc mùi hoá chất. Những cống nước thải màu tím ngắt. Những ống khói công nghiệp đen xì liên tục phun khí thải vào không gian khu dân cư đông đúc.
Thở bụi, ngửi khói hoá chất…
Mua được một căn hộ chung cư nằm trên tầng bảy toà nhà NƠ4, khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng những tưởng đã thoát khỏi cảnh bụi bặm, khói xe ở mặt đường Trương Định nhưng rồi “Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”… Ngày dọn về nhà mới cũng là ngày cả gia đình anh Hùng phát hiện ra rằng bầu không khí ở khu đô thị mới này còn nhiều khói và bụi hơn so với khi sống ở mặt đường.
Anh Hùng chán nản nói: “Lần đầu tiên theo “cò” đến xem nhà vào buổi tối nên tôi đâu có biết có một khu xưởng sản xuất khá lớn tồn tại ngay giữa các toà nhà chung cư. Thấy khu dân cư khang trang, nằm xa đường cái, các toà nhà xây đẹp mà giá cũng không quá đắt nên gia đình tôi quyết mua để… đổi đời, tránh xa cuộc sống “nhà mặt phố” đầy bụi bặm. Dọn về ở mới ngã ngửa ra rằng giá không đắt vì chả mấy ai muốn mua những căn nhà có những ống khói đen xì nằm ngay bên dưới”.
Ông Trần Văn Định ở nhà NƠ5 cho biết: “Từ ngày về đây, mấy đứa trẻ trong gia đình tôi đều lần lượt mắc bệnh về đường hô hấp, còn tôi cũng cảm thấy yếu đi nhiều vì suốt ngày phải hít thở bầu không khí nồng nặc mùi hoá chất. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền địa phương về việc này nhưng đến nay, dường như cả phường và quận đều tỏ ra bất lực”.
Đồng cảnh với người dân ở khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, hàng trăm hộ dân sống ở khu Trung và Xuân Lộc, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm cũng đang phải sống chung với khói hoá chất từ nhiều năm nay. Bà Đặng Bích Hà, người dân ở khu Trung bức xúc: “Hàng ngày, mấy chục ống khói của Công ty Cổ phần Dệt kim Hà Nội liên tục phun vào bầu không khí những đám khói đen sì, nặng mùi hoá chất. Đã vậy, ngày 1-2 lần, nước thải tím ngắt từ nhà các xưởng sản xuất lại được xả thẳng xuống mương nước chạy qua khu dân cư, mùi rất kinh khủng”.
Chỉ ngồi uống nước tại khu vực nhà dân cách khu xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt kim Hà Nội một bức tường rào trong khoảng 15 phút, có thể đếm được 5-6 lần những làn khói đen sẫm, nặng mùi thuốc tẩy cùng với tiếng xì xì thoát ra từ những ống khói chỉ cao chừng chục mét.
Ông Thành – chủ hàng nước nói: “Có hôm nhà máy xả nước thải ra nhiều nên chảy lênh láng khắp ngõ ngách, ai vô ý nhúng chân xuống nước mà về không rửa ngay thì kiểu gì cũng bị ngứa”.
Không chỉ riêng ở các khu vực ngoại thành, mà ngay cả trong khu vực nội thành như Trương Định, Bạch Mai, Hàng Hòm, Đê La Thành, Hàng Bột… cũng có rất nhiều xưởng sản xuất đang từng ngày, từng giờ làm “thả” vào bầu không khí mùi axit, mùi axêtôn, mùi sơn… Bà Lê Kim Hoà ở khu Hàng Bột bức xúc: “Chẳng biết đến bao giờ chính quyền các cấp mới giải toả các xưởng sản xuất nằm ngay giữa khu dân cư để người dân chúng tôi được hít thở một bầu không khí trong lành hơn?
Sống chung với cống thối
Không chỉ khốn khổ vì khói, nhiều khu dân cư Hà Nội đang ngày đêm sống chung với bụi. Bà Vân Anh – người dân sống ở Làng Quốc tế Thăng Long cho biết: “”Hầu hết các toà nhà đều nằm sát đường Trần Đăng Ninh nên hàng trăm chuyến xe tải cứ ầm ầm chạy qua suốt ngày đêm cuốn bụi bay mù mịt khắp khu dân cư. Nhà tôi ở tận tầng 8, hầu như suốt ngày đóng cửa mà ngày nào cũng phải lau bụi ít nhất một lần mới mong được sạch sẽ một chút”.
“Nếu lỡ mở cửa thông thống ra đường thì chỉ 15 phút sau là trên bàn ghế sẽ đầy bụi. Bụi có mặt ở khắp nơi trong nhà, bụi ám ảnh trong từng giấc ngủ vào bữa ăn của các gia đình” – Đó là tâm sự chung của những người dân sống ở khu vực đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài, đường Vĩnh Tuy, đường Minh Khai, đường Pháp Vân…
Anh Đinh Ngọc Bình ở mặt đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài nói: “Đến bây giờ chúng tôi mới thấm thía nỗi khổ khi sống ở mặt đường. Giờ mà có ai tới hỏi mua nhà tôi sẽ bán quách đi để tìm chỗ khác sống cho nó trong lành”.
Ở khu đô thị mới Định Công, cư dân chưa phải thở bầu không khí đặc quánh khói bụi, thì lại bị “ám ảnh” ngày đêm bởi những con mương, hồ nước đen xì bốc mùi hôi thối. Ông Đức ở nhà NƠ13 than thở: “Hôm nào gió ngược đẩy mùi hôi thối đi nơi khác thì dân cư ở đây mới cảm thấy đỡ một chút. Nhưng đáng buồn là gió thuận chiều thường xuyên mang theo mùi nước tanh ngòm, hôi thối từ hồ ao, mương rãnh vào nhà”.
Ông Đức cũng như hàng vạn hộ dân hàng ngày thở khói bụi, ngửi cống thối có phàn nàn thì cũng như gió thoảng qua vậy thôi. Họ biết có kêu nữa, kêu mãi cũng chẳng ai nghe, bởi môi trường bẩn vốn là chuyện “thường ngày ở huyện” ở chốn thủ đô đông đúc “tấc đất tấc vàng” này.