Loạn đất đai trên đảo Phú Quốc

Hàng triệu mét vuông đất sau thanh tra vẫn chưa thể thu hồi. Đất rừng, đất công mua bán vô tư. Loạn đất đai đang tiếp tục xảy ra trên hòn đảo được qui hoạch du lịch lớn nhất nước này.


Đất rừng bị mua bán vô tội vạ


Trong vai một “đại gia” từ TPHCM ra đảo Phú Quốc đầu cơ đất, tôi đi thẳng ra xã Hàm Ninh, một trong những địa bàn nóng bỏng chuyện mua bán đất bất hợp pháp.


Ông Hai, một cán bộ huyện về hưu bức xúc nói: “Tình hình mua bán đất đai trên địa bàn xã đang diễn ra khá phức tạp, đất đai cấp chồng chéo; mua bán đất không cần thông qua chính quyền; đất trong vùng qui hoạch cũng bị bán, đặc biệt đất rừng đang bị chặt phá, mua bán vô tội vạ”.


Anh M,  “cò đất” người địa phương chở tôi vào khu rừng tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh. Chiếc xe honda chồm lên, lao xuống  qua những khu đất rừng bạt ngàn từ suối số 1 đến suối số 5. Là đất rừng nhưng anh này tiết lộ đã bị sang bán hầu hết, giá từ 10 – 15 triệu đồng/công (mỗi công 1.000m2).


Anh này “lưu ý” với tôi rằng nếu mua thì chỉ viết giấy tay thôi, còn muốn “chạy” giấy tờ hợp pháp thì phải liên hệ với “cò” giấy tờ. Chỉ vào lô đất rừng vừa bị chặt phá tan hoang, anh này nói: “Đây là đất rừng của ông Minh, rộng 1,6 ha vừa bán 10 triệu đồng/công. Ông ấy nhận tiền xong trả công giới thiệu cho tôi được 6 triệu đồng”.


Khi tôi hỏi người mua là ai thì anh này cho biết “luật” mua bán đất rừng ở đây tuyệt đối không được tiết lộ danh tánh người mua. Còn người mua làm được giấy tờ hay không đó là một “cuộc chơi” khác.


Chỉ vào khu rừng nguyên sinh bên cạnh, tay “cò” chỉ trỏ này “phán” tiếp một câu… xanh rờn: “Nếu anh có nhu cầu mua khu đất rừng này thì cũng sẽ có người đứng ra bán luôn. Nếu tự chặt phá rừng thì giá sẽ giảm cho vài triệu/công”. Việc chặt phá rừng theo người dân địa phương thường diễn ra vào lúc tờ mờ sáng hoặc chập tối.


Chúng tôi đến khu vực Bãi Trường, ấp Đường Bàu, xã Dương Tơ, đây là khu vực đã được qui hoạch sân bay và du lịch. Thế nhưng ngay cả đất đã bị Nhà nước ra quyết định thu hồi cũng có “cò” kêu bán. Việc mua đất ở đây không phải để hợp thức hóa mà để… trồng cây rừng, mục đích khi nhà nước thu hồi thì đòi tiền bồi thường.


Theo tính toán, chi phí trồng 1 cây tràm (loại cây thích ứng, phát triển rất nhanh trên đảo) chỉ 500 đồng, sau 1 năm nếu giải tỏa sẽ được tính cây loại C với giá 3.000 đồng/cây.


Cán bộ đi kiểm tra thường đi ngoài đường, vì thế khó có thể phát hiện được một “thị trường” mua bán đất bất hợp pháp nằm xa xôi, cách trở với những con đường lớn.


Tại xã Cửa Cạn, việc sang nhượng đất trái phép còn có sự tiếp tay của cán bộ. Tại ấp 2, xã Cửa Cạn có ít nhất 11 hộ mua bán đất rừng đã bị phát hiện với diện tích trên 855.000m2, giá bán từ 5 – 8 triệu/công.


Điều tra ban đầu cho thấy các hộ này khi mua bán đều có xác nhận của trưởng ấp, ông Lê Thanh Hùng. Tại ấp 4 có khoảng 40.000m2 đất rừng đã bị sang bán trái phép, trong đó có một chủ tiệm vàng ở TT Dương Đông (Phú Quốc) vào mua.


Bà Nguyễn Thị Hạnh bức xúc: “Người ta mua bán trái phép đất rừng như thế không ai xử lý, còn tôi khai khẩn từ năm 1987 đến nay, giấy xác nhận khai khẩn của xã từ 20 năm nay tôi còn giữ, vậy mà xin hợp thức hóa không được.


Cán bộ địa chính huyện bảo tôi về phát dọn theo đất khai khẩn trước đây để xuống đo đất. Khi tôi phát dọn thì cán bộ kiểm lâm đến lập biên bản nói vi phạm đất rừng. Trong khi đó những hộ xung quanh khai khẩn cùng thời điểm lại làm sổ đỏ được”.


Thực tế cho thấy đã có sự lợi dụng Nghị định 84/CP về việc Nhà nước cho hợp thức hóa đất khai khẩn trong rừng trước 15/10/1993 để lấn chiếm đất rừng.


Các thủ đoạn chủ yếu: bứng những cây đã trồng lâu năm ở nơi khác lén lút đưa vào rừng trồng; xin xác nhận của chính quyền ấp, xã; diện tích khai khẩn chỉ vài công nhưng kê khai lên 2 – 3 ha.


Trường hợp Thái Văn Phương, Trưởng ấp 4, xã Cửa Cạn, gia đình vợ chỉ khai khẩn  2.000m2 đất trồng tiêu, nhưng khi hợp thức hóa đã lấn thêm đất rừng được trên 30.000m2


Mua bán đất rừng diễn ra phức tạp, khá phổ biến nhưng ngành kiểm lâm huyện hầu như không kiểm soát được tình hình. Ông Nguyễn Thanh Bình, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc nói: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi chỉ mới phát hiện duy nhất một vụ mua bán đất rừng, mà cũng phải động viên mãi họ mới khai ra.


Vào năm 2000, ông Ngô Thanh Quang ở đất liền ra đảo bao chiếm 14.000m2 đất rừng. Sau khi bị phát hiện, lập biên bản đình chỉ, đến tháng 05/2007 ông này quay lại sang bán cho ông Hồng Văn Lợi ở ấp Gềnh Dầu, xã Gềnh Dầu với giá 50 triệu đồng.
Khi phát hiện chúng tôi đã phạt ông Lợi 1,5 triệu đồng về hành vi gây thiệt hại đất lâm nghiệp khi ông này đào một con mương qua khu đất. Ông Quang sau khi bán đất đã bỏ trốn khỏi đảo Phú Quốc. Vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chúng tôi đã báo cho bên Công an. Tuy nhiên người bị lừa đảo không làm đơn tố cáo nên không có cơ sở để xử lí”.


Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc-Ông Phạm Vũ Hồng thừa nhận đang xảy ra tình trang mua bán đất rừng bất hợp pháp ở một số nơi trên đảo. “Chúng tôi đang quyết liệt ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Hồng cho biết.