Thiếu kiến thức trong sản xuất, chạy theo năng xuất và hình thức bên ngoài khiến nhiều hộ sản xuất lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, nước bẩn, cốt sao cho thu hoạch được nhiều sản phẩm trông thật đẹp về hình thức….
Ô nhiễm gấp hàng chục lần so với quy định
Đó là thông báo của GS.TS Lê Doãn Diên, giám đốc TT Tư vấn đầu tư nghiên cứu phát triển nông thôn sau khi tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường ở một số vùng sản xuất rau quả tập chung.
Theo GS Diên, do nhu cầu của thị trường ngày càng cao về ngoại hình sản phẩm, về phía người nông dân lại muốn đảm bảo hoặc tăng năng xuất cây trồng nên các loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu biết gì về tác hại của chất tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón nên đã sử dụng bừa bãi. Bên cạnh đó cũng không ít người vì mục đích lợi nhuận đã bỏ qua những cảnh báo về sự độc hại khi lạm dụng hoá chất trong trồng trọt.
Khảo sát mới nhất của Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam (VAFOST) cũng cho kết quả đáng lo ngại: tại các vùng trồng táo, trồng nho người ta có thói quen phun nhiều lần trong mùa vụ cho đến sát thời mùa vụ thu hoạch trái. Cách phun thuốc này đã để lại một dư lượng độc hại khá cao trong rau quả. Một khảo nghiên cứu khác của Đại học Y khoa Hà Nội cũng cho kết quả; lượng monnocrotophos và cypermethhrin trong quả táo ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy mức dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật lớn hơn mức độ cho phép nhiều lần..
Không chỉ lạm dụng hoá chất trong chăm bón cây trồng, thói quen dùng nước cống, nước thải tưới rau tại nhiều địa phương có diện tích đất trồng lớn cũng là vấn đề nhức nhối chưa có cách giải quyết. Tại cuộc kiểm tra mới đây nhất do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đến số vùng sản xuất rau ở ngoại thành Hà Nội cũng đã tận mắt chứng kiến sự thiếu đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn tối thiểu… Tại các cánh đồng rau muống, mồng tơi, ngải cứu xanh mướt thuộc thôn Bằng B, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), mùi hôi thối không có gì thay đổi so với lần kiểm tra trước đó. Nguyên do là nguồn nước dùng để tưới tiêu vẫn chủ yếu lấy từ sông Tô Lịch. Tình trạng dùng nước bẩn tưới rau cũng vẫn diễn ra ở một số vùng trồng rau khác thuộc Đông Anh- Hà Nội.
“Không có những biện pháp quản lý đồng bộ từ các cấp chính quyền, do người nông dân lạm dụng phân hoá học, “phân chuồng tươi”, đặc biệt là phân đạm ở trong ngành sản xuất rau nên những loại thông dụng như: rau cải, rau muống, su hào …phần lớn đều vượt dư lượng nitrate hoặc fecal coliform cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế (PAO/WTO). Hậu quả tiếp theo là hiện nay, đất và nước ở ngoại thành TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Cần Thơ… cũng đã bị ô nhiễm bởi hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón. Hàm lượng kim loại nặng trong đất nhiều vùng trồng rau cũng vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục thậm chí hàng trăm lần”, TS Diên bức xúc.
Trong khi đó, phương hướng phát triển ngành nông nghiệp nước ta từ nay đến năm 2010, cả nước sẽ có 1,55 triệu ha rau quả, 9,4 triệu tấn rau, 7,6 triệu tấn hoa quả.
Thiếu tiêu chuẩn chất lượng đối với thực phẩm
Tại hội thảo “Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng” diễn ra ngày 24/10, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN Đỗ Gia Phan cho rằng: Tiêu chuẩn quy định về chất lượng cho thực phẩm nói chung và chất lượng rau quả nói riêng đang còn rất yếu và thiếu đồng bộ. Cần phải có trên 1.000 tiêu chuẩn chất lượng cho thực phẩm nhưng VN mới ban hành được vài trăm tiêu chuẩn. Trong khi đó, hiện có tới… 11 cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm. Chính vì vậy, khi có vấn đề xảy ra, mỗi nơi chịu trách nhiệm một phần nhưng không biết qui cho ai chịu trách nhiệm chính. Cuối cùng, vấn đề đó được đưa đẩy khắp nơi, có khi hàng năm trời vẫn bị bỏ ngỏ. Cứ như vậy, người sản xuất thì mặc sức sử dụng hoá chất miễn sao sản phẩm khi thu hoạch để đem bán đẹp về hình thức, nhiều về số lượng. Thiệt thòi nhất chính là người tiêu dùng vì không thể tìm được nơi có thể đảm bảo chắc chắn đó là nguồn thực phẩm nhất là rau quả sao thực sự an toàn.
“Một giám đốc một siêu thị lớn Hà Nội nhưng nhất quyết không dùng rau mà siêu thị mình đang bán mà về nhà tự tạo một mảnh vưởng riêng để trồng rau. Hỏi ra thì anh ra thẳng thắn thừa nhận không chắc chắn đó có phải là rau sạch thực sự không, mặc dù chúng đều được trưng biển “rau sạch””, ông Phan kể. Còn ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), xác nhận: khả năng xét nghiệm thực phẩm an toàn tại VN còn rất hạn chế, nhất là xét nghiệm các chỉ tiêu về dư lượng kháng sinh, hormon, độc tố!
Sự thiếu ý thức trong sử dụng hoá chất của nhiều hộ sản xuất, thái độ buông lỏng quản lý và thiếu tính nhất quán của các cấp quản lý , sự ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng đã dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm ở nước ta trong nhiều năm nay diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có gần 3 triệu trường hợp nhiễm độc từ thực phẩm ở VN, gây thiệt hại hàng triệu USD. Hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn trường học, các khu công nghiệp, chợ kinh doanh thực phẩm vẫn liên tục xảy ra ở khắp mọi nơi…
Nhằm từng bước chấm dứt thực trạng đáng báo động này, ông Phan đề xuất, muốn tình hình VSATTP được cải thiện, nhà nước nên giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính về vệ sinh thực phẩm, các cơ quan khác chỉ là liên đới, xử lý thật nghiêm các vụ vi phạm vệ sinh thực phẩm khi có vụ việc xảy ra.
“Đối với mặt hàng rau quả, chỉ có thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, kết hợp với quá trình kiểm tra VSATTP chặt chẽ thì mới hạn chế được sự ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và các chất độc hại khác, nâng cao giá trị thương phẩm. Để thực hiện tốt các quy định trên, không chỉ cần người nông dân gieo trồng thu hoạch mà phải có trách nhiệm kiểm tra” thực hiện, kiểm tra quản lý của ngành nông ngiệp, y tế thương mại và nhiều cơ quan chức năng khác”, GS Diên đóng góp ý kiến.