ThienNhien.Net – Khi gió đồng ngát hương, đàn chim én di cư về cũng là bà con dân tộc Thái ở xã Tú Lệ (Văn Chấn – Yên Bái) bắt đầu một vụ săn chim én. Những chiếc lố én, rồi bẫy bằng dây thép, lưới… được giăng trên khắp cánh đồng lúa nếp chín vàng của Tú Lệ. Với “công nghệ” bẫy chim én ngày càng hiện đại này khiến đàn chim én ở Tú Lệ đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Mùa chim én về
Khoác thêm chiếc áo lên người cho bớt lạnh, ông Lò Văn Mời, một thợ săn chim én có tiếng ở Tú Lệ bảo: “ Năm nay chim én sẽ về nhiều”. Ông Mời xuống gầm nhà sàn lấy cái lố én (bẫy én) ra lau lại. Ông lau cái lố én rất cẩn thận, rồi ông vót từng chiếc lan bẫy nhẵn thín. Vót xong, ông Mời nhẹ nhàng mở tủ lấy lọ nhựa keo ra bôi vào những chiếc lan vừa vót. Thứ keo đặc quánh này do người Thái lấy ở trên rừng về, nó rất dẻo và dính. Thấy lạ tôi hỏi: “ Bác định bẫy én bằng keo à?”. Ông Mời nhìn tôi với nụ cười đầy ẩn ý. Ông lặng lẽ bôi một ít keo vào mấy chiếc lan nhỏ, dài khoảng 30cm rồi quang vào chú gà sống đang đậu dưới gầm sàn. Chiếc lan rơi vào cánh con gà sống khiến nó dụng cả lông mới thoát ra được. “ Đấy chú xem gà còn rụng lông cánh nữa là chim én. Sáng mai, nếu chú rảnh đến đi cùng tôi săn én”, ông Mời nói. Cũng theo ông Mời, chim én là một loài chim nhỏ, đuôi dài và chẻ đôi, cánh cũng dài, bay lượn rất nhanh nên rất dễ dính bẫy. Hằng năm chúng thường xuất hiện ở Tú Lệ vào mùa xuân và mùa thu. Nắm được đặc điểm này người dân thường chuẩn bị bẫy rất đầy đủ để săn én.
Không riêng gì nhà ông Mời ở các bản Phạ Trên, Phạ Dưới, bản Nước Nóng… các gia đình cũng đua nhau chuẩn bị lố én. Không khí chuẩn bị thật khẩn trương, cả bản vui như ngày có hội. Có lẽ vui nhất là bọn trẻ, mỗi khi mùa én về là chúng lại được thoả thích nô đùa để bắt én.
“Công nghệ” tận diệt chim én
Sáng sớm tinh mơ giữ đúng lời hẹn, tôi cùng ông Mời ra đồng đặt bẫy. Buổi sớm ở miền sơn cước, khí hậu thật trong lành. Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng mõ trâu ra đồng kêu lộc cộc, tiếng suối chảy róc rách khiến ngày mùa ở Tú Lệ thật vui nhộn. Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều thanh niên khác vác bẫy ra đồng. Gặp ông Mời, một thanh niên liền hỏi: “ Bao giờ thì chim én về hả bác?”. Ông Mời nhìn ra cánh đồng còn ướt đẫm sương đêm bảo: “ Bao giờ sương tan, chim én sẽ về”.
Gần trưa Sương bắt đầu tan, nắng vàng trải đều trên đồng. Ông Mời cũng đã đặt bẫy xong ngồi nghỉ hút thuốc lào. Ông bảo với mấy đứa con: “ Các con chuẩn bị bẫy đi. Trời quang thế này là chim én sắp về rồi”. Ông dùng chiếc lan nhỏ rồi bôi keo gắn vào mấy cành que dài khoảng 2m, ngoài ra ông còn đặt vài con én đã chết lên đó làm chim mồi. Những chiếc que này được gắn vào thân một cây tre nhỏ. Sau đó ông dựng cây tre lên. Trông xa, những chiếc lố én giống như một chiếc ô chỉ còn bộ khung. Ông Mời vừa đặt bẫy xong, phía đằng xa từng đàn én bắt đầu bay về. Hoà trong tiếng lúa rì rào là tiếng chim én kêu ríu ra, ríu rít, từng đàn én trao liệng trên trông thật vui mắt. Ông Mời thản nhiên ngồi hút thuốc nhìn đàn én bay lượn. Chỉ một lát sau đàn én bay tới cái bẫy của ông Mời. Con nào bay sát lố én trạm vào que nhỏ bôi keo là bị rơi ngay xuống đất. Chưa đầy mười phút sau, tôi theo ông Mời ra nhặt én, hơn chục chú chim én nằm xoài trên đất đang cố vẫy đôi cánh bay lên, nhưng càng vẫy chúng càng bất lực. Những chiếc lan gián nhựa keo khiến én mắc cánh vào là không thể bay được nữa. Cứ như thế hết đợt này, đến đợt khác từng chú chim én khác cũng bị mắc bẫy.
Mặt trời lên quá đỉnh đầu, sương trên các triền núi mới tan hẳn. Tôi nhẩm đếm quanh khu vực mà ông Mời đặt bẫy có đến vài chục chiếc lố én. Người dân nơi đây dùng đủ các loại bẫy để bắt én. Loại bẫy nào cũng rất lợi hại. Ngoài lố en, nhiều người còn dùng bẫy bằng dây thép hay còn gọi là “đường dây chết”. Loại bẫy này, anh Non là người có kinh nghiệm nhất ở Tú Lệ. Anh Non cho dựng 4 cái cột to, mỗi cột cách nhau khoảng 10m, các cột được nối với nhau bằng dây thép. Hai cột ở giữa để dây bằng nhau, cột thứ tư dây được nối vào một cái gờ và thừa ra nửa mét dây. Chiếc gờ này có thể điều khiển đường dây trên các cột: trùng, căng hoặc thả dây. Trên đường dây giữa cột 2 và 3, anh Non đặt vài chú chim én đã chết làm chim mồi, thậm chí sử dụng cả chim én còn sống. Những chú chim mồi này được buộc chặt trên dây.
Rất nhiều người dân Tú Lệ tham gia bẫy chim én. |
Đặt bẫy xong, anh Non ngồi cạnh chiếc gờ điều khiển. Đàn én bay từ xa về liền sà xuống đậu trên dây thép cùng với các chú chim mồi. Anh Non mới từ từ kéo căng đường dây. Dây được anh Non kéo lên rất nhẹ nhàng khiến đàn én đậu trên dây không thấy được dấu hiệu khác thường. Khi đường dây thép căng lên đến một độ nhất định, anh Non đẩy nhẹ chiếc chốt làm đường dây thép bị bật mạnh lên không trung. Đàn én bị bất ngờ, chưa kịp định thần thì đã bị dây thép va phải, con đứt cổ, con gẫy cánh, con rụng chân… Mỗi bật bẫy như thế anh Non bắt được 6 -10 con chim én.
Một loại bẫy nữa mà người dân thường dùng là bẫy bằng lưới. Trong các kiểu bắt chim én có lẽ bẫy loại này là “nhân đạo” nhất. Người bẫy cắt chụi rạ ở một góc ruộng rồi thả vài chú chim én còn sống làm chim mồi. Chim mồi bị buộc dây ở chân, nên chỉ chạy quanh quẩn ở một chỗ. Cách chỗ mấy chú chim mồi 3m là một khung lưới rộng khoảng 15m2. Ở đầu khung lưới được nối 2 sợi dây dài khoảng 20 m. Người bẫy cầm một đầu dây đứng lấp sau đống rơm, khi đàn chim én xà xuống là giật bẫy. Loại bẫy này đòi hỏi người đặt phải nhanh tay, nhanh mắt và đoán được đường bay của chim én.
Săn én trở thành “nghề”
Én về nhiều khiến cánh thợ săn ăn trưa luôn ở ngoài đồng. Hết đàn én này đến đàn én khác nối đuôi nhau bay về cách đồng lúa nếp của Tú Lệ. Và sau mỗi lần như thế, đám trẻ trên đồng lại thoả sức cười đùa và ra nhặt “chiến lợi phẩm” là hàng trăm chú én bị dính bẫy. Những chú chim én lông đen tuyền bị nhốt vào chiếc lồng nằm thở thoi thóp đợi lúc “xử trảm”. Khi ánh mặt trời dần khuất sau đỉnh núi, sương bắt đầu xuống, cách thợ săn mới hạ bẫy, chuẩn bị về nhà. Trông mặt ai cũng hớn hở vì bắt được rất nhiều én. Anh Ngân một thợ săn có tiếng giơ chiếc lồng chứa đầy én lên khoe: “ Hôm nay bắt được tới trăm con, cả nhà lại được bữa nhậu tuý luý”.
Không giống như anh Ngân, nhiều thợ săn khác lại mang én đi bán. Xã Tú Lệ có đường quốc lộ 32 chạy qua, lại là trung tâm chợ đầu mối nên bán én rất dễ. Giá én “siêu rẻ” 1.500 đồng/con. Thịt én thơm ngon, lại rẻ, nên nhiều người sẵn sàng mua một lúc vài chục con làm mồi nhắm. Những chú chim én bay trên bầu trời tự do đẹp là vậy, giờ đây bị vặt chụi lông thịt đỏ ỏn. Ước tính, mỗi ngày mỗi thợ săn cũng kiếm được vài chục nghìn đồng nhờ bắt chim én. Với người dân Tú Lệ, số tiền này không nhỏ chút nào. Bởi lẽ toàn xã vẫn còn trên 70% hộ nghèo, lại không có nghề phụ, nên nhiều người coi đây là cơ hội để kiếm tiền.
Theo các già làng, trưởng bản ở Tú Lệ, trước đây người dân cũng có bắt én, nhưng bắt rất ít. Chim én về là để bắt sâu trên đồng, nhờ đó mà giống nếp nổi tiếng thơm ngon của Tú Lệ ít khi mắc sâu bệnh. Tuy nhiên, mấy năm gần đây săn én trở thành phong trào, nên đàn én bị giảm nhanh chóng. Một trưởng bản than thở: “ Với tốc độ bắt én như mấy vụ gần đây, chẳng mấy chốc đàn chim én bị tận diệt. Có lẽ khi ấy đồng lúa nếp của Tú Lệ dễ bị sâu bệnh hoành hành. Trước đây, én bay về rợp trời, nhưng nay én về ngày một ít đi”.