Cùng với nhiều mặt tích cực trong việc cải thiện đời sống người dân nông thôn, thì hầu như không một làng nghề nào không có những điều bức xúc về môi trường.
Trong những năm qua, các làng nghề nông thôn đã đóng góp cho xã hội một lượng hàng hóa khá phong phú, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nông dân tại các làng quê. Tuy nhiên, cùng với nhiều mặt tích cực trong việc cải thiện đời sống người dân nông thôn, thì hầu như không một làng nghề nào không có những điều bức xúc về môi trường.
Kết quả khảo sát mới đây nhất của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra những con số báo động về hiện trạng môi trường tại các làng nghề: 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Ô nhiễm không khí chủ yếu tập trung ở các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sứ, nhựa… ước tính tại lượng ô nhiễm không khí do đốt than để nung vôi, nung gốm, sứ từ hàng trăm lò thủ công lên tới hàng triệu m3 khí độc.
Dân cư làng nghề và cả các xã lân cận đều phải sống chung với khói bụi, hơi nóng và khí độc hại từ các làng nghề này. Ðiển hình như làng gốm Bát Tràng, làng tái chế sắt thép Ða Hội, xã Châu Khê (Bắc Ninh)… Môi trường nước và không khí bị ô nhiễm tại các làng nghề đã tác động không nhỏ sức khỏe người lao động. Các bệnh nghề nghiệp như đường hô hấp, đau mắt, suy nhược thần kinh, bệnh ngoài da… ngày càng gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề như thiếu quy hoạch đồng bộ, công nghệ lạc hậu, thiết bị chắp vá, thủ công, ý thức bảo vệ môi trường hầu như không được quan tâm…
Nhưng một nguyên nhân đáng phải suy nghĩ, là lâu nay tình trạng ô nhiễm của tất cả các làng nghề mới chỉ được khảo sát và đưa ra những con số đáng báo động, nhưng để đưa ra một giải pháp khắc phục cụ thể, hiệu quả thì lại chưa có.
Ðến nay cũng đã có hàng chục đề tài các cấp, cùng các cuộc hội thảo đề cập vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng rồi tất cả vẫn chỉ nằm trên… giấy.
Hiện nước ta có 1.450 làng nghề phân bổ rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Ðể các làng nghề phát triển một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ngoài chính sách đầu tư của Nhà nước, đã đến lúc không chỉ là họp bàn, kiến nghị, hội thảo chung chung, mà cần có giải pháp khắc phục khả thi để ứng dụng ngay thực tiễn, nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.